Trọng tài hay nỗi buồn bóng đá Việt

15/07/2022 06:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

V-League vừa quay lại được 2 vòng đấu thì đã có đến 4 trận đấu trọng tài mắc lỗi đến mức phải nhận án kỷ luật. Có một điều trùng hợp, những sai sót của trọng tài đều liên quan đến bàn thắng và điều này buộc chúng ta phải một lần nữa đặt ra sâu hỏi: Tại sao V-League chưa có VAR? Bao giờ mới có?

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 7

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 7

Lịch thi đấu V-League 2022 vòng 7: Bình Dương vs Đà Nẵng, Hải Phòng vs Viettel, SLNA vs Hà Tĩnh, Thanh Hóa vs Sài Gòn, TPHCMvs HAGL. Lịch thi đấu bóng đá Việt Nam mới nhất.

1. Tình huống được cho là phạm lỗi ở ngoài vùng cấm nhưng vẫn bị thổi phạt đền ở trận Thanh Hóa – Nam Định, rồi trường hợp đưa bóng vào lưới nhưng trọng tài không phất cờ việt vị trong trận Hà Tĩnh - Viettel, kế đến là pha ghi bàn bằng tay của cầu thủ Bình Định khi làm khách trên sân Sài Gòn FC, điểm chung của 3 tình huống nói trên là chỉ cần có VAR thì sẽ chẳng có trọng tài nào bị phạt đến mức treo còi cả.

Đáng nói hơn, các tình huống nói trên đều rất khó xác định bằng mắt thường nếu căn cứ vào diễn biến nhanh trên sân. Nói cách khác, các trọng tài không đáng bị trừng phạt ở những trường hợp như vậy bởi đó hoàn toàn là lỗi quan sát, nhận định chứ không phải là sai sót nghiêm trọng về nghiệp vụ hay tư tưởng.

Nghĩa là chỉ vì không có VAR, mọi thứ trở nên tổn hại khó lường. Trọng tài thổi không chính xác, kết quả trận đấu bị ảnh hưởng thì bị phạt là đúng rồi, nhưng đó chính là lý do để công nghệ VAR ra đời can thiệp vào các trận đấu nhằm giữ được sự công bằng tối đa cho các trận đấu.

Phạt trọng tài vì những lỗi khách quan như vậy, vừa “mất” người mà cũng chẳng làm thay đổi được kết quả, nghĩa là thiệt hại nhân đôi chứ lợi ích thì chẳng thấy đâu. Bởi nói cho cùng, các sai sót kiểu như vậy vẫn sẽ có thể tái diễn đối với chính những trọng tài vừa nhận án phạt. Cá nhân họ không thể thay đổi được nhận định của bản thân mình cho dù đã hiểu rõ lỗi lầm ở trận đấu trước.

Tóm lại, hệ lụy của việc chậm trễ đưa VAR vào V-League càng ngày càng thấy rõ. Trọng tài vẫn sai và bức xúc của đội bóng vẫn còn nguyên.

Điều đó gây nguy hiểm cho chất lượng của giải đấu, nhưng thật khó hiểu là tại sao đến thời điểm này, không những không có lời giải thích thỏa đáng mà các nhà quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam cũng chẳng có động thái nào, một cuộc hội thảo chẳng hạn, để giải quyết bài toán “thiếu VAR”.

Chú thích ảnh
Nếu có VAR trong tình huống này thì hẳn đã không xảy ra tranh cãi với quyết định thổi phạt 11m của trọng tài ở trận Thanh Hóa-Nam Định. Ảnh: Hoàng Linh

2. Trợ lý trọng tài video - VAR - hiểu đơn giản đó là áp dụng công nghệ ghi hình vào trận đấu để giải quyết các vấn đề liên quan đến bàn thắng, thẻ đỏ. Vì mang yếu tố công nghệ nên việc áp dụng VAR cũng không hoàn toàn đồng nhất, mang một tiêu chuẩn duy nhất mà phụ thuộc nhiều vào tài chính của nơi tổ chức.

Ví dụ như nơi có công nghệ cao, thì phòng VAR sẽ xử lý toàn bộ vấn đề bằng cách kẻ ô, đo vạch, xác định tình huống bóng chi tiết đến từng cm để đưa ra quyết định tuyệt đối. Còn với nhiều nơi, chủ yếu sử dụng hình ảnh quay chậm và trọng tài chính sẽ là người xem trực tiếp để đưa ra quyết định cuối cùng đối với những tình huống khó xác định. Nói cách khác, sử dụng VAR như thế nào tùy vào chất lượng công nghệ và tình hình tài chính. Duy chỉ có một điều không thể bàn cãi đó là VAR đã giải quyết phần lớn các tranh cãi trong bóng đá, đáp ứng rất nhiều đòi hỏi về sự công bằng cho trận đấu.

V-League có lẽ là giải đấu duy nhất đến từ một nền bóng đá đang nằm trong tốp 20 châu Á hiện vẫn chưa có VAR. Tại Ấn Độ, nền bóng đá có chất lượng thấp hơn Việt Nam thì đến nay VAR còn áp dụng cho 2 giải nhà nghề và hạng Nhất.

Về mặt công nghệ, thì VAR tại giải Ấn Độ hay Thái Lan không so bì được với các quốc gia châu Âu nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được các tình huống nhạy cảm, tránh cho trọng tài mắc sai sót. Tại các giải đấu này, sử dụng VAR chủ yếu bằng quay chậm ở vài góc khác nhau trên sân giúp trọng tài nhận định tình huống dễ dàng hơn khi trực tiếp xem màn hình.

Nếu chỉ là câu chuyện của công nghệ, thì hoàn toàn có thể áp dụng VAR tại V-League. Hiện nay, toàn bộ các trận đấu ở V-League đều có đơn vị sản xuất riêng, được ghi hình phát sóng trực tiếp mỗi tuần, nghĩa là chúng ta không thiếu thiết bị ghi hình và phòng điều khiển hình ảnh trên sân bóng.

Vấn đề còn lại đó là tăng số lượng máy quay, ở nhiều vị trí khác nhau nhằm không bỏ sót bất kỳ tình huống nào trên sân. Nói như vậy để thấy rằng tại Việt Nam không thiếu thiết bị hay công nghệ ở mức cơ bản, mà chắc chắn nguyên nhân thiếu VAR đến từ yếu tố tài chính.

Chú thích ảnh
VAR đã hiện diện ở Việt Nam nhưng là thiết bị cho mượn của AFC để phục vụ cho Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Hoàng Linh

3. Hơn 2 năm trước, tại mùa giải 2020, Công ty VPF, nhà tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam, cũng đã “rục rịch” bàn chuyện đưa VAR vào V-League. Họ cũng thừa nhận khó khăn về tài chính để triển khai.

Nhưng sau 2 năm, mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi. Nếu nguyên nhân lớn nhất vẫn là là tài chính, thì thật đáng tiếc phải thừa nhận là sẽ còn rất lâu nữa VAR mới có mặt ở Việt Nam.

Vì đơn giản là V-League vẫn chưa tạo được sự đột phá nào về doanh thu. Các báo cáo tài chính của Công ty VPF trong 10 năm điều hành giải đấu này đều không có số dư đủ lớn để có thể thực hiện hoạt động đầu tư tầm cỡ nào cả.

Để áp dụng VAR, cần phải có vài chục tỷ đồng cho trang thiết bị và chi phí phát sinh cho từng trận đấu, trong khi năm có lợi nhuận cao nhất của VPF cũng chỉ dôi dư được vài tỷ đồng, chưa kể đến chuyện tiền thưởng cho chức vô địch hiện nay khá “bèo”.

Nguồn doanh thu lớn nhất của một giải đấu như V-League phải đến từ bản quyền truyền hình. Trong khi đó, người hâm mộ Việt Nam lại đang xem miễn phí V-League nhiều năm qua, đồng nghĩa là các đài truyền hình cũng chẳng kiếm đâu ra tiền để trả cho Công ty VPF cả. Chúng ta phải chấp nhận một sự thật là dù người Việt Nam yêu và xem bóng đá nhiều, hâm mộ đội tuyển, thành tích thi đấu ngày càng tốt, nhưng vẫn chưa hề có cái gọi là “thị trường” ở bóng đá Việt Nam. Mức chi tiêu của người hâm mộ cho bóng đá rất thấp, bỏ tiền mua vé đã khó thì sẽ chẳng thể mua vật phẩm, áo đấu hay đi du lịch kết hợp cổ vũ đội nhà.

Càng không có chuyện người hâm mộ chi tiền để đăng ký xem các trận đấu V-League nếu như các đài truyền hình tổ chức bán riêng thay vì tích hợp vào gói thuê bao chung. Khán giả không chịu chi, thì tiền bản quyền cũng không có nhiều và BTC sẽ chẳng tìm đâu ra nguồn tài chính để lắp VAR.

Đó là sự khốn khổ của bóng đá Việt mà chuyện áp dụng VAR chỉ phản ảnh phần nào. Cái gọi là “thị trường bóng đá” ở Việt Nam phần lớn trên nền tảng miễn phí, thế mới có chuyện là từ sau 2 chuyến du đấu có tính chất quảng cáo của Arsenal và Man City do HAGL và Ngân hàng SHB bỏ tiền ra mời đến nay, chưa có thêm một sự kiện tương tự diễn ra tại Việt Nam.

Trong khi đó, sau 2 năm trì hoãn vì dịch Covid-19, Thái Lan và Singapore đang đón Man United, Liverpool, Arsenal đến thi đấu vào mùa Hè. Trước đó, đội tuyển Thái Lan còn có trận giao hữu với Brazil “xịn xò”.

Nếu không tìm ra cách thay đổi được bản chất của “nền kinh tế V-League” thì dù đội tuyển quốc gia có tiến bộ đến đâu thì bóng đá Việt Nam cũng khó có thể phát triển.

Quang Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm