Trung Quốc: Khổ vì... tàu hỏa siêu tốc

28/12/2009 09:18 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 26/12, Trung Quốc đã cho ra mắt tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới - hành trình hơn 1.000km từ Quảng Châu tới Vũ Hán với thời gian chỉ là ba giờ. Với tốc độ tối đa 394km/h, tàu siêu tốc của Trung Quốc được xem là vô địch thế giới, vượt xa các đối thủ Shinkansen của Nhật Bản và TGV của Pháp. Tuy nhiên, không phải người dân Trung Quốc nào cũng hào hứng với thành tựu này.

Cách mạng đường sắt

Tuyến đường sắt cao tốc kể trên sẽ giảm thời gian vượt chặng hành trình 1.069 km nối thành phố Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông với thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc xuống còn 3 tiếng đồng hồ. Thành tích này ngắn hơn 3 lần so với 10 tiếng rưỡi trước đây. “Con tàu có thể “bay” với vận tốc lên tới 394,2km/h và là con tàu nhanh nhất đang hoạt động trên thế giới” - ông Zhang Shuguang, Cục trưởng Cục vận tải thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc nói với Tân Hoa Xã.


Các con tàu cao tốc của Trung Quốc

Dự án tàu siêu tốc của Trung Quốc đã được khởi động từ năm 2005 với mục tiêu nối Quảng Châu, cổng thương mại ở miền Nam Trung Quốc và nằm gần Hong Kong, với thủ đô Bắc Kinh. Tháng 12/2009 bắt đầu giai đoạn chạy thử. Con tàu đầu tiên rời Vũ Hán hôm 26/12 và nó đã tới đích Quảng Châu bình an sau 3 tiếng đồng hồ.

Theo ông Xu Fangliang, kỹ sư trưởng phụ trách việc thiết kế tuyến đường cao tốc, tàu của Trung Quốc hiện chưa có đối thủ về tốc độ. Ông nói rằng tốc độ trung bình của tàu Trung Quốc là 350km/h, còn tàu cao tốc ở Nhật chỉ chạy 243km/h và ở Pháp - 277km/h.

Bắc Kinh một chương trình phát triển đường sắt đầy tham vọng nhằm nâng quy mô mạng lưới quốc gia từ 86.000km hiện nay lên 120.000km, trở thành nước có ngành đường sắt phát triển thứ hai sau Mỹ. Trung Quốc lần đầu giới thiệu tuyến đường cao tốc tại Olympic Bắc Kinh năm 2008. Tuyến đường này nối Bắc Kinh với thành phố cảng Thiên Tân. Tháng 9 năm nay, các quan chức Trung Quốc tuyên bố họ muốn xây dựng 42 tuyến đường sắt cao tốc, nghĩa là bao phủ gần hết đất nước từ nay đến năm 2012. Việc xây dựng được sắt cao tốc ngoài việc giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa còn giúp kích thích kinh tế tăng trưởng. Được biết, mạng đường sắt cao tốc của Trung Quốc phát triển dưới sự hợp tác về công nghệ với nhiều công ty nước ngoài như Siemens, Bombardier và Alstom.


Trong ca-bin lái hiện đại của tàu cao tốc

Khổ vì tàu siêu tốc

Trong khi các quan chức Trung Quốc vui mừng vì sự kiện mang tính tự hào quốc gia này thì không ít người dân và cả một bộ phận báo giới đã lên tiếng chỉ trích. Nguyên nhân do giá vé tàu cao tốc không hề rẻ.

“Giá vé thật sự quá đắt với những người như chúng tôi” - Huang Jiunan, người lao động tỉnh lẻ đang làm việc cho một công ty xây dựng ở Quảng Châu, nói. Mặc dù con tàu mới tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lại song Huang cho biết anh không có ý định sử dụng dịch vụ này trước Tết Âm lịch. “Tôi sẽ vẫn đi tàu thông thường với giá vé rẻ hơn nhiều” - anh nói - “Nhưng giờ thì mua vé tàu thường cũng rất khó nếu như nhiều người giống tôi không muốn dùng dịch vụ mới”.

Huang càng có lý do để lo ngại bởi Bộ Đường sắt Trung Quốc đã tuyên bố cho ngưng hoạt động vài tuyến tàu truyền thống sau khi triển khai tàu cao tốc. Nguồn tin bên trong cơ quan đường sắt nói rằng 26 tuyến đường cũ nối Quảng Châu với Thâm Quyến, Vũ Hán và vài khu vực khác sẽ ngừng hoạt động.


Hành khách sẽ phải từ bỏ các con tàu truyền thống

Điều gây lo ngại cho những hành khách nghèo là tàu cao tốc chạy trên các tuyến đường riêng, xa đường của các con tàu thường. Tờ China Business News có trụ sở ở Thượng Hải cho biết nhiều hành khách phàn nàn rằng họ bị những con tàu cao tốc “cướp mất phương tiện đi lại”. “Những người nghèo sẽ phải làm gì nếu họ muốn đi từ thành phố này tới thành phố nọ?” - một người giấu tên thắc mắc.

“Điều đó có nghĩa chúng tôi bị ép mua vé giá cao” - nữ sinh viên Zhang Qian than phiền với tờ China Daily. Chị cho biết bạn trai của chị thường chỉ phải bỏ ra có 180 NDT (26 USD) để đi từ Vũ Hán tới Quảng Châu thăm chị. Giá vé tàu thường dao động từ 50 - 280 NDT (7 - 41 USD) nhưng để đi trên những con tàu cao tốc và ngồi khoang hạng nhất thì người ta phải bỏ ra 800 NDT (117 USD), còn khoang hạng hai có giá 500 NDT (73 USD). Mức tiền này chỉ ít hơn một chút so với giá máy bay giá rẻ. “Là sinh viên, tôi không thể chịu nổi mức giá đắt quá thể như vậy” - Zhang nói. Chị cho biết bạn trai chị sẽ không thể tới Quảng Châu thường xuyên nếu các con tàu thường bị “xếp xó”.

Được biết, một quan chức giấu tên ở Bộ Đường sắt Trung Quốc đã giải thích vì sao cho ngưng hoạt động các con tàu truyền thống trên tờ China Business News. Ông nói rằng dù giao thông đường sắt ra đời là để phục vụ xã hội thì cũng phải tính tới vấn đề kinh tế thị trường và lợi ích thương mại. Nếu không dẹp tàu giá rẻ thì rất đông hành khách nghèo sẽ chẳng bao giờ đoài hoài tới tàu siêu tốc cả.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm