Căng thẳng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư: Một màn vờn nhau?

13/09/2012 09:31 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã bùng lên rất mạnh, sau khi Bắc Kinh gửi tàu tuần tra tới gần một quần đảo đang là mục tiêu tranh giành của hai nước. Hành động của Bắc Kinh nhằm phản ứng Tokyo mới mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo trên, từ người chủ sở hữu tư nhân trước đó. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng xảy ra đụng độ là rất hiếm.

Theo Tân Hoa Xã, Cơ quan Hải giám Trung Quốc đã lên kế hoạch bảo vệ chủ quyền của nước này ở quần đảo có tên gọi Điếu Ngư (người Nhật gọi là Senkaku), bằng cách điều hai tàu hải giám số 46 và 49 tới đây.

Căng thẳng tăng nhiệt

Quần đảo vốn đã là tâm điểm của các màn trả đũa về mặt ngoại giao giữa 2 nước. Cuộc tranh chấp đã tăng nhiệt trong thời gian gần đây, xuất phát từ việc một vị thống đốc theo chủ nghĩa dân tộc ở Tokyo đề xuất việc mua lại các hòn đảo để phát triển nó.

Thống đốc Shintaro Ishihara thậm chí còn mở một chiến dịch kêu gọi quyên góp để mua lại đảo từ một gia tộc và ông đã thu về được khoảng 18 triệu USD. “Ishihara đã đẩy Chính phủ vào một tình thế hết sức khó khăn” - Sheila Smith, một nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế ở Washington đánh giá.

Tuy nhiên, chính quyền trung ương Nhật Bản đã can thiệp kịp thời, khi đứng ra thương thảo mua 3 hòn đảo của một gia tộc Nhật Bản được họ công nhận là chủ sở hữu hợp pháp. Bộ trưởng Phụ trách Nội các Osamu Fujimura cho các phóng viên biết rằng Chính phủ đã bỏ ra 2,05 tỉ yen để mua “và duy trì quần đảo Senkaku một cách hòa bình và ổn định”. Theo Đài Truyền hình NHK, hai bên đã ký thỏa thuận mua bán hôm 11/9 vừa qua.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông

Các nhà phân tích thấy rằng việc Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào ý định của Ishihara là rất đúng đắn, nhằm ngăn chặn không cho căng thẳng với Trung Quốc tăng thêm. Tuy nhiên Bắc Kinh đã có những phản ứng hết sức giận dữ trước hành động của Tokyo.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương rằng việc mua lại đảo tranh chấp là hành động bất hợp pháp. Trong thông báo đưa ra hôm 11/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc mua đảo không “thay đổi sự thật rằng Nhật đã giành quần đảo từ nước này”. Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng thì tuyên bố: “Quyết tâm và ý chí của Chính phủ và quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền là rất vững chắc. Chúng tôi đang giám sát tiến triển của sự việc và sẽ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết”.

Các màn trả đũa lẫn nhau

Nhật Bản đã kiểm soát quần đảo Senkaku từ năm 1895. Mỹ đã giành lấy quyền kiểm soát đảo sau Thế chiến thứ hai trước khi giao lại đảo cho Nhật Bản vào năm 1972. Nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố có chủ quyền với quần đảo và từng kêu gọi thương thảo. Thương vụ mua bán đảo của Nhật Bản, vì thế bị Bắc Kinh xem như một sự xúc phạm nặng nề với họ.

Một số nhà phân tích phương Tây nói rằng việc Trung Quốc tăng cường tiếng nói liên quan tới các đảo tranh chấp và khuấy động tinh thần dân tộc trong nước có thể là một chiêu đánh lạc hướng với hoạt động chuyển giao quyền lực đang diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cách đây 2 tuần, một người đàn ông Trung Quốc đã xé rách lá quốc kỳ Nhật Bản khỏi chiếc xe của Đại sứ Nhật ở Trung Quốc. Hôm 11/9, Nhật Bản tuyên bố đã cử đại sứ mới là Shinichi Nishimiya tới thay thế Niwa, nhân vật bị một số nghị sĩ Nhật xem là quá cảm tình với Trung Quốc.

Cần những cái đầu lạnh

Theo AP, phản ứng trước hành động của Nhật Bản có vẻ như đã bị thổi phồng trên báo chí chính thống Trung Quốc. Một nhà bình luận khi viết cho tờ Quân đội giải phóng nhân dân còn gọi hành động của Nhật Bản là “thách thức hiển nhiên nhất với chủ quyền của Trung Quốc kể từ cuối Thế chiến thứ hai”.

Hôm 12/9, khoảng một chục người biểu tình đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, hô vang khẩu hiệu phản đối Nhật Bản. Người dân cũng xuống phố biểu tình ở hai thành phố lớn tại phía Nam và phía Đông đất nước.

Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản vẫn khẳng định màn căng thẳng mới không gây ảnh hưởng tới quan hệ với Trung Quốc. Phó Thủ tướng Katsuya Okada nói rằng các nhà hoạt động của cả hai bên đã thể hiện cảm xúc quá đà. Theo Smith, Nhật Bản không muốn làm hủy hoại quan hệ với Trung Quốc, bởi đây là bạn làm ăn hàng đầu của nước này. Đó cũng là quan điểm của Kurt Campbell, quan chức ngoại giao Mỹ ở Đông Á. Ông cho rằng “trong môi trường hiện nay, các bên liên quan cần phải có những cái đầu lạnh để tồn tại”. “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoang lái của nền kinh tế toàn cầu và người ta đã đặt cược rất nhiều vào nơi đây. Các vị lãnh đạo nên lưu ý kỹ điều này” - ông nói.

Carlyl Thayer, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Đại học New South Wales ở Australia đánh giá việc đưa tàu tuần tra tới quanh đảo sẽ làm tăng rủi ro.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hiện chưa có biện pháp đối phó đặc biệt nào. Theo Thayer, các tàu Trung Quốc có thể sẽ không đi vào vùng biển cách đảo khoảng 20km, nơi vốn được xem là thuộc chủ quyền và được Nhật Bản quản lý. “Nhật Bản có lực lượng hải quân khá mạnh, lực lượng tuần duyên rất chuyên nghiệp và mạnh. Căng thẳng nếu xảy ra chắc sẽ chỉ giống như ở bãi cạn Scarborough mà thôi” - Thayer nói, có ý liên hệ tới một cuộc đối đầu giữa các tàu Philippines và Trung Quốc hồi đầu năm nay - “Đây sẽ là một màn vờn nhau. Đây sẽ là cuộc chơi, xem ai nháy mắt trước”.

Tường Linh (Theo AP)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm