Mỹ điều "bà già" U-2 tới bán đảo Triều Tiên

01/03/2012 11:22 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Khi chiếc máy bay U-2 mảnh khảnh tiến tới gần sân bay sau một nhiệm vụ do thám, một chiếc xe phải rú ga, chạy dọc theo đường băng để giúp nó hạ cánh. Tuy cổ lỗ nhưng U-2 vẫn được người Mỹ trọng dụng, ít nhất là tại bán đảo Triều Tiên, nơi khả năng trinh sát và thu thập tin tức tình báo của nó được đánh giá là vượt trội so với các đối thủ hiện đại hơn.

Trong những năm 1950, khi cuộc Chiến tranh Lạnh bắt đầu gia tăng căng thẳng, quân đội có nhu cầu phát triển một loại máy bay trinh sát chiến lược để xác định khả năng và ý đồ của quân đội Liên Xô (cũ).

Chiếc máy bay khó sử dụng

Các máy bay trinh sát khi đó, chủ yếu là máy bay ném bom đã qua hoán cải công năng, rất dễ bị bắn hạ bởi pháo phòng không, tên lửa và máy bay tiêm kích. Người Mỹ tin rằng chỉ khi cho ra đời một chiếc máy bay có khả năng bay cao tới 21.000 mét, họ mới thực sự thoát khỏi những mối nguy hiểm kể trên. Điều này cũng sẽ cho phép các máy bay trinh sát chiến lược này bay qua không phận của Liên Xô và chụp ảnh do thám hiệu quả.

Dưới bí danh "Bald Eagle", Không lực Mỹ đã chuyển giao hợp đồng chế tạo máy bay trinh sát chiến lược cho các công ty Bell Aircraft, Martin Aircraft, và Fairchild Engine & Airplane.

Máy bay U2 rời căn cứ Osan để thực hiện nhiệm vụ do thám bí mật

Giới chức tại công ty Lockheed Aircraft Corporation khi đó có nghe về dự án này và đã yêu cầu kỹ sư hàng không Clarence "Kelly" Johnson vẽ ra một bản thiết kế ấn tượng. Kết quả là mẫu CL-282 ra đời, trong đó ông kết hợp phần thân của chiếc F-104 Starfighter với bộ cánh của các tàu lượn.

Mẫu thiết kế ban đầu bị Không lực Mỹ từ chối chấp nhận. Nhưng nó lại được cái gật đầu từ Cục Tình báo Trung ương (CIA). Sau một cuộc gặp với Tổng thống Eisenhower, Lockheed đã nhận được bản hợp đồng trị giá 22,5 triệu USD để sản xuất 20 chiếc máy bay đầu tiên. Chúng được đổi tên là U-2, với chữ U ám chỉ tới từ "tiện ích".

Ngay từ khi ra đời, thiết kế đặc biệt đã giúp U-2 có khả năng bay rất cao cũng là yếu điểm khiến nó vô cùng khó bay. Bởi hoạt động ở độ cao lớn, phi công phải mặc quần áo và mũ giống như phi hành gia vũ trụ. Bộ quần áo này cung cấp dưỡng khí và sự bảo vệ khẩn cấp trong trường hợp khoang lái bị giảm áp. Để ngăn chặn tình trạng bị bệnh do giảm áp, phi công sẽ mặc đồ bay và thở khí oxy 100% khoảng một giờ trước khi lên máy bay, nhằm đẩy bớt lượng nitơ ra khỏi cơ thể.

Để máy bay nhẹ hơn và bay cao hơn, 2 bộ bánh gắn trên cánh máy bay sẽ tự rơi ra khi nó cất cánh. Điều đó có nghĩa khi máy bay trở lại mặt đất, nó chỉ còn 2 bộ cánh dọc theo thân để đáp xuống.

Tại các căn cứ không quân như Osan, nơi Mỹ cắm chốt một phi đội U-2, các phi công đi trên những chiếc Pontiac G8 sẽ chạy với tốc độ hơn 200km/h trên đường băng để hướng dẫn cho các phi công trên máy bay U-2 hạ cánh. Họ ước lượng khoảng cách từ máy bay tới mặt đất rồi nói qua sóng điện đàm với phi công: "5-4-3-3" cho tới khi chiếc máy bay chỉ còn cách đất chừng 1 mét và hạ cánh an toàn.

Tinh xảo trong lớp vỏ già cỗi

Tuy khó sử dụng như vậy, nhưng U-2 lại là chiếc máy bay trinh sát vô cùng tinh xảo. Trong hơn 35 năm, U-2 đã trở thành phương tiện hữu hiệu giúp Washington nhìn thấu mọi hoạt động quân sự bên trong Triều Tiên. Không giống vệ tinh, chúng có thể đảo hướng ngay lập tức để hoạt động ở vùng trời trên mục tiêu.

Trong bối cảnh thế giới khát tin tức theo sau việc Triều Tiên bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, hoạt động của U-2 càng trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Tháng này, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã trở nên căng thẳng, khi Bình Nhưỡng tức giận trước các vụ diễn tập quân sự của Hàn Quốc và Mỹ và đe dọa sẽ mở "cuộc chiến tranh không khoan nhượng". Những tuyên bố mạnh mẽ kiểu này không đề cập tới các máy bay U-2, nhưng Triều Tiên vẫn thường đánh giá các nhiệm vụ do thám của Mỹ là gây hấn.

Nhưng ngoài việc phàn nàn ra, Triều Tiên khó có thể ngăn chặn hoạt động của U-2. Ba chiếc máy bay cánh rất dài này đã được triển khai tới Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc, chỉ cách biên giới có 80km. Không lực Mỹ từ chối bình luận những chiếc máy bay đã đi đâu, nhưng trong các cuộc phỏng vấn hiếm hoi với AP, chỉ huy phi đội đã không tiếc lời ca ngợi vai trò của U-2.  "Chúng tôi là sợi dây liên lạc, là tai mắt của Hàn Quốc" - nhân vật tự xưng thiếu tá Deric nói - "Chúng tôi bay ở độ cao cực lớn và khả năng thu thập tình báo tốt khiến chúng tôi bị săn lùng rất gắt gao".

Từng do CIA điều khiển, những chiếc U-2 trở thành biểu tượng trong Chiến tranh Lạnh, theo sau việc Liên Xô bắn hạ một chiếc máy U-2 do phi công Francis Gary Powers điều khiển hồi năm 1960. Kể từ đó, chương trình đã chuyển lại cho Không lực Mỹ, nhưng nó vẫn nằm trong bí mật tuyệt đối. Ngay cả tên tuổi đầy đủ của các phi công là bí mật quân sự.

Phi công điều khiển U2 thở khí oxy trước khi lên máy bay

U-2 hoạt động ở độ cao 21.300 mét, gấp đôi chiều cao của một chiếc máy bay phản lực thông thường. Điều này khiến cho việc ngăn chặn hoặc theo dấu nó là gần như không thể. Độ cao lớn cũng giúp máy bay có thể nhìn trộm xuống một khu vực mục tiêu rộng hơn các máy bay thông thường.

Năm 1994, Không lực Mỹ đã bơm 1,7 tỷ USD để tân trang các máy bay U-2, biến chúng thành mẫu máy bay gần như mới tinh về mọi thứ, ngoại trừ cái tên. Các cảm biến của máy bay giờ đã có thể hoạt động trong cả ngày và đêm. Dữ liệu nó thu được có thể truyền qua vệ tinh theo thời gian thực tới binh sĩ trên mặt đất.

"Phần lớn các máy bay này vẫn còn khá trẻ" - một chỉ huy phi đội U-2 nói - "Những chiếc chúng tôi đang bay có từ những năm 1980. Chúng đã được thay động cơ, chạy lại dây, lắp khoang lái mới và bổ sung các thiết bị điện tử mới. Các cảm biến thì liên tục được cập nhật. Chiếc máy bay này chứa các công nghệ hàng đầu, hiển nhiên rồi".

Sẽ hoạt động cho tới năm 2025

Tháng trước, trong khuôn khổ kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách của Không lực Mỹ, giới chức quân đội nước này kết luận rằng những chiếc U-2 mang tới các giá trị tốt hơn chiếc UAV Global Hawk, vốn đã được lên kế hoạch thay thế chúng vào năm 2015.

Cả hai loại máy bay đều hoạt động ở độ cao lớn để bay trinh sát tại Afghanistan và những nơi khác, chụp ảnh do thám và nghe lén. Nhưng các cảm biến của U-2 cho phép mang lại những hình ảnh chất lượng cao hơn nhiều trang thiết bị của Global Hawk. Tướng không quân Larry Spencer nói rằng để Global Hawk có được các tính năng tương đương với U-2, người ta sẽ phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ và đó là điều quân đội không cho phép.

Trong đề nghị ngân sách cho năm tài khóa 2013, Lầu Năm Góc nói rằng họ sẽ hủy bỏ việc mua 18 chiếc Global Hawk "Block 30" và đề xuất việc mở rộng hoạt động của U-2 cho tới năm tài khóa 2025.

Chuyên gia phân tích hàng không Loren Thompson ở Viện Nghiên cứu Lexington nói rằng việc giữ lại U-2 cho thấy Không lực Mỹ đã quan ngại hơn với Triều Tiên, và coi việc giám sát các khu vực khác là ưu tiên thấp hơn.

Tường Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm