Trình diễn tiểu thuyết "Hoang tâm"

11/04/2013 06:44 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Buổi ra mắt (kết hợp trình diễn trích đoạn) tiểu thuyết Hoang tâm của nhà văn Nguyễn Đình Tú đã diễn ra chiều qua (10/4) tại Thư viện Hà Nội. Mấy năm nay liên tục mỗi năm đều có một cuốn tiểu thuyết như Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu diện, Nháp, Phiên bản, Kín mà cuốn nào cũng dày dặn thuộc dạng gây “bão” trong văn giới, nhưng lần này, trước buổi trình diễn, anh vẫn thú nhận một cách hài hước: “Hồi hộp, quá hồi hộp không chịu nổi”.

Sân khấu buổi trình diễn tiểu thuyết Hoang tâm có một chiếc bàn tam giác và ba chiếc ghế đỏ. Nhà thơ Phan Huyền Thư ngồi trên một chiếc ghế, cầm cuốn tiểu thuyết Hoang tâm. Nhà văn Nguyễn Đình Tú ngồi trong cánh gà sân khấu. Nghệ sĩ violin Đoàn Phương Thảo bước ra và bắt đầu kéo đàn réo rắt. Hoa và sách được sắp đặt khá nhiều trong không gian trình diễn, độc giả được bố trí ngồi xung quanh hướng tâm, tạo hứng thú gây hấn, đa thoại và dễ “bắt giò” cả tác giả lẫn mạch đập tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (trái) trong buổi giới thiệu và trình diễn tiểu thuyết “Hoang tâm”

Màn trình diễn những trích đoạn trong tiểu thuyết Hoang tâm mở đầu ấn tượng bằng những lời thoại bất ngờ và thú vị khi Nguyễn Đình Tú xuất hiện đò đưa: “Tôi đang tự hỏi là tôi ở trong mắt cô thì sẽ thế nào?”, chẳng có gì lạ khi Phan Huyền Thư đốp lại: “Già, hom hem, không xấu không đẹp, không giàu nhưng cũng không nghèo. Không phải là mẫu người dành cho gái bán hoa buông chài”.

Nhiều đoạn "nóng" trong tiểu thuyết cũng được tác giả và MC “bắn ra” khá thoải mái nhưng hết sức tinh tế, đầy ám ảnh. Hỏi: “Làm sao để biết là còn mầm dục hay không?”. Đáp: “Khuôn mặt. Nữ tộc trưởng phải luôn là người mặt hoa da phấn, thân thể tỏa mùi thơm, ra khỏi cửa là ong lượn, bướm vờn. Khi khuôn mặt không còn rực rỡ, hồng hào, tươi thắm nữa thì có nghĩa là mầm dục đã chết. Mầm dục đã chết thì phải rời vị trí để bộ tộc chọn một người khác, cùng huyết thống, lên thay thế”.

Càng ngỡ ngàng hơn khi biết đây cũng là lần đầu tiên của nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư dẫn chương trình giới thiệu sách ra mắt sách. “Không dạy bảo được tim”, đó là lý do vì sao lại thích thú làm MC cho cuốn tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, “toàn chữ in sin sít hơn 300 trang sách”, nhà thơ Phan Huyền Thư cho biết.

Nhà văn Triệu Xuân cho biết ông rất khoái màn trình diễn văn xuôi và sẽ chuyển ý tưởng, những kinh nghiệm đó cho các tác giả trong TP.HCM thực hiện trong những cuộc giới thiệu tác phẩm. Ông không thích mảng Nguyễn Đình Tú viết về chiến tranh trong Hoang tâm. Đó chỉ là những ký sự nghe người ta kể mà khéo léo chép lại. Nếu nói cho đẹp lòng nhau hơn, thì đó chỉ là một truyện ngắn kéo dài ra, kéo dài cho đến lúc tác giả chuyên chở hết thông điệp của anh ta muốn gửi người đọc. “Nhưng, tác giả Hoang tâm đâu có hoang tâm, đâu có ngớ ngẩn. Anh muốn nói về con người, tâm trạng, tâm hồn người lính thời hậu chiến. Nguyễn Đình Tú mượn chiến tranh như cái mắc áo để treo vào đó thông điệp của mình gửi bạn đọc… Đó là nhân tính, là tình người, là khát khao sống bản năng, là khát khao truyền giống, là khát khao làm đẹp, hướng thiện” - nhà văn Triệu Xuân nói thêm.

Cuốn tiểu thuyết ban đầu được Nguyễn Đình Tú đặt cái tên Vào sâu và rùng mình rất thị trường và kích thích trí tò mò của độc giả, nhưng sau đó đã được chính tác giả đổi lại tên Hoang tâm, khiến cho nhà văn Đào Bá Đoàn - NXB Hội Nhà văn, đơn vị biên tập cuốn sách khá nuối tiếc.

Trần tình cho việc này, Nguyễn Đình Tú nói rằng khi viết thì anh chưa quan tâm và chú ý lắm tiêu đề, nó chạy theo mạch viết, có quan hệ hữu cơ với nội dung của tác phẩm. Vì vậy, việc thay đổi cũng là bình thường, hãy tìm những cái hay khác của cuốn sách thì tốt hơn.

Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm