23/03/2023 18:46 GMT+7 | Văn hoá
Khoảng năm 2018, một nhóm thợ rà phế liệu đã phát hiện trong tầng cát ven biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mảnh của một mặt trống đồng Đông Sơn cỡ lớn, trên mặt còn nguyên một khối tượng cóc và một phần vành hoa văn chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Điều đáng chú ý nhất ở mảnh trống này lại là một dòng chữ Champa cổ, hiện còn 19 ký tự, khắc chìm rất sắc nét ở rìa ngoài mặt trống.
Mảnh trống đó đã đến một nhà sưu tầm sống tại TP.HCM (anh Mai Sĩ Tất Thắng). Nhận thấy giá trị lịch sử của phát hiện này, anh đã chuyển nó đến Bảo tàng Tiền sử của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á giám định và nghiên cứu.
Dựng lại toàn bộ hình chiếc trống trong phòng thí nghiệm
Sau khi tiếp nhận hiện vật, mảnh trống đã được chuyên gia của Bảo tàng Tiền sử xem xét, đối chiếu, xác nhận là mảnh trống vỡ ra từ một chiếc trống đồng Đông Sơn cỡ lớn có niên đại thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên. Minh văn trên trống được chụp phóng đại và chuyển đến ba chuyên gia chữ Phạn và Champa cổ ở Châu Âu và ở Việt Nam.
Kết quả tra đọc dòng minh văn mang lại một bất ngờ lớn, cho thấy có mối liên hệ giữa chủ nhân trống với quý tộc hoàng gia Champa sớm, thuộc thời kỳ Lâm Ấp thế kỷ 4 sau Công nguyên, cung cấp thêm bằng chứng khảo cổ sinh động về khả năng tham dự của di duệ các thủ lĩnh Âu Lạc, Hai Bà Trưng…trong công cuộc lật đổ ách thống trị Hán tại quận Nhật Nam, lập ra nước Lâm Ấp ở thế kỷ 2 sau Công nguyên, một trong những khởi thủy quan trọng nhất của Champa (Chiêm Thành) sau đó.
Trong phòng thí nghiệm của bảo tàng tiền sử thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, mảnh trống được tẩy rửa và cân đo tỉ mỉ để xác định độ chân thực, cũng như để khai thác các yếu tố kỹ thuật đúc, kỹ thuật chạm khắc minh văn và kỹ thuật trang trí hoa văn trống.
Mặt trống phục nguyên có đường kính 110cm, chu vi 345 cm, phần hiện còn đo được 80 cm. Do kích thước lớn, mặt trống đúc khá dày, từ 5mm (ở phần tang và rìa ngoài mặt trống) đến 8mm (phần giữa mặt trống), khiến trọng lượng trống khi còn toàn vẹn dự đoán lên đến trên 100 kg. Khuôn đúc trống tạo gờ sắc nét theo truyền thống kinh điển của thợ đúc Đông Sơn với kiểu tạo khuôn một lõi 3 mang (một mang mặt, hai mang ốp thân), dùng các con kê đồng khống chế độ dày thành trống.
Hoa văn trống được khắc chìm trong lòng khuôn để tạo nét nổi trên bề mặt trống. Khối tượng cóc được làm bằng khuôn sáp ong, khi đúc gắn vào khuôn mặt trống để lại vết táp và chỉnh sửa hoa văn trên khuôn rất rõ.
Dòng minh văn chữ Champa được khắc chìm vào rìa mặt trống, phần trơn không có hoa văn đúc nổi, sau khi trống đã hoàn thiện. Kỹ thuật chạm khắc minh văn rất điêu luyện và điển hình theo phong cách chạm khắc trên kim loại có nguồn gốc từ nghệ thuật chạm khắc kim loại Ấn Độ (dùng dùi mũi nhọn và búa nhỏ đục nâng chạy tạo đường cong mềm mại như cách thợ đục chạm kim hoàn thời Đông Sơn, Lý Trần và hiện vẫn lưu truyền ở các làng nghề kim hoàn Ân Thi (Hưng Yên), Gia Bình (Bắc Ninh), Kiến Xương (Thái Bình)…
Hiện tại, hoa văn trên mặt trống chỉ cho phép chúng ta phục hồi được ba cụm vành trang trí ngoài cùng. Phần sao nhiều cánh ở giữa trung tâm và các băng trang trí bao quanh đã bị mất. Tiếp đó là vành trang trí người hóa trang chèo thuyền, cầm đầu lâu cách điệu điển hình của phong cách thế kỷ 1 sau Công nguyên. Băng này đã bị mất gần hết, chỉ còn lại một chút vài ba chi tiết đủ nhận biết. Riềm trang trí tam giác, hình chim bay và băng người cách điệu cho phép xác nhận niên đại đúc trống trong khoảng một thế kỷ trước hoặc sau Công nguyên.
Điều đáng chú ý về kỹ thuật tạo hoa văn là hai băng gồm các vòng tròn đơn có chấm ở giữa lại không có đường tiếp tuyến nối nhau. Trên một băng còn vệt nổi mờ đường chạy dài chính giữa như là vệt còn sót của đường cữ cho thợ in các đầu ống tròn tạo hoa văn trên khuôn mặt trống.
Dựa vào những trống còn nguyên vẹn cùng thời, cùng kiểu, nhóm chuyên gia phục dựng của Bảo tàng Tiền sử đã dựng lại toàn bộ hình chiếc trống trên bản vẽ.
"Chiếc trống đồng này có thể thuộc về một thủ lĩnh thời Hai Bà Trưng đã mang theo khi lánh nạn truy sát của đội quân Mã Viện nhà Hán" - TS Nguyễn Việt.
Giải mã dòng minh văn chữ Champa cổ
Chủ đề đáng được thảo luận nhiều nhất về mảnh trống này chính là thông điệp mang lại từ việc giải mã dòng minh văn chữ Champa cổ trên rìa mặt trống.
Chúng tôi đếm được 19 ký tự khắc chìm mang phong cách chữ Phạn Pallawan - một kiểu chữ minh văn Phạn du nhập từ miền Đông Nam Ấn Độ vào Đông Nam Á nửa đầu thiên niên kỷ 1 sau Công nguyên. Bước đầu các chuyên gia minh văn như Hary Falk, Thạch Trung Tuệ Nguyên đã gợi ý để có thể đọc và dịch dòng minh văn này như sau: Śrī dha[r]mma mahā rājedhirāja Śśrī Rudravarma rudrā ye[...] (Nhân lễ trọng, vị Thày cúng Bà La Môn đã dâng hiến chiếc trống này cho vua Rudravarman…)
Chúng tôi đã cùng các chuyên gia Phạn ngữ, Champa cổ tự tra cứu và thảo luận về dòng minh văn này. Đến nay có thể có những kết luận như sau:
1 - Đây là minh văn được khắc vào khoảng thế kỷ 6 sau Công nguyên, thời kỳ trị vì của Rudravarman.
2 - Minh văn mang phong cách Pallawan trên nền Phạn ngữ cổ đã bắt đầu được Champa hóa.
3 - Trống đồng Đông Sơn vẫn được sử dụng như một lễ vật quan trọng trong cả nghi lễ cung đình Champa ít nhất là đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Sự hiện diện của khá nhiều trống Đông Sơn ở trong địa bàn Champa hoặc chịu ảnh hưởng văn hóa Champa (Tây Nguyên) như ở Quy Nhơn, ĐắkLăk… cho thấy sự đan xen giữa nền tảng văn hóa Sa Huỳnh bản địa với truyền thống Đông Sơn Âu Lạc từ Bắc Bộ đến với truyền thống văn hóa Ấn Độ đến từ phía nam và phía tây đến.
Nhiều bí ẩn quan trọng chờ giải đáp
Văn hóa Đông Sơn đã định hình ở các lưu vực sông đổ ra biển ở phía đông bắc Đông Nam Á lục địa, trong đó vùng lõi là lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả (miền Bắc Việt Nam), sông Châu (Quảng Đông, Quảng Tây thuộc Trung Quốc). Những biến động chính trị ở cuối nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên đã tạo một làn sóng di chuyển một bộ phận các quý tộc Tây Âu, Lạc Việt, Âu Lạc, Dạ Lang, Văn Lang, Ai Lao… về phía nam. Di sản vật chất họ mang theo dễ nhận biết là những dụng cụ, vũ khí bằng đồng, đá mang dấu ấn văn hóa địa bàn nơi họ đã từng định cư và xuất phát. Những nơi họ mới đến và định cư đã cùng văn hóa của các sắc dân bản địa tạo nên một diện mạo văn hóa phối trộn dễ nhận biết.
Tại gần khu vực đã phát hiện mảnh trống đồng có khắc minh văn Champa cổ nói trên, khảo cổ học đã từng phát hiện một khu mộ táng lớn tại Gò Quê (Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong đó trên 80% đồ tùy táng bằng đồng là đồ Đông Sơn. Tình trạng này cũng bắt gặp ở An Khê (Bình Định), Phú Chánh (Bình Dương), Tân Xuân (Đắk Lắk), Beatmea, Prohea (Svay Rieng, Cambodia)…
Chiếc trống đồng Đông Sơn có minh văn được khắc vào thế kỷ 6 sau Công nguyên đã tồn tại trước đó nửa thiên niên kỷ, có thể thuộc về một thủ lĩnh thời Hai Bà Trưng đã mang theo khi lánh nạn truy sát của đội quân Mã Viện nhà Hán. Những chiếc trống lớn và trang trí tương tự đã từng bắt gặp ở vùng miền núi Thanh - Nghệ, vùng Quảng Xương Thanh Hóa. Sự kiện khắc minh văn ghi nhận việc dâng trống cho vị vua Lâm Ấp thế kỷ 6 cũng có thể liên quan đến diễn biến chính trị của Giao Châu đương thời. Đó là sự thành lập và tan vỡ của nước Vạn Xuân do dòng họ Lý (Lý Bôn, Lý Phật Tử) và Triệu (Triệu Túc, Triệu Quang Phục) chủ sự. Liệu chăng, trống đồng Đông Sơn vẫn được sử dụng cho đến thế kỷ 6 trong phạm vi nước Vạn Xuân và đã có một giao tiếp lễ nghi nào đó giữa Vạn Xuân và Lâm Ấp thông qua con đường tôn giáo!?
Rất nhiều bí ẩn quan trọng còn để ngỏ đủ để đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của phát hiện trống đồng có khắc minh văn Champa cổ này. Bởi sự hiện diện của tên Rudravarman trong minh văn là rất rõ rệt. Chúng ta còn cần làm rõ liệu Rudravarman trên minh văn là vị vua Lâm Ấp hay vị hoàng đế Phù Nam. Chúng tôi đang nghiêng về giả thuyết thứ nhất, đó là vua Lâm Ấp. Tên vị vua Rudravarman đã từng xuất hiện trên tấm bia cổ nhất ở thánh địa Mỹ Sơn (bia C96 gần tháp E6). Ông xuất thân từ một quý tộc Bà La Môn, đã lấy con gái vua Manorathavarman dòng Gangaraja để lên ngôi kế vị.
Trường hợp "độc nhất vô nhị"
Đây là lần đầu tiên chúng ta bắt gặp minh văn Champa cổ trên trống đồng Đông Sơn. Trước đó chúng tôi đã bắt gặp minh văn chữ Hán cổ ít nhất trên ba trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam và trên hai trống Đông Sơn ở Indonesia. Những minh văn chữ Hán trên trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam chủ yếu nói về chủ nhân sở hữu, tên gọi, trọng lượng, dung lượng trống. Nội dung minh văn chữ Hán như vậy nên thường khắc ở vị trí che khuất (bên trong vành chân đế). Kiểu tạo minh văn trên vành mặt trống như mảnh trống Sa Huỳnh này lại giống với trống Đông Sơn phát hiện ở Indonesia. Tuy nhiên những minh văn trên một mặt trống Indonesia lại được đúc nổi, tức người thợ chế tác trống đã khắc chìm âm bản minh văn đó vào mặt trong của khuôn mặt trống.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất