Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam

13/07/2023 07:40 GMT+7 | Văn hoá

Cuộc tọa đàm giới thiệu ấn phẩm "Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương" do Omega Plus Books và NXB Mỹ thuật ấn hành vừa diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trong tuần qua. 

Cuốn sách song ngữ dày 400 trang khổ lớn với hơn 600 hình ảnh, tranh vẽ do họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ thực hiện, giới thiệu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của người cha thân yêu của ông, mang đến cho người đọc, người xem những xúc cảm mạnh mẽ và sâu sắc. Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tác giả Hàm Anh cùng bạn đọc.

1. Nghệ sỹ Thiền hoạ Trịnh Hữu Ngọc - một trong số ít người tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương những khóa đầu, giải Vàng về hội hoạ ngay khi mới ra trường, giải Bạc về nội thất gỗ ngay trong năm khởi nghiệp đầu tiên, ông tổ của ngành nội thất trường Mỹ thuật Công nghiệp, bạn thân của các ông Hoàng Đạo Thuý, Trần Duy Hưng, Nguyễn Huy Tưởng, Tôn Thất Tùng…. - đã được cứu khỏi án tử hình của nhà tù thực dân Pháp vào phút chót, đã từ chối cơ hội di tản vào Nam, cơ hội mang cả gia đình sang Pháp để ở lại mong xây dựng nền độc lập...

Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam - Ảnh 1.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc

Sau nhiều cống hiến, ông lại cương quyết dứt áo về ở ẩn suốt quãng đời còn lại trong túp lều đơn sơ tự dựng ở hồ Tây chứ không sống đời công chức, cũng không còn muốn tham gia hội đoàn nào. CON NGƯỜI ấy đã để lại một di sản đẹp đẽ, đầy yêu thương và thông thái về tư tưởng hội hoạ và thiết kế nội thất, những bức tranh tuyệt đẹp thấm đẫm chất Thiền, những đồ gỗ dành cho con người, vì con người - hoà hợp với thiên nhiên - trong một không gian tối giản và kết hợp Đông - Tây nhuần nhuyễn - theo một lối riêng và đi trước thời đại hàng thế kỷ!

2. Trịnh Hữu Ngọc đã khởi tạo cả một lối mới về đồ gỗ nội thất, gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng mà trở thành một nhà trí thức - đại tư sản với nhà xưởng, trang trại, mấy chục ngàn mẫu đất, biệt thự, nhà cửa, lừng danh một thời.

Với chủ trương "Thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống, nhà Mémo đã tạo được một phong cách nội thất gỗ đặc biệt, phản ánh những mong đợi thẩm mỹ của giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương, nhưng cái khác là ở nét duyên dáng lạ lẫm và e ấp chân tình của một giao phối giữa hai nền văn minh khác biệt… " (trích Hoạ sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương).

Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam - Ảnh 2.

Sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương”

Đồ gỗ của cụ Ngọc qua cả thế kỷ rồi vẫn bền, vẫn đẹp, giữ được nét truyền thống mà tinh thần rất hiện đại, và đặc biệt là rất thân thiện, ý nhị với từng cần thiết của con người, tạo dựng nên cả một không gian của nếp sống giản dị mà trang nhã, đẹp đẽ mà thuận tiện, thật hiếm có.

Thời kỳ đầu, khi chính quyền Việt Nam mới còn non trẻ, cụ Trịnh Hữu Ngọc đã được mời về làm người chủ chốt khai sinh ra Khoa Trang trí Nội thất của trường Mỹ thuật Công nghiệp. Là người thầy, cụ đã hết lòng trọn nghĩa tròn vai của một bậc đại sư. Người tạo ra cho mỗi trò một bộ hồ sơ để theo dõi bước phát triển và dặn dò chỉ bảo riêng từng người rất thẳng thắn, nghiêm khắc mà tận tâm với việc nuôi dưỡng một người làm nghề và một CON NGƯỜI tử tế.

Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam - Ảnh 3.

Sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương”

Trong số những lá thư thầy trò trao đổi, nhiều đoạn rất cảm động và giật mình, như thế này: "Em cần kiểm điểm lại thái độ của em khi nghĩ đến bà con công nông. Em và họ vẫn còn cách biệt xa trùng lắm. Nếu từ ông cấp cao đi ô tô đến cậu sinh viên như em, ai cũng quên rằng xăng để chạy xe, nhà bốn tầng để ngồi ăn học, đều do bà mẹ nông dân chổng mông, chổng khu hai sương một nắng cung cấp cho cả, thì chẳng mấy chốc mà quan cách mạng vẫn ăn trên ngồi trốc, dân ngu khu đen vẫn đói khổ lầm than"; "Em mới chỉ xem mẫu hàng ngoại quốc. …. Em chưa rõ thực tế cuộc sống hiện nay ở ta có thật sự cần đến, và có khả năng tiêu thụ những hàng sản xuất với nhiều công như thế không? Cho nên không có gì đáng sợ bằng sự hiểu biết mơ hồ"…

"Cụ vẽ như thấu hiểu từng nhát cuốc, từng đường cày"

… "Chưa bao giờ xem tranh mà khóc, mà run rẩy, mà hạnh phúc… Trong tranh nhìn thấy ngoài đồng chỉ còn lại người nông dân cần mẫn, chăm sóc ruộng lúa mới và người họa sỹ ngồi trên bờ cao vẽ trực họa cảnh đó. Cụ vẽ như thấu hiểu từng nhát cuốc, từng đường cày, từng gầu nước tát lên với bao vất vả… Ở đó có tình yêu. Người nông dân yêu ruộng nương, yêu cây lúa. Người họa sỹ yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu người cần lao... Cả hai người đó đều rất hạnh phúc vì họ cho nhau thấy lòng yêu thương bao la, sự thiết tha đời sống của mình". (Trích một đoạn đăng trên facebook của "Minh Phuongh", một người phụ nữ làm ruộng xem sách tranh của cụ Trịnh Hữu Ngọc).

3. Nhưng trước hết và sau cùng, cụ Trịnh Hữu Ngọc là một danh họa, cho dù cụ đã không được nhắc đến ngay trong giới hội hoạ trong suốt nhiều thập niên từ sau 1954, cho dù Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới chỉ có 2 bức tranh nhỏ của cụ, cất trong kho lưu trữ, còn chưa thấy bày ra cho công chúng biết tới... Vào cuối đời, thời kỳ đầu xã hội mở cửa, năm 1988, cụ có một triển lãm cá nhân duy nhất của mình, gây được tiếng vang kinh ngạc và để lại lòng mến mộ trong ký ức người xem đến mãi về sau.

Nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân lúc đó đã có một bài viết nhiệt thành và sâu sắc về hội họa của cụ Trịnh Hữu Ngọc. Bài viết có đoạn: "Hơn hai mươi năm qua, họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, như một người vắng mặt, đã lặng lẽ vẽ một số tranh hoàn chỉnh và nhiều hơn ai hết. Cử chỉ hội họa của ông đàng hoàng, sáng sủa và công phu".

Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam - Ảnh 5.

Bản thiết kế sản phẩm của thương hiệu MÉMO lừng danh đầu thế kỷ 20

Cụ Trịnh Hữu Ngọc đã dần tạo nên cho mình một phong cách "vô vi" - vẽ như là không vẽ với quan niệm chứng ngộ về "thực hiện hòa bình nội tâm bằng mắt nhìn tay vẽ". Cụ điêu luyện trong kỹ thuật và trong trẻo trong cách nhìn vạn vật. Xem tranh của Trịnh Hữu Ngọc thời kỳ đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là "Monet của hội họa Việt Nam" đến thời kỳ Thiền họa cuối đời thấy được cái nhất quán của một con người yêu thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên với màu sắc tươi sáng mà nhuần nhị, lãng mạn và cũng thấy được những dịch chuyển của tâm thức, giác ngộ và sự "tới" của một tài năng đặc biệt.

Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc, như một người con trai của cụ, họa sỹ Trịnh Lữ, nhận xét: "Không vẽ những vọng tưởng về Thiền, mà diễn đạt cách nhìn thế giới của một tâm thức Thiền".

Cái tinh thần của một bậc "chứng ngộ" được truyền vào trong tranh khiến nhiều người yêu tranh của cụ không còn nghĩ đến trường phái, khác biệt, đến tên tuổi, trị giá kim tiền mà chỉ như thể được sống lại cái khoảnh khắc hạnh phúc ấy, khi toàn bộ con người của bậc danh họa tan biến vào mây trời, rặng cây, mái đình, bờ ao, gốc rạ, cánh đồng, đầm sen, rặng núi, mái nhà...

Có một điều gì đó bí ẩn và kỳ diệu đến thế trong Thiền họa của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc!  Một điều gì đó như là tình yêu lớn lao, lòng thương mến muôn kiếp nhân sinh, cỏ cây, vạn vật, lòng chiêm ngưỡng chân thành và biết ơn thiên nhiên, tạo hóa -  tất cả được truyền tải vào đường nét, vào màu sắc, chi tiết và tạo nên một tổng hòa của cái Đẹp Thiện. Có lẽ đây là ý nghĩa đẹp đẽ, nguyên bản của nghệ thuật.

4. Cuốn sách Hoạ sỹ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương đầy ắp tư liệu quý hiếm, những bức tranh được in ấn cẩn thận, chính xác về sắc độ. Một cuốn sách với lời lẽ ngắn gọn, khách quan mà vẽ lên cả một thời kỳ lịch sử với những dấu ấn vàng son dần phai nhạt, với những số phận và cảnh ngộ bi hùng, với những giấc mộng tuyệt đẹp, những ảo tưởng sụp đổ, những ân tình sống mãi, tinh thần bất khuất không cam chịu nô lệ cho bất cứ điều gì bất cứ ai và lòng yêu tự do lồng lộng trong một ông già bé nhỏ mà quyết liệt, hào sảng, quá đỗi tài hoa, quá đỗi khiêm nhường…

Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam - Ảnh 7.

Tranh sơn dầu “Vịnh Hạ Long” sáng tác năm 1953 của Trịnh Hữu Ngọc

Họa sỹ - Thiền sư Trịnh Hữu Ngọc - một kỳ nhân lừng lững của hội hoạ Việt Nam. Qua bao năm tháng, bão dông của hoàn cảnh lịch sử tan đi, mây mù của nhân tình thế thái dần lắng xuống, càng lùi xa càng thấy được núi cao. Một di sản bị chìm khuất, bị thất lạc, một khối ngọc quý được ẩn giấu, được gìn giữ, được ngầm kính mộ và yêu quý, trải bao bĩ cực, vật đổi sao dời vẫn sống mãi cùng nước non và khơi lên ước vọng cao cả về chân - thiện - mỹ của con người, vằng vặc như trăng giữa giời.

Thật đúng như nhà thơ người Áo, Rainer Maria Rilke, đã viết: "Những kẻ chết chìm/ Có cả một đại dương…"

Hà Nội, tháng 7 năm 2023

Vài nét về hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc

- Năm 1933: Đỗ chính thức vào Khoa Hội họa trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được học bổng của trường.

- Năm 1938: Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Không nhận việc do chính quyền phân bổ.

- Năm 1939: Mở Xưởng Mémo làm đồ gỗ nội thất.

- Năm 1939: Huy chương Vàng về hội họa và Huy chương Bạc về đồ gỗ tại Triển lãm Mỹ thuật - Mỹ nghệ trên toàn xứ Đông Dương.

- Năm 1945: Đồ nội thất gỗ của nhà Mémo tại nhà 48 Hàng Ngang, bộ ghế và chiếc bàn tròn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đã trở thành di vật lịch sử của dân tộc. Nhà Mémo hiến gỗ và thợ để thi công lễ đài Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

- Từ 1954 đến 1967: Sống độc lập như một hoạ sỹ-nhà thiết kế nội thất tự do. Đề xuất nhiều ý tưởng chiến lược để phát triển ngành nội thất gỗ gắn liền với lâm nghiệp và cơ khí hoá dây chuyền sản xuất. Xây dựng và là trưởng khoa Trang trí nội thất đầu tiên của trường Mỹ thuật Công nghiệp.

- Từ 1968 – 1997: Sau khi xưởng vẽ bị bom Mỹ phá huỷ, làm một túp nhà sàn trên bán đảo Phủ Tây Hồ, sống lặng lẽ một mình ở đó cho đến cuối đời - đạp xe đi vẽ phong cảnh Hà Nội, đọc, viết, dịch, thực hành Yoga, thăm viếng bạn hữu văn nghệ, chăm dạy cháu chắt trong nhà…

Hàm Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm