17/08/2013 13:34 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Rất bất ngờ (nhưng không hề tình cờ), BTC sân Thống Nhất quyết định nâng giá vé các khán đài C và D, nơi dự kiến là dành riêng cho CĐV đội khách SLNA, lên 100%, tức là từ 20.000 đồng/vé thành 40.000 đồng/vé.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là cách làm chụp giật kiểu con buôn, khi BTC sân đã dự cảm được số lượng rất đông các CĐV xứ Nghệ sẽ tìm về Thống Nhất.
"Con buôn" thì đã làm sao?
Sự việc làm chúng ta liên tưởng tới các tình huống của BTC sân Hàng Đẫy và Lạch Tray trước đây. Cụ thể, để ngăn ngừa và phòng chống nạn bạo lực, quá khích của CĐV Hải Phòng có thể gây ra ở sân Hàng Đẫy trong trận đấu với HP.HN, BTC sân đã quyết định tăng đột biến giá vé bán dành cho khu vực khán đài của CĐV đội khách. Rất nhiều những đồng tiền âm phủ và cả những bandrole, biểu ngữ đã được CĐV đất Cảng mang theo hòng chế giễu BTC sân Hàng Đẫy.
Trên thực tế, tại sân nhà Lạch Tray, BTC cũng không ít lần tăng giá vé cho các sự kiện hoặc trận cầu đinh thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Cụ thể là ngày danh thủ Denilson ra mắt CĐV đất Cảng và một số các trận đấu của XM V.HP ở giai đoạn 2008-2010, khi bóng đá xứ hoa phượng còn thăng hoa…
CĐV SLNA sẽ lại tràn ngập sân Thống Nhất như trận SG.XT-SLNA mùa trước? Ảnh: Kim Ngọc
Điều đáng nói là điều lệ giải của BTC không cấm các sân bóng tăng giá vé, ngược lại còn khuyến khích, bởi ít ra các sản phẩm của VPF (như V-League, hạng Nhất hay Cúp QG) cho thấy còn có thể… bán được.
Và ngoài ra, phần lớn các đội bóng đều hoạch toán độc lập chi phí tổ chức trận đấu, nên họ có quyền làm điều mình cho là hợp lý. Ví như trung bình mỗi trận đấu của XMXT.SG ở mùa giải năm nay, họ sẽ phải trả cho Ban giám đốc sân Thống Nhất 80 triệu (lũy tiến 15 triệu, khi cần tăng cường an ninh hay các chi phí phát sinh khác-PV) chẳng hạn.
Luật làm ra để lách, nhưng ngay cả trong tình huống này, XMXT.SG đâu có lách luật? Họ là những nhà buôn rất biết thức thời thôi.
Cái gì có lợi thì làm
Với sức chứa 25.000 chỗ ngồi (và đứng), sân Thống Nhất được cho là một trong những SVĐ lớn nhất mà các đội bóng từng sử dụng cho các giải đấu như V-League, hạng Nhất và Cúp QG (chỉ xếp sau Mỹ Đình mà Thể Công (cũ) từng thuê trước đây). Trong đó, 2 khán đài C và D dự tính đủ không gian cho khoảng 7.000 chỗ đứng.
Vậy nếu bán hết vé cho 2 khu vực vốn tách biệt này, trận đấu với SLNA, bộ phận kinh doanh của XMXT.SG sẽ thu về trên dưới 300 triệu đồng, một con số rất khủng, đó là chưa tính doanh số từ tiền bán vé 2 khán đài chính A và B với mệnh giá còn cao hơn gấp nhiều lần.
Các trận đấu như với SLNA quả thật là cả năm mới có một lần. Số lượng CĐV xứ Nghệ dự tính lên tới hàng chục ngàn người sẽ mua vé vào sân để sát cánh cùng đội bóng trong một trận đấu có ý nghĩa quyết định cho chức vô địch V-League mùa này.
Thế nên, phải tận thu mới được, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng đè lên địa hạt bóng đá vẫn chưa có hồi kết?! Cái gì có lợi thì làm thôi và tại một đội bóng như XMXT.SG, chẳng có gì là không thể cả.
Việc kinh doanh tình yêu bóng đá của CĐV hay người hâm mộ, chẳng ai nói là kinh doanh bất hợp pháp cả. Tuy nhiên, nếu như việc bán vé và tổ chức bán vé chuyên nghiệp hơn, với giá niêm yết ngay từ đầu mùa, đã chẳng xảy ra tình trạng bát nháo, trống đánh xuôi kèn thổi ngược và chắc cũng hạn chế được phần nào nạn phe vé hoành hành.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Do việc thuê khoán trọn gói sân Thống Nhất trong các trận đấu của mình, bộ phận kinh doanh của XMXT.SG có nhiệm vụ thanh toán đầy đủ phí thuê sân (80 triệu đồng/trận và có lũy tiến, tùy theo tính chất các trận đấu), ngược lại, họ được quyền khai thác quảng cáo trên sân, phát hành và bán vé. Con số 80 triệu tưởng lớn, nhưng lại không hề dễ nuốt, khi trong quá khứ, không ít lần BTC sân Thống Nhất bị phạt bởi không đảm bảo được công tác an ninh. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất