Tròn 35 năm lý luận lịch sử nghệ thuật được đào tạo bài bản

27/12/2013 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được thành lập vào năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật (thuộc ĐH Mỹ thuật VN) đã trở thành mắt xích hoàn chỉnh chuỗi của thiết chế về đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam.

Mặc dầu các hoạt động liên quan đến lý luận phê bình mỹ thuật đã được duy trì trong mỹ thuật Việt Nam từ rất lâu trước đó. Thời Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, người Pháp đã tham gia vào việc nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, rồi các bài viết của các họa sĩ Việt bình luận về triển lãm được đăng tải trên các báo và tạp chí. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các cuộc tranh luận về nghệ thuật cũng thường xuyên được diễn ra. Tuy nhiên chỉ đến năm 1978, khi GS. Trần Đình Thọ và PGS. Nguyễn Trân quyết định thành lập Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, thì ngành lý luận lịch sử mỹ thuật mới được chính thức đào tạo một cách bài bản.


Hoạt động ngoại khóa của sinh viên Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn Khoa ngừng tuyển sinh bởi lý do thời cuộc, cho đến nay Khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật đã có được 14 khóa. Chương trình đào tạo của khoa cũng liên tục được thay đổi để đáp ứng sự nhu cầu và sự phát triển của công tác lý luận phê bình mỹ thuật.

Khoảng thập kỷ 90, bên cạnh các môn học lý thuyết chuyên ngành, sinh viên được học thêm các môn hội họa, đồ họa, điêu khắc và được thực hành trên mọi chất liệu như lụa, khắc gỗ, sơn dầu, sơn mài... nhằm bổ sung những kiến thức thực tế về nghề. Sang đầu thế kỷ XXI, việc đi thực tập nghiên cứu ở các di tích mỹ thuật cổ được tăng cường. Các bộ môn mới cũng được đưa vào giảng dạy như Curator, Video art, nhiếp ảnh... Trong quá trình học, đã có nhiều cuộc triển lãm được chính các sinh viên của Khoa kết hợp với các giảng viên trẻ tổ chức: “Di sản mỹ thuật Thanh Hóa – Nam định” (năm 2009); triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật” (1/2012), “Thick thì nhick” (7/2012)...

Hơn 3 thập niên, hàng trăm người tốt nghiệp, với những tên tuổi như Phan Cẩm Thượng, Phan Thanh Bình, Trương Công Nguyên, Phạm Trung, Nguyễn Hải Phong, Lê Hoài Linh, các thế hệ trẻ hơn có Nguyễn Đức Bình, Hoàng Anh, Trang Thanh Hiền, Đặng Phong Lan, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thanh Mai... Không ít các sinh viên trong khi đang học và sau khi ra trường không chỉ làm lý luận mà họ còn tham gia các hoạt động nghệ thuật đương đại như: Vũ Đức Toàn, Đỗ Tường Linh, Võ Thị Ngọc Huế, Phùng Tiến Sơn, Vi Tường Vi, Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Hồng Ngọc...

Hiền Thanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm