22/09/2011 11:00 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Trung Quốc vừa thông báo từ tuần tới, nước này sẽ phóng một con tàu thử nghiệm có vai trò làm nền tảng cho việc xây dựng trạm vũ trụ riêng. Việc này sẽ mở đường để quốc gia đông dân nhất thế giới lên đứng ngang hàng với Mỹ và Nga trên phương diện có người sống lâu dài trong không gian.
Theo kế hoạch, module Thiên Cung 1 sẽ cất cánh lên vũ trụ từ một trạm phóng tại sa mạc Gobi trong khoảng thời gian từ ngày 27 đến 30/9. Hiện module và quả tên lửa Trường Chinh 2F chở nó lên quỹ đạo trái đất đã nằm trong tình trạng sẵn sàng ở Jiuquan, tỉnh Cam Túc.
Món quà mừng ngày Quốc khánh
Tân Hoa Xã nói rằng thành công của cuộc phóng module sẽ dùng để chào mừng ngày Quốc khánh 1/10. Hãng tin dẫn lời ông Qi Faren, kiến trúc sư trưởng của chương trình Thiên Cung, cho biết module Thiên Cung 1 dùng làm phương tiện thử nghiệm hoạt động kết nối (docking) trên vũ trụ.
Đây sẽ là cuộc phô diễn công nghệ mới nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh cắt giảm ngân sách và thay đổi ưu tiên đã kìm chân chương trình chinh phục vũ trụ của “các đại gia không gian” Mỹ và Nga.
Mô phỏng sự kết nối giữa Thiên Cung 1 và tàu không người lái Thần Châu 8
Theo Tân Hoa Xã, việc phóng Thiên Cung 1 sẽ chỉ là bước khởi đầu. Nhiều tuần theo sau cuộc phóng này, module sẽ đối mặt với thử thách thực sự, khi người ta thử tìm cách kết nối nó với tàu không người lái Thần Châu 8 trên vũ trụ. Việc kết nối có thành công hay không sẽ quyết định việc Trung Quốc có phóng lên hay không các tàu Thần Châu 9 và 10, những module quan trọng khác giúp hình thành trạm vũ trụ tương lai.
Ngoài ra việc kết nối giữa Thiên Cung 1 và Thần Châu 8 sẽ mang tới các kinh nghiệm quý giá về việc gặp gỡ và kết nối giữa các tàu vũ trụ trong không gian
Morris Jones, một nhà phân tích hàng không vũ trụ ở Sydney, Australia, nhận xét - “Nhưng thử nghiệm thực sự của Thiên Cung không nằm ở chuyến bay đầu tiên này mà là khi nó kết nối với một con tàu khác. Không có khả năng gặp gỡ và kết nối các tàu khác nhau trong vũ trụ, thì sẽ không thể có một chương trình không gian tiên tiến”.
Kế hoạch soán ngôi Trạm ISS
Nga, Mỹ và 13 quốc gia đã cùng nhau điều hành Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS), một nỗ lực mà Trung Quốc không tham gia. Nhưng hiện 2 nước lớn này đều đang dẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi, với việc Mỹ đã ngừng hoạt động của tàu con thoi và sẽ không thử nghiệm loại tên lửa mới có khả năng đưa người vào vũ trụ trước năm 2017. Trong khi đó Nga nói rằng các sứ mạng chinh phục không gian có người điều khiển không còn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình không gian của họ.
Một số chuyên gia cho rằng Bắc Kinh còn xa mới bắt kịp các cường quốc không gian kể trên. “Thiên Cung 1, về cơ bản tôi cho nó là một nền tảng thử nghiệm công nghệ” - Joan Johnson-Freese, một chuyên gia về chương trình không gian Trung Quốc ở Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận xét với hãng tin Reuters - “Về mặt kỹ thuật, nó tương đương với những gì nước Mỹ có được trong giai đoạn Gemini (chương trình tàu vũ trụ có người điều khiển của Mỹ trong những năm 1960)”.
Module Thiên Cung 1 và tên lửa Trường Chinh đã sẵn sàng trên bệ phóng
Song số khác lại cho việc phóng Thiên Cung 1 là sự kiện đáng ghi nhớ của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc. Theo Gregory Kulacki, chuyên gia về Trung Quốc ở tổ chức Liên minh Điều các nhà khoa học quan tâm (USC), mới nhìn qua Thiên Cung 1 tưởng như không có gì đặc biệt. Module chỉ có kích thước vỏn vẹn 8 tấn, nhỏ hơn nhiều module Skylab nặng 80 tấn của Mỹ phóng lên quỹ đạo Trái đất hồi năm 1973 hay module chính nặng 22 tấn của trạm vũ trụ Hòa Bình phóng lên trong năm 1986. Để tiện so sánh, trạm ISS có tổng trọng lượng lên tới 450 tấn.
Nhưng trong khi các module như Skylab kết nối được trên không gian nhờ có sự điều khiển trực tiếp của các phi hành gia, module Thiên Cung 1 lại được thiết kế để điều khiển việc kết nối từ xa. Nếu việc kết nối thành công, đó sẽ là thành tích vô cùng ấn tượng.
Kulacki cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã có kế hoạch khai trương trạm vũ trụ riêng nặng 70 tấn của họ trên quỹ đạo Trái đất vào đầu năm 2020. “Thật trùng hợp, đây là thời điểm ISS chuẩn bị về hưu. Nếu cả 2 điều trên cùng xảy ra, trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ là trạm duy nhất của nhân loại” - Kulacki nói.
Các kế hoạch dài hạn
Tháng này, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố kế hoạch triển khai một mẫu tàu vũ trụ và tên lửa đẩy với khả năng khám phá không gian xa xôi như mặt trăng, sao Hỏa và các thiên thạch.
Nhưng Trung Quốc cũng có những kế hoạch tham vọng như thế. Năm ngoái nước này đã phóng tàu không người lái bay vòng quanh Mặt trăng, sau khi lập kỳ tích trở thành nước thứ 3 trên thế giới có phi hành gia đi bộ ngoài vũ trụ hồi năm 2008.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu phóng một tàu đổ bộ không người lái lên mặt trăng và phát triển tàu thăm dò Mặt trăng vào năm 2012. Quốc gia đông dân nhất thế giới còn lên kế hoạch thu mẫu đất đá mặt trăng vào năm 2017 trước khi đưa người lên thăm chị Hằng trong năm 2020.
Tuy nhiên các chương trình không gian tham vọng của Trung Quốc đã vấp phải sự e ngại từ cộng đồng quốc tế, về việc chúng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, nhất là sau sự kiện Trung Quốc dùng tên lửa bắn nổ một vệ tinh hồi tháng 1 năm ngoái. “Chuyện này cũng giống với những thành tích kỹ thuật mà NASA đã đạt được, về sau được áp dụng vào công nghệ quân sự” - Johnson-Freese đánh giá - “Tuy nhiên hiện Thiên Cung sẽ chưa thể cung cấp cho Trung Quốc bất kỳ khả năng quân sự nào cả”.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất