Tròn vai

18/05/2012 14:01 GMT+7

Thường khi, hễ nghe đến chữ “tròn” người ta sẽ bất giác liên tưởng đến sự hoàn hảo toàn diện, tròn trịa đẹp đẽ...

Hình tròn là biểu tượng quen thuộc và cuốn hút con người nhất, cũng bí ẩn và ám ảnh nhất. Vũ trụ, âm dương, bản mệnh, luân hồi, không kết thúc, không khởi đầu, đó là hình ảnh biểu thị những điều tốt đẹp mà con người hướng tới, chân thiện mỹ.

Nhưng ngày nay, có một từ “tròn” mà mỗi khi nghe nhắc đến trong cơ quan công sở lại thấy rất “gợn”, ấy là hai chữ “tròn vai ” mang hàm ý mỉa mai.

Trước đây, hai chữ “tròn vai” thường dùng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, dành ca ngợi diễn viên và khả năng diễn xuất. Dần dà, “sân khấu cuộc đời” biến nhiều người thành diễn viên “bất đắc dĩ”. Ai ngờ, quá nhiều người “thành công” ở đất diễn này, tới mức kéo “ảnh hưởng” của hai chữ “tròn vai” lan ra ngoài xã hội, thành phổ ngữ hàm chứa nhiều ý nghĩa khác.

Vậy ngoài đời có thể đóng kịch, có thể diễn như trên sân khấu theo kiểu nào?!

Cái tư tưởng “tròn vai” trong thực thi nhiệm vụ, trong công tác, sinh hoạt công sở hàng ngày được hiểu như một qui ước bất thành văn là sự thể hiện (diễn) mọi việc theo cung cách đối phó, làm cho đủ, làm cho xong và chỉ cần để đạt mức hoàn thành đã là tốt . Ví như, công việc có bao nhiêu đầu mục – thực hiện cho đủ; Nhiệm vụ bổ sung (ồ!, không phải việc của mình) – thực hiện cho xong; Nội qui qui định làm việc 8 tiếng – đúng 08 giờ có mặt để điểm danh và đúng 5 giờ đứng dậy ra về… Thế là chẳng ai tìm ra lỗi để bắt bẻ, chê trách.



Ở nước ngoài, một tiêu chí luôn được coi trọng khi tuyển nhân sự, đó là khả năng làm việc theo nhóm - một loại "kháng thể" đối với các biểu hiện "tròn vai"

Tác phong và tư tưởng ấy lâu nay ăn mòn trong tâm trí nhiều công chức, hủy hoại động lực, nhiệt tình để phấn đấu, làm cho người ta không còn nhiệt huyết để hiến dâng, không có khát vọng để vươn lên và hiển nhiên không thể đạt được thành công gì mà còn sinh ra sự cào bằng chủ nghĩa, chây lỳ ý thức.

Nhớ lời Hồ Chủ tịch đã dạy những người cán bộ chúng ta:“ Đối với công việc phải tận tụy”. Lời dạy của Người rất ngắn gọn, nhưng sâu sắc và súc tích.

Những người cán bộ công chức đã, đang và manh nha có suy nghĩ và tư tưởng làm “tròn vai ” phải chăng cần suy ngẫm thật sâu sắc, soi vào tấm gương của Người để có thể hiểu và thực hiện đúng, thực hiện tốt lời dạy ấy.

Để “tận tụy” thì đối với mọi công việc, mọi nhiệm vụ, dù lớn dù nhỏ, dù mức độ quan trọng cao hay thấp, cũng luôn phải xác định thực hiện và hoàn thành một cách chủ động, nhanh chóng với chất lượng, hiệu quả cao, với sự sáng tạo và đổi mới. “Hết việc chứ không hết giờ” là phương châm mà không ít cán bộ tích cực, gương mẫu hiện nay đã xác định tư tưởng và thực hiện nghiêm túc.

Luôn luôn tự răn, nhìn người mà sửa mình, cố gắng từng ngày, từng giờ thay đổi suy nghĩ, tiến bộ không ngừng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác để mỗi người chúng ta sẽ không thấy hổ thẹn khi đứng trước chân dung hay di hài của Người.

Thiết nghĩ, tư tưởng “sáng vác ô đi, tối vác ô về” đã dần xa lạ với một xã hội ngày càng tiến bộ, trong xu hướng hội nhập hiện nay. Ở những nước phát triển, không thể tồn tại kiểu “lãn công tập thể”, cũng không dung dưỡng cung cách “tròn vai”, họ cổ súy thái độ tích cực sáng tạo trong công việc và duy trì động lực vươn lên.

Đó cũng chính là đạo lý mỗi người làm công ăn lương cần phải hiểu và thực thi nếu muốn đất nước phát triển.

Theo Năng Lượng Mới

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm