20/03/2012 11:18 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Hàng ngàn người Trung Quốc hiện đang cấp tập theo học các lớp dạy tiếng Pháp cấp tốc, không hẳn vì họ yêu thứ ngôn ngữ tới từ phương Tây này, mà vì lý do khá thực dụng: nó như chiếc vé giúp họ có cơ hội ra nước ngoài tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.
Trong khi việc học tiếng Pháp đang suy giảm tại nhiều nơi trên thế giới, thậm chí tiếng Hoa phổ thông còn có số người học đông hơn do vị thế của Trung Quốc đang đi lên trên toàn cầu, rất nhiều người dân ở nước này vẫn đang bận rộn học cách nói tiếng Pháp, kiểu như "Bonjour, je m'appelle Zhang" (Xin chào, tôi tên là Zhang).
Người người học tiếng Pháp
Nguyên nhân do người ta mới phát hiện một kẽ hở trong luật pháp Canada, trong đó chính quyền sẽ phê chuẩn visa nhập cảnh cho những người muốn tới sống ở tỉnh Quebec của nước này, chừng nào họ có vốn tiếng Pháp tốt ở mức đủ để có thể giao tiếp và làm việc.
Yin Shanshan nói rằng lớp học tiếng Pháp mà cô tham gia ở thành phố Thiên Kinh gần Bắc Kinh thậm chí còn có các khóa học về lịch sử Quebec và địa lý của khu vực này, bao gồm tên các vùng ngoại ô nằm quanh thành phố lớn nhất, Montreal. "Lớp tiếng Pháp của tôi có rất nhiều thứ hay ho" - cô gái 25 tuổi thổ lộ - "Hiện tôi mới chỉ có thể nói vài câu đơn giản kiểu như: tên tôi là... tôi đến từ... tôi sống tại chỗ này. Tôi cũng có thể thực hiện một số câu hội thoại phục vụ trực tiếp cuộc sống ở tỉnh này như: tôi muốn thuê một căn hộ cỡ trung, một phòng ngủ".
Năm ngoái, Alliance Francaise, cơ quan khuyến khích ngôn ngữ và văn hóa Pháp, đã phải từ chối nhận thêm học viên tương lai tại Bắc Kinh, do lần đầu tiên các lớp học của họ đã đầy người. "Nhu cầu học tiếng Pháp để tới các nước nói tiếng Pháp và nhất là vùng Quebec đang tăng lên rất mạnh" - Laurent Croset, giám đốc quản lý của Alliance Francaise ở Trung Quốc đánh giá. Được biết số giờ học tiếng do cơ quan này tổ chức tại Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 10/2010 tới tháng 9/2011 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Croset nói rằng đó là sự tăng trưởng khổng lồ.
Rất đông người Trung Quốc đang theo học tiếng Pháp
với hy vọng sẽ có cơ hội nhập cư tới Canada.
Giấc mơ di cư sang trời Tây
Dù Trung Quốc ngày càng phồn thịnh và tăng cường ảnh hưởng với thế giới bên ngoài, không ít người vẫn mơ mộng về cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài. Dù chính sách của Trung Quốc đã đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói trong 2 thập kỷ qua, nhiều người vẫn cảm thấy cuộc sống trong nước có những hạn chế riêng. Đơn cử như việc họ chỉ được đẻ một con và hệ thống giáo dục quá nặng về thi cử. Ngoài ra, họ còn muốn thoát khỏi các vấn đề vẫn kéo dài dai dẳng trong nước mà không được giải quyết dứt điểm như ô nhiễm không khí, an toàn thực phẩm...
Canada, Mỹ và Australia đã nằm trong danh sách các điểm đến được người Trung Quốc ưa chuộng nhất. Các nghiên cứu gần đây cho thấy người Trung Quốc là nhóm dân nhập cư lớn nhất tới Canada trong giai đoạn 2001-2009. Và dù họ đã đứng thứ 3 trong năm 2010, sau Philippines và Ấn Độ, tổng số người di cư sang Canada vẫn không ngừng tăng lên. Giai đoạn 2010 - 2011, người Trung Quốc cũng đứng số 1 về nhập cư tới Australia,. Tại Mỹ, người Trung Quốc chỉ đứng sau người Mexico trong nhóm những cộng đồng được trao thẻ định cư dài hạn (thẻ xanh) giai đoạn 2007-2010.
Nhưng làn sóng nhập cư ồ ạt khiến Chính phủ nhiều nước đã phải ra tay can thiệp. Họ gây khó khăn bằng cách giảm bớt số công việc dành cho đối tượng lao động có trình độ thấp và tăng mức tiền mà các nhà đầu tư ngoại quốc phải bỏ ra, nếu muốn tới đây sống và làm ăn.
Trong bối cảnh ảm đạm đó, Quebec đã xuất hiện như "vị cứu tinh". Tỉnh này hiện vẫn lựa chọn người nhập cư riêng, không chịu ảnh hưởng bởi chính quyền liên bang, và không có bất kỳ hạn chế nào cho các đơn xin visa nhập cảnh. Chỉ có điều, Quebec yêu cầu người nhập cư phải thể hiện sự hiểu biết của họ về tiếng Pháp.
Năm ngoái, nhận thấy lỗ hổng này, các cơ quan nhập cư ở Bắc Kinh đã đẩy mạnh khai thác. Những người chuyên gia tư vấn di cư Joyce Li đánh giá "đây là lối đi duy nhất, không còn hướng nào dễ hơn" để người Trung Quốc di cư. Li chỉ ra rằng ứng viên xin visa định cư phải cam kết sẽ sống ở Quebec. Nhưng một khi đã đặt chân tới đây, họ sẽ có quyền di chuyển tới sống tại các vùng khác trên đất Canada như Toronto hay Vancouver, điều mà phần lớn những người nhập cư theo diện đầu tư vẫn làm hiện nay.
"Tại cuộc phỏng vấn, người ta sẽ yêu cầu anh phải ký một số giấy tờ. Nhưng khi ở trên đất Canada, hiến pháp nước này ghi rõ rằng anh có quyền sống ở bất kỳ nơi nào mong muốn" - Li nói và cho biết thêm - "Chỉ có 10% người Trung Quốc sử dụng chương trình đầu tư của Quebec để tới đây. Nhưng anh sẽ chẳng thấy ai sống ở đó cả. Nơi này quá lạnh với người dân Trung Quốc và không có các chuyến bay thẳng về quê hương".
Khát vọng đổi đời
Trong quá khứ, nhiều gia đình Trung Quốc đã tìm đường sang Canada sống bằng kỹ năng lao động tốt hoặc thông qua việc đã có người thân định cư tại đây. Nhưng khi chính quyền siết chặt quy định nhập cư, họ buộc phải hướng cặp mắt chú ý tới Quebec. Zhao Yangyang, người làm việc tại tổ chức nhập cư Beijing Royal Way Ahead Exit & Entry cho biết: "Quebec là lý do vì sao rất nhiều người, dù giàu hay nghèo, lành nghề hay không, đang cố học tiếng Pháp một cách gấp gáp".
Không phải những người muốn ra đi chỉ toàn dân nghèo hoặc thuộc tầng lớp lao động. Zhao cho biết nhiều khách hàng của cô là thành viên tầng lớp trung lưu, đang có một căn hộ lớn ở Bắc Kinh và Thượng Hải, kiếm được thu nhập thường niên hơn 32.000 USD. "Trong nhóm muốn di cư, có tới 80% đơn giản là muốn con cái họ có chế độ giáo dục tốt hơn" - cô nói. Theo tài liệu ngoại giao Mỹ do trang web WikiLeaks công bố, ngay cả người em gái của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Xi Jinping, cũng đã tới Canada định cư.
Yin, người hiện đang học tiếng Pháp ở Thiên Kinh, đã đặt rất nhiều hy vọng được tới Canada sống. "Tôi có một số bạn bè và họ hàng đã nhập cư thành công tới Canada nên cũng muốn tới đây" - Yin thổ lộ - "Tôi nghĩ rằng điều khiến Canada hấp dẫn mình là môi trường sống tuyệt vời, chất lượng không khí và thực phẩm luôn an toàn, bên cạnh hệ thống phúc lợi, giáo dục hoàn hảo. Giáo dục có ý nghĩa rất đặc biệt bởi nó vô cùng quan trọng với thế hệ tương lai".
Tường Linh (Theo AP)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất