(TT&VH) - Thành phố Hà Nội có chủ trương đến năm 2020 di dời 3 vạn dân khỏi “36 phố phường” Hà Nội để “sang sông”, tới khu đô thị mới Việt Hưng. Sự “di cư” này sẽ làm thay đổi cuộc sống, tình cảm “thâm căn cố đế” từ lâu và rất ngại “xê dịch” của dân phố cổ. Mặc dầu mới là chủ trương chung, nhưng câu chuyện “cửa miệng” của người dân phố cổ quanh đi quẩn lại chỉ tập trung chủ đề này.
Thực ra đây không phải lần đầu người phố cổ ra đi, nhưng những lần trước hầu hết là xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Lần này “di dân” xuất phát từ nhu cầu “Bảo tồn giá trị khu phố cổ”, và tháo gỡ những khó khăn trong sinh hoạt cho người dân. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc vốn là “dân phố Hàng”: “Như mô hình Hội An, mỗi số nhà chỉ có một người sở hữu, sau đó là tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi cho việc xây dựng không gian văn hóa phù hợp với lợi ích của người sống trong nhà đó và lợi ích của cộng đồng. Khi người dân ý thức được rằng, bản thân giá trị phố cổ mang lại lợi ích cho họ thì họ ứng xử với nó khác”.
Để tình cảnh “số nhà đông hộ” như hiện nay, sẽ dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc”, phá vỡ không gian, hồn vía phố cổ. Đó là hệ lụy tất yếu. Bài toán “giãn dân phố cổ” là cần thiết, song không thể dùng mệnh lệnh hành chính để di dân.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, tổ trưởng tổ 13, phường Hàng Đào, người có đến 4 đời là cư dân phố cổ. Ông thuộc vanh vách tiểu sử từng ngôi nhà. Hiện ông sống tại gác 3 số 45 phố Hàng Ngang. Ông Ngọc cho rằng, “di dân phố cổ” cần phải có hướng dẫn cụ thể đưa về tổ dân phố để bà con dân chủ bàn bạc, cùng hiểu đúng ý nghĩa tích cực để bảo tồn không gian văn hóa, quy hoạch kiến trúc, nghề nghiệp, phong tục, lối sống thanh lịch của người Tràng An. Ông Ngọc đề nghị “Những người có trách nhiệm cần sớm có “chuẩn” hoạch định đối tượng nào ở lại, đối tượng nào sẽ ra đi, ai đi trước, ai đi sau để người dân chủ động sắp xếp kế hoạch cho gia đình”.
Hiện nay có nhiều gia đình ở phía trong, không có nhu cầu buôn bán, họ đã “nhượng” nhà cho cho hộ liền kề theo “giá thỏa thuận”. Người dân tự nguyện “giãn dân”, Nhà nước không mất tiền đền bù mà vẫn đạt được mục đích. Ông Nguyễn Văn Tiến, số 13 phố Hàng Ngang, bố mẹ ông là nhà tư sản dân tộc, sau ngày Hà Nội giải phóng, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, gia đình ông hiến toàn bộ phần cửa hàng để mở xưởng dệt công tư hợp doanh. Xưởng dệt đóng cửa từ lâu, đã chuyển đổi mục đích, cấp cho người khác đến ở. Ông Tiến có nguyện vọng, nếu di dân, cho 2 anh em ông được mua lại phần nhà đã hiến cho Nhà nước. Ông tâm sự: “Toàn bộ ngôi nhà số 13 này là do cha mẹ ông, bằng sức lao động vất vả của cả cuộc đời tần tảo mà xây dựng nên. Ngôi nhà gắn bó tuổi thơ của anh em tôi với biết bao nhiêu kỷ niệm khó quên”.
Những người như ông Tiến là chủ “xịn” của ngôi nhà đó. Họ sẵn sàng đầu tư cùng Nhà nước phục dựng lại ngôi nhà như nguyên bản ban đầu, và bảo quản để có thể giới thiệu với “khách phương xa” diện mạo “36 phố phường” xưa đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Hơn nữa, người dân phố cổ chỉ cần một ấm trà, vài bao thuốc lá, một mẹt hàng quà, một túi ngô, một lò than hồng cũng đủ nuôi sống cả gia đình, con cái tốt nghiệp đại học đàng hoàng. Sang nơi ở mới, “lạ nước lạ cái”, kiếm ăn đâu có dễ dàng? Đây cũng là điều cần câu trả lời thỏa đáng trước cuộc “di dân”.
LÊ SĨ TỨ