Trước ngập cục bộ, nay ngập tràn lan

24/06/2011 09:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ chiều qua 23/6, trận mưa lớn đã diễn ra tại khu vực Bắc bộ. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong khi cơn bão số 2 bắt đầu hoành hành tại miền Bắc, thì khu vực biển Đông đang hình thành một áp thấp nhiệt đới. Dự báo, trong thời gian “bão chồng bão” đồng bằng Bắc bộ sẽ có khả năng mưa lớn từ ngày 23 đến 27/6.

Sau trận mưa hôm qua, rất nhiều điểm tại Hà Nội đã bị ngập, nhiều người dân lo ngại, liệu Hà Nội có thêm một lần nữa bị “nhấn chìm” như năm 2008. Chiều qua, TT&VH đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Trần Đức Hạ, Chủ nhiệm bộ môn Cấp thoát nước - Môi trường nước, Đại học Xây dựng. Ông cho rằng, việc bao giờ Hà Nội hết ngập với các trận mưa lớn là câu hỏi chưa có lời giải.

Công trình mới xây cũng ngập

PGS-TS Trần Đức Hạ: “Chúng ta đang chống ngập kiểu tình thế”

* Theo ông, vì sao Hà Nội ngày càng “nhạy cảm” với những trận mưa? Chớm mưa là ngập?

- Thứ nhất là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, hệ thống hạ tầng tiến theo không kịp. Càng ngày người tập trung càng nhiều, nhà càng cao tầng, đất càng hạn chế, hệ thống mương cống thoát nước không đảm bảo.

Phần lớn các cống lớn của chúng ta xây dựng từ thời Pháp sau đó được nâng cấp dần. Hệ thống cống tính theo đầu người của chúng ta so với các nước khác là rất thấp.

Thứ hai là do quản lý đô thị của chúng ta còn nhiều bất cập. Rất nhiều mương hồ ngày càng bị lấp. Các nhà quản lý đô thị lấp để xây dựng các nhà ở, bản thân người dân chúng ta không có ý thức trong vấn đề lấn chiếm hồ ao mà báo chí đề cập đến rất nhiều. Trong khi đó mương hồ rất quan trọng đối với vấn đề thoát nước. Nó làm chậm dòng chảy, chứa và điều tiết nước mưa. Thêm nữa, các hệ thống ống nước, đường thông tin liên lạc, điện được hạ ngầm, đường luôn cải tạo bóc lên, bóc xuống, thành phố giống như một công trường, cát bụi, rác thải, vật liệu trên bề mặt khi mưa xuống sẽ rơi vào hệ thống cấp thoát nước và làm tắc các cống, hố ga.

Thứ ba là do ý thức của người dân. Rác thải đẩy ra đường, xe chở vật liệu không căng bạt, đổ phế liệu xây dựng bừa bãi. Điều đó có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, bởi những vật liệu đó sẽ dồn lại và bịt các cống thoát nước.

Một vấn đề nữa là do biến đổi khí hậu, những năm gần đây hiện tượng mưa bão ngày càng diễn ra thất thường hơn và khắc nghiệt hơn.

* Như vậy liệu hệ thống thoát nước Hà Nội hiện có bất lực trước mưa lớn?

- Hiện nay hệ thống thoát nước của nội thành Hà Nội cũ là 4 cống thoát nước ra sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét và sông Tô Lịch.

TP Hà Nội nằm trong lưu vực sông Nhuệ - sông Hồng. Nước thoát ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt, đập này hiện nay vẫn hoạt động bình thường, nhưng do ao hồ, mương bị lấp nhiều nên khi mưa xuống, lượng dòng chảy qua đập Thanh Liệt tăng lên rõ rệt và đập này thoát không kịp.

Đường Đại Cồ Việt chớm mưa đã ngập. Ảnh Dân trí

Đồng thời khi mưa to, do mực nước sông Nhuệ cũng tăng lên, nên nước thoát qua đập Thanh Liệt không kịp nên ứ lại trong nội thành gây ngập.

Trong Dự án thoát nước giai đoạn 1, Hà Nội đã xây dựng lại trạm bơm thoát nước của Hà Nội tại hồ Yên Sở với công suất 45m3/giây và giai đoạn 2 từ 2007 đến bây giờ, nâng công suất lên 90m3/giây. Nước mưa của Hà Nội chảy về hồ Yên Sở bơm ra sông Hồng. Như vậy, có nghĩa là về mùa mưa, nước thoát tiêu của Hà Nội là qua trạm bơm Yên Sở và đập Thanh Liệt chảy ra sông Nhuệ.

* Ông có lưu ý đến một vấn đề đặt ra là nhiều công trình lớn như Đại Lộ Thăng Long, hầm Kim Liên mới làm xong nhưng úng ngập?

- Đó là những điểm mang tính cục bộ. Như hầm Kim Liên, có thể trong giai đoạn đầu, trong quá trình thiết kế người ta cũng chưa tính hết bất cập. Còn Đại Lộ Thăng Long xuất hiện úng ngập, theo tôi, là vì khi thiết kế, người ta chưa tính hết được lượng nước mưa có thể chảy vào diện tích đường lớn đến mức nào. Nên khi các hố thu nước trên đường đã “no” rồi, người ta cần bố trí hệ thống bơm thu nước phù hợp với lưu lượng nước. Và hiện nay Đại lộ Thăng Long vẫn đang trong quá trình hoàn tất nên có hiện tượng các vật liệu xây dựng rơi vãi, dồn vào làm tắc hệ thống thu nước dẫn tới nước chảy vào các hầm đường.

Nhưng vấn đề đặt ra là phải có tầm nhìn vĩ mô. Đáng lý ra khi xây dựng Đại lộ Thăng Long phải đặt vấn đề quản lý đồng bộ cả đường, cả cống, chứ hiện nay, Công ty Cấp thoát nước Hà Nội không được giao quản lý thoát nước đường Thăng Long.


Chỉ sau cơn mưa 15 phút chiều 23/6, đường Kim Liên ngập nửa bánh xe. Ảnh Dân trí

Chống ngập kiểu tình thế

* Hiện nay có bao nhiêu điểm ở Hà Nội có thể ngập, theo ông?

- Trước khi cải tạo hệ thống thoát nước, số điểm úng ngập thì nhiều, nhưng sau khi cải tạo xong một thời gian thì úng ngập giảm đi chỉ còn... 1 điểm. Tại sao vậy? Bởi dùng chữ “điểm ngập úng” bây giờ không chính xác nữa. Trước kia nó chỉ úng ngập cục bộ trong thời gian nhất định, nhưng hiện nay có hiện tượng là khi mưa to xuống, gần như cả thành phố Hà Nội bị úng ngập, nên gọi là úng ngập một điểm.

Trước kia, trận mưa bình thường 100mm, trong thời gian 1 ngày, thành phố chỉ có vài ba chục điểm úng ngập thôi. Nhưng hiện nay, với những trận mưa đầu mùa như vậy, hầu như cả thành phố bị ngập. Tất nhiên là thời gian từng điểm ngập khác nhau, nước rút nhanh hay chậm khác nhau. Còn những trận mưa trên 70mm trong thời gian 3 giờ đã có thể gây ngập. Tất nhiên là dân Hà Nội đã quen với ngập rồi.

Thậm chí, khi mưa các hồ vẫn đang cạn, nhưng cạnh đó đường vẫn đang ngập, ly  do là các hệ thống thu nước bị tắc, và việc thoát nước từ các hồ ra đập Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở không kịp. Nước trong nội thành ứ lại.

* Theo dự báo của ông, bao giờ Hà Nội có thể “miễn dịch” với ngập do mưa?

- Không thể nói được. Ngay cả khi hai giai đoạn của Dự án thoát nước Hà Nội hoàn thành, chúng ta cũng chỉ nghĩ đến chuyện giải quyết úng ngập cho nội thành Hà Nội (cũ).

Chúng ta đầu tư nhưng không theo kịp sự phát triển của đô thị, bây giờ đô thị còn các khu vực khác. Cần đặc biệt lưu ý, khu vực từ phía Tây sông Tô Lịch ra đến sông Nhuệ là hoàn toàn chưa có trạm bơm thoát nước đô thị nào. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng mấy trạm bơm nông nghiệp vào việc này. Như thế rất không ổn, vì tiêu nước nông nghiệp nó khác với tiêu nước đô thị. Với nông nghiệp người ta cho phép ngập cả cánh đồng từ 1 - 2 ngày còn đối với đô thị là nước không được ngập trên đường. Đấy là nguyên tắc. Hơn nữa, đồng ruộng vừa có thể chứa nước, vừa thấm nước. Còn đối với đô thị, thì khi mưa xuống, nước không thấm đi mà tạo dòng chảy trên bề mặt. Nước tập trung về trạm bơm tăng lên nhiều, thì công suất trạm bơm nông nghiệp không đảm bảo thoát nước cho đô thị. Trạm Yên Sở của chúng ta 90m3/giây chỉ phục vụ cho nội đô Hà Nội, còn khu vực đô thị bên kia sông Tô Lịch hầu như chưa có giải pháp bơm thoát nước hữu hiệu và như thế chắc chắn khu vực đó sẽ bị ngập nặng, nhất là khi tốc độ đô thị hóa ở đó ngày càng chóng mặt.

Chúng ta muốn giải quyết tận gốc nhưng chúng ta không theo kịp tốc độ phát triển đô thị nên thực tế là chúng ta đang chống ngập kiểu tình thế.

* Xin cảm ơn ông.

Mạnh Cường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm