Hé lộ sự thật về nữ điệp viên gây ra chiến tranh Triều Tiên

18/08/2008 09:25 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Kim Soo Im là trung tâm của một trong những vụ án gián điệp nghiêm trọng nhất giữa thế kỷ 20. Bà bị cáo buộc lấy trộm thông tin mật về việc chuyển quân Mỹ từ tay người tình, một đại tá người Mỹ, và chuyển nó tới lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng, góp phần gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bà bị xử tử vào tháng 6/1950, nhưng một cuộc điều tra sau đó của quân đội Mỹ, giờ mới được giải mật, cho thấy chẳng có chứng cứ gì để buộc tội Kim là gián điệp.
 
Sự thật nào cho một nữ điệp viên đã chết? (Ảnh minh họa)

Người gây ra chiến tranh Triều Tiên?

Kim Soo Im sinh năm 1911 và mồ côi cha mẹ từ khi mới lọt lòng. Bà được các nhà truyền giáo người Mỹ nuôi dạy cho tới khi trưởng thành. Năm 1941, Kim yêu Lee Gang Kook, một trí thức đang bí mật hoạt động trong một phong trào cánh tả ở Seoul. Ông Lee khi đó đang giữ một ghế tại Uỷ ban nhân dân Trung ương, tổ chức liên minh của các nhân vật cánh tả và những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Triều Tiên. Tổ chức này hy vọng sẽ giành chính quyền trong trường hợp quân xâm lược Nhật Bản bị đánh bại.

Tuy nhiên, sau năm 1945, Mỹ đã dựng nên một chính quyền toàn những nhân vật cánh hữu. Chỉ huy quân đội Mỹ ở Triều Tiên, tướng John R. Hodge tuyên bố sẽ triệt hạ những người theo cánh tả. Hodge đánh hơi thấy hoạt động của Uỷ ban nhân dân Trung ương và dưới sức ép trấn áp của Hodge, Lee buộc phải trốn sang CHDCND Triều Tiên lánh nạn.
 
Bức ảnh hiếm hoi chụp Kim Soo-im khi bà còn sống

Kim bị kẹt lại Hàn Quốc nhưng khả năng tiếng Anh thuần thục của bà đã khiến người Mỹ để ý. Bà được thuê làm trợ lý cho Baird, một đại tá 56 tuổi người Mỹ đã có vợ. Baird tìm nhà ở cho Kim và thường qua đây thăm cô rồi ngủ qua đêm. Mối quan hệ vụng trộm của họ đã khiến Kim sinh ra một bé trai.

Cuộc sống của Kim bắt đầu thay đổi vào năm 1949, khi Mỹ chấm dứt việc chiếm đóng miền nam bán đảo Triều Tiên. Bà vợ người Mỹ của Baird dọn tới Hàn Quốc sống khiến ông không thể qua lại với Kim. Trong khi đó tại CHDCND Triều Tiên, người yêu cũ của của Kim, ông Lee đã được thăng lên các vị trí quan trọng và bắt đầu đưa ra những tuyên bố chống chính quyền miền nam.

Tháng 3/1950, Kim bất ngờ bị cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ cùng hàng ngàn người khác trong làn sóng truy quét các nhân vật có quan hệ với cánh tả của Tổng thống Syngman Rhee. "Cảnh sát Hàn Quốc căm ghét Kim vì bà từng là người tình của Lee Gang Kook. Họ đã chờ cơ hội thích hợp để chộp lấy bà" - nhà sử học Jung Byung Joon đánh giá.

Tháng 6/1950, chỉ 9 ngày sau khi Baird rời khỏi Hàn Quốc, Kim bị đưa ra xét xử trước một tòa án quân sự. Bà bị buộc hàng loạt tội nghiêm trọng như chiếm đoạt xe từ Baird để bán cho những người bạn cánh tả, giữ súng ở nhà, giúp Lee tới biên giới bằng xe quân đội Mỹ và quan trọng nhất là tuồn kế hoạch rút quân vào năm 1949 của Mỹ cho phía CHDCND Triều Tiên. Đây là được coi là cơ sở để Bình Nhưỡng phát động chiến tranh chống Hàn Quốc.

Trong ngày xét xử thứ 3, Kim Soo Im nhận tội. Bà nói rằng đã hỏi Baird về bản kế hoạch nói trên và chia sẻ thông tin với bạn bè. Tòa án lập tức tuyên bà án tử hình và việc thi hành án diễn ra nhanh chóng sau đó.

Tìm ra sự thật sau hơn nửa thế kỷ

Án tử hình không những tước đi mạng sống mà còn lấy cả danh dự của Kim. Bà bị coi là một mụ phù thuỷ, một kẻ độc ác táng tận lương tâm. Liên tiếp trong những năm 1950, báo chí Mỹ có hàng loạt bài viết bêu xấu Kim. "Mụ đàn bà quyến rũ gốc Triều, kẻ phản bội nước Mỹ" là danh hiệu mà tạp chí Mỹ Coronet dành cho bà. Một vở kịch trên truyền hình Mỹ gọi bà là Mata Hari châu Á. Bà còn bị Drew Pearson, một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Mỹ khi đó cáo buộc là thủ phạm gây nên cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mới đây, một tập tập tài liệu nói về trường hợp của Kim mới được quân đội Mỹ giải mật. Qua đó người biết rằng sau khi Kim bị xử tử vài tuần, một cuộc điều tra của phía Mỹ đã được tổ chức. Các điều tra viên Mỹ khi thẩm vấn vai trò của Blair trong vụ Kim đã rất ngạc nhiên vì ông ta chối bỏ việc cho Kim mượn xe jeep giúp Lee tẩu thoát. Baird cũng bác bỏ việc cung cấp cho Kim thiết bị truyền tin qua radio và nhiều thiết bị khác để phục vụ hoạt động gián điệp.

Một trong những nhân chứng quan trọng nhất, tướng Hodge cũng khẳng định Baird chưa đủ thẩm quyền để tiếp cận với các thông tin mật như thế hoạch điều quân năm 1949. Đại tá William H.S. Wright, lãnh đạo nhóm cố vấn Mỹ ở Hàn Quốc khi đó cũng khai rằng có thể Kim đã bị tra tấn khi cô nhận mình là gián điệp. "Việc tra tấn bằng nước là phương pháp rất phổ biến. Sốc điện và tra tấn bằng kìm cũng là những biện pháp được sử dụng thường xuyên" - Wright viết.

Dựa vào những điều tra này, quân đội Mỹ tuyên bố không đủ bằng chứng để kết luận Kim là gián điệp. Lẽ ra Kim có thể đã được cứu sống nếu Baird cùng một số người khác lên tiếng bảo vệ cô. Nhưng do muốn giữ thể diện và cứu vãn cuộc hôn nhân ở Mỹ, Baird đã bỏ mặc người tình, vội vã chạy về nước.

Nỗ lực tìm kiếm sự thật của cậu con trai

Sau khi Kim bị tử hình, đứa con trai của bà được nhà thờ đưa về nuôi nấng và được đặt tên là Wonil Kim. Năm 1970, Wonil cùng gia đình tới Mỹ sống. Gia đình và bạn bè cũ của mẹ đẻ dần dần kể cho ông nghe về bà và về cha đẻ. Cái chết oan ức của Kim đã khiến Wonil quyết tìm những nhân vật có liên quan để lần ra sự thật.

Trong suốt những năm 1970, Wonil theo dấu Baird và chỉ tìm được ông này ở một viện dưỡng lão tại Rhode Island hồi năm 1980. Khi hai bên gặp nhau, Baird bác bỏ việc Wonil là con đẻ. Với Wonil, việc đó cũng không quan trọng vì ông luôn coi Baird là kẻ hèn nhát, đã không dám cứu mẹ mình.

Lục lọi tài liệu giải mật của tình báo Mỹ, Wonil tìm thấy thông tin về Lee Gang Kook. Thông tin ghi lại hồi năm 1956 cho biết Lee đã được CIA tuyển dụng dưới chương trình mang tên "JACK". Mặc dù xâm nhập được vào hàng ngũ CHDCND Triều Tiên và leo cao nhưng sau đó Lee bị Bình Nhưỡng phát hiện và xử tử.

Dù đã khép lại, vụ án này vẫn còn đọng lại một bí ẩn. Theo đó các điều tra viên quân đội đã đề nghị đưa Baird ra tòa án binh vì tội đã ăn nằm với một người tình Triều Tiên, làm phương hại uy tín quân đội. Tuy nhiên sau vài tháng vụ việc này đã bị đóng lại. Cho tới nay ai ra lệnh giữ bí mật vụ án gián điệp này suốt hơn nửa thế kỷ và ai đã can thiệp vào việc xét xử Baird vẫn chưa có lời giải đáp.
 
Gia Bảo
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm