Trở lại Mười tám thôn vườn trầu

17/11/2008 10:10 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km về phía Tây Bắc, Bà Điểm – Hóc Môn là một địa danh nổi tiếng trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến. Nơi đây là căn cứ cách mạng mà người Nam bộ vẫn nhớ với cái tên “18 thôn vườn trầu” trong cuộc đồng khởi giải phóng miền Nam.

Ngày nay chúng tôi trở lại 18 thôn vườn trầu, nhưng thật buồn vì không còn nhiều những dấu tích xưa. Những vườn trầu xanh mướt nay chỉ còn thấy nhà cao san sát…

“18 thôn… buồn rầu” rồi chú ơi”!

Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn nổi tiếng với những vườn trầu xanh mơn mởn. Đây là nguồn thu nhập, nguồn sống chính của người dân trong một thơi gian khá dài. Ngày trước dân ta ăn trầu cau, nên việc trồng trầu trở thành nghề truyền thống của người dân Bà Điểm. Trầu bán được, thu nhập cao, nên người người ra sức phát triển trồng trầu, từ một thôn, hai thôn… rồi 18 thôn.

Bà Hoa, một người giữ gìn truyền thống 18 thôn vườn trầu


Suốt một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, những giàn trầu ở đây đã che giấu, ngụy trang cho những chiến sĩ cách mạng hoạt động. Hóc Môn cùng với “Thành đồng” Củ Chi đã tạo nên một căn cứ cách mạng vững chắc, quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mỗi khi nhắc đến Hóc Môn, người ta nhớ ngay đến Mười Tám thôn vườn trầu, đến những giàn tràu xanh ngát hoặc vàng ươm. Nhưng bây giờ, đến Hóc Môn, những vườn trầu đang có nguy cơ trở thành “dĩ vãng”. Nghề trồng trầu bây giờ không còn là sự lựa chọn của người dân nơi đây. Những giàn trầu đang dần “biến mất”, thay vào đó là những căn nhà, những vườn hoa lan, vườn chuối… Khi hỏi về 18 thôn vườn trầu, những cụ ông, cụ bà sống lâu năm ở đây đều lắc đầu ngao ngán buồn. Bà N.T.Y (Tây Trung Lân-Bà Điểm) nói “bây giờ tìm vườn trầu khó lắm, người ta đã bỏ gần hết rồi. Nơi đây bây giờ là “18 thôn buồn rầu” rồi chú ơi”.

Trước đây có một số bài báo đưa ra nguyên nhân về sự biến mất của vườn trầu, là do ki-ốt, nhà trọ mọc lên. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Mười, đó không phải là nguyên nhân chính. Phần lớn các ki-ốt, nhà trọ đó đều nằm ngoài vườn trầu. Trong bản đồ, quy hoạch khu dân cư Nguyễn Ảnh Thủ cũng nằm ngoài phạm vi những vườn trầu. Việc vườn trầu dần mai một là do cha mẹ cho đất để con cái xây dựng nhà cửa, sân vườn nên diện tích bị thu hẹp. Một nguyên nhân nữa theo chị Vũ Thị Minh Nguyệt (ấp Tây Trung Lân) là “trồng trầu thu nhập không cao, lại bấp bênh, không ổn định. Thời gian gần đây mưa nhiều, trầu tự nhiên héo và chết dần. bây giờ người ta chuyển sang trồng lan, chuối, chăn nuôi… thu nhập cao hơn nhiều”.

Những vườn trầu còn lại…

Hiện nay, việc duy trì các vườn trầu đều do nhân dân tự làm. Theo người dân thì họ không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía trên (xã, huyện). Ông Nguyễn Văn Mười (Phó chủ tịch UBND xã Bà Điểm) cũng thừa nhận thực trạng trên. Theo ông Mười, nếu có vận động, khuyến khích mà không có kinh phí thì người dân cũng không nghe, vì việc này gắn với miếng cơm manh áo của người dân. Xã Bà Điểm hiện nay, chỉ còn một số vườn trầu nhỏ thuộc ấp Tây Lân và Bắc Lân.

Vườn trầu bị phá bỏ để xây nhà


Trong khi đó, anh Trần Huỳnh Lộc (phụ trách văn hoá thông tin xã Xuân Thới Thượng) cho biết: “hiện nay ở xã chỉ còn số ít vườn trầu thuộc ấp 2, ấp 3. Nhưng sự tồn tại của các vườn trầu này cũng rất mong manh, là dấu hỏi lớn khi mà chủ vườn gắn biển bán đất ngay chính tại vườn trầu”. Thực trạng này là tất yếu trong quá trình đô thị hoá. Nhưng những gì diễn ra tại một “địa chỉ đỏ” đang dần đánh mất đi nét văn hoá truyền thống của mình là hết sức đáng tiếc.

Khu du lịch vườn trầu – bao giờ?

Vào khoảng năm 2001, nhiều công ty du lịch đã có ý định phối hợp với người dân ở đây mở tour tham quan vườn trầu. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau mà dự án này không được thực hiện, và rơi vào quên lãng. Các công ty du lịch cho rằng, cơ sở hạ tầng ở đây (cụ thể là xã Bà Điểm, xã Xuân Thới Thượng) còn kém, không có dịch vụ đi kèm như ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi, cũng như đặc sản đại phương… nên không thể mở tour. Trong khi đó, địa phương lại cho rằng, do chưa được công nhận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nên không thể quy hoạch đều tư vào được. Đây chính là vướng mắc lớn nhất.

Việc bảo tồn nghề truyền thống, vốn là nét văn hoá của 18 thôn vườn trầu đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Mười cho biết, thành phố và huyện Hóc Môn có đưa ra đề án xây dựng khu du lịch vườn trầu tại 2 xã Bà Điểm và Xuân Thới Thượng với diện tích khoảng 30 ha. Tuy nhiên với tốc độ “phá vườn trầu” đang diễn ra mạnh mẽ thì cũng chưa biết kế hoạch trên có kịp triển khai hay lại “chết” ngay trên bàn giấy. Mới cách đây khoảng 2-3 tháng, ở ấp Tây Trung Lân còn có những vườn trầu xanh tốt, nhưng bây giờ chỉ còn lại một vườn trống không hoặc trồng lan.

Vũ Tiến Lực

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm