Trong nỗi nhớ Eto'o: Cần “số 9” đích thực?

28/05/2011 10:53 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Kể từ sau khi Samuel Eto’o rời khỏi Camp Nou, trên hàng công Barca không còn hiện hữu một trung phong bẩm sinh đích thực. Tuy vậy, Pep Guardiola dường như chẳng mấy bận tâm đến điều đó. Thậm chí, một hình mẫu đặc trưng như Ibrahimovic cũng đã bị ông thẳng tay “tống” sang AC Milan...

1. 4-3-3 của Pep không giống với 4-3-3 của Frank Rijkaard, lại càng khác biệt với “Dream Team” của “Thánh Johan” 20 năm xưa.

Eto'o từng chơi rất hay trong màu áo Barca - Ảnh Getty

Cruyff trung thành với hệ thống tấn công của Ajax Amsterdam, với những tiền đạo cánh thực thụ vào sân để khuấy động hai đường biên, giam chân các hậu vệ cánh và kéo căng hàng phòng ngự của đối phương ra từ mọi phía. Trầm tĩnh hơn, Frank Rijkaard thường bố trí mũi khoan ở trung lộ (Eto’o) hoạt động song song với một nhân tố quấy phá di chuyển rộng ra những hành lang (Messi), và từ vị trí tiền đạo lùi, Ronaldinho toàn quyền quyết định mình sẽ làm gì với óc ngẫu hứng và khả năng sáng tạo thiên phú của mình.

Với Guardiola, Barca có một hệ thống tấn công còn phức tạp hơn thế, khi người ta không thể định vị được sự phân nhiệm cụ thể cho từng vị trí. Messi là trung tâm của cơ cấu ấy, nhưng khác với Ronaldinho, anh không “núp” sau lưng bất cứ một đồng đội nào. Bằng những kỹ năng siêu việt của mình, anh đã được Pep đưa từ cánh phải vào thường trực chơi ở vị trí cao nhất nhằm “lung lạc” tất cả các cặp trung vệ. Từ những khoảng trống mà anh tạo ra, Villa và Pedro sẽ tuỳ thời điểm mà chơi như những chuyên gia trên đường biên hay thâm nhập sâu vào trung lộ.

Từ góc nhìn ấy, Barca triển khai công kích một cách đàn hồi trên toàn mặt sân. Nhưng, bên cạnh đó, với nền tảng tiqui-taca, chính Messi cũng phải tham gia vào những màn hoán chuyển vị trí liên tiếp mà Xavi mới là người lĩnh xướng đích thực. Ngoài ra, nhìn Dani Alves thi đấu, người ta buộc phải nghĩ rằng anh chính là một tiền đạo cánh phải thượng thặng theo kiểu cổ điển, với những pha khuấy đảo và những quả tạt mang âm hưởng chết chóc. Nghĩa là, khi dồn lên hãm thành trong thế trận hình bán nguyệt, Barca thật sự đã chơi với sơ đồ 4-2-4.

2. Sự uyển chuyển đó không cần đến, và có lẽ cũng không tương thích với một trung phong cắm cổ điển, mẫu tiền đạo tự bằng lòng với việc lởn vởn chờ đợi cơ hội trong vòng cấm. Nếu hiện diện, nhiều khả năng anh ta sẽ bị cô lập với lối chơi của cả tập thể.

Johan Cruyff có thể chấp nhận “chấp” đối phương một người khi sử dụng Romario, nhưng Guardiola thì không. Ibrahimovic là một tuyên ngôn về kiểu “chiến tranh toàn diện” mà Pep lựa chọn.

3. Cho đến hiện tại, những cung đường bão gió mà đoàn hùng binh Catalunya đã vượt qua khẳng định những ưu điểm của thứ 4-3-3 tiqui-taca được thao diễn dưới tay Pep. Chỉ cần một trong hai người, Messi hay Xavi, chơi đúng phong độ, không có nhiều cơ hội cho bất cứ hàng thủ nào đứng vững. Mùa này, những thất bại của Barca chỉ đếm trên một bàn tay, và những trận các tiền đạo Catalunya câm nín còn hiếm hoi hơn.

Nhưng dù sao, khi thế giới phẳng đi từng ngày, bóng đá ít nhiều cũng phải chịu tác động. Vả chăng, nếu tin rằng có một phương thức chiến thắng nào đó là “nhất thành bất biến”, thì đó thật sự sẽ là một bước lùi của bóng đá.

Trong quá trình hoàn thiện, Barca này đã từng bị chặn đứng bởi Inter Milan mùa trước, và đến mùa này, ít nhất cũng đã từng có những lần hệ thống tấn công ấy tỏ ra bế tắc và ngưng trệ. Ở những lúc như thế, không trung sẽ là một con đường rộng mở với nhiều đội bóng, trừ Barca. Thể hình hạn chế của các tiền đạo không cho phép Guardiola tính đến việc uy hiếp đối phương bằng bóng bổng (trừ những tình huống cố định, với sự tham gia của Pique hay Puyol), và lối chơi quen thuộc của Barca cũng không thích hợp với những con người thật sự biết cách chiếm lĩnh không gian bằng sức tì đè.

Nếu tiếp tục quần nát hàng thủ M.U bằng ma trận bóng ngắn huyền hoặc của mình, sẽ chẳng có gì đáng quan tâm. Bằng ngược lại, phải chăng đã đến lúc Guardiola cần tính đến sự đa dạng trong cách tìm kiếm bàn thắng của hàng công?

Pedro: 21 bàn 4 CL

Messi: 52 bàn 11 CL

Villa: 22 bàn 3 CL

95 Tổng số bàn thắng mà bộ ba Pedro, Villa, Messi đã ghi được ở mùa này, trong đó riêng Messi đã đóng góp 52 bàn (11 ở Champions League). Villa ghi được 22 bàn (3 ở Champions League) còn Pedro ghi được 21 bàn (4)

4 Từ đầu mùa, trên tất cả các mặt trận mới chỉ có 4 trận Barca rời sân mà không ghi nổi 1 bàn thắng: trận thua 0-2 trước Hercules (Liga), hoà 0-0 với Bilbao (Cúp Nhà Vua TBN); thua Real Madrid 0-1 (Cúp Nhà Vua TBN) và hòa 0-0 với Deportivo (Liga).

Đông Phong


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm