15/03/2014 13:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Gần cuối đời, JMW Turner (1775-1851), một trong những họa sĩ phong cảnh thuộc trường phái lãng mạn xuất chúng nhất của Anh, đã bị công kích thậm tệ do vẽ một loạt họa phẩm gây tranh cãi. Nhiều nhà phê bình thời đó cho rằng, tranh của Turner là sản phẩm của “chứng loạn trí” và “sự yếu kém của tuổi già”.
Giờ đây, sau hơn 150 năm, bảo tàng Tate Britain hy vọng sẽ đảo ngược được những suy nghĩ ngày càng sai lệch về ông và đánh giá lại các bức tranh được ông sáng tác trong thời kỳ cuối đời, thông qua triển lãm Late Turner - Painting Set Free, dự kiến tổ chức vào mùa Thu tới.
Đây được xem là cuộc khảo sát lớn đầu tiên về các bức tranh mà Turner tung ra trong vòng 15 năm, từ năm 1835 cho đến khi ông qua đời vào năm 1851.
Thời kỳ đáng ngưỡng mộ
Triển lãm Late Turner - Painting Set Free cho thấy, những năm cuối đời lại là thời kỳ sáng tạo đầy mãnh liệt của Turner, được bắt đầu với một trong những chuyến chu du đi khắp châu Âu của ông.
Tranh vẽ chân dung danh họa Turner
“Đây thực sự là một dịp quan trọng đối với chúng tôi. Từ trước tới nay, cuộc đời và sự nghiệp của Turner chưa hề được khảo sát một cách sâu sắc” - ông Penelope Curtis, Giám đốc Tate Britain, cho biết.
Triển lãm quy tụ 150 bức tranh được thu thập khắp nước Anh và hải ngoại, gồm nhiều bức đã được ca ngợi như Ancient Rome; Agrippina Landing With The Ashes Of Germanicus (1839), The Wreck Buoy (1849) và Heidelberg: Sunset (1840). Qua những tác phẩm này, triển lãm hy vọng sẽ tạo nên những cách nhìn mới về các giai đoạn cuối đời của họa sĩ, cho thấy những kỹ thuật vẽ cấp tiến của ông, thách thức quan điểm cho rằng ông đã già.
Năm 1835, Turner tròn 60 tuổi, cái tuổi được cho là bắt đầu lão hóa, song ông không hề bi quan về tuổi già của mình, mà vẫn chú tâm quan sát thiên nhiên. Ông khảo sát sự phát triển xã hội, kỹ thuật và khoa học của cuộc sống hiện đại với một nguồn sinh lực mới và thể hiện trong các họa phẩm như: Rain, Steam, and Speed - The Great Western Railway (1844).
Ông còn vẽ tranh mang các chủ đề tôn giáo, lịch sử và kết nối bản thân với các truyền thống văn hóa trong kỷ nguyên của mình. Curator Sam Smiles, giáo sư lịch sử nghệ thuật và văn hóa thị giác thuộc trường Đại học Exeter, đánh giá các bức tranh cho thấy Turner vẫn “tiếp tục sáng tạo không ngừng dù đã ở những năm cuối đời”.
Cam chịu mọi chỉ trích
Tuy nhiên, những người cùng thời Turner lại có cách nhìn nhận khác hẳn. “Turner phải đối diện với một hàng rào chỉ trích, với nhiều lời buộc tội cho rằng tranh mới của ông là sản phẩm của chứng mất trí, sự yếu kém của tuổi già. Sự lăng mạ đó đã hằn sâu trong ông” - giáo sư Smiles nói.
Thậm chí năm 1846, sử gia nghệ thuật John Ruskin, một người rất say mê họa phẩm của Turner, cũng mô tả các bức tranh trong giai đoạn này là “biểu hiện của căn bệnh thần kinh”.
Dù trong thời đại của mình, Turner từng gây tranh cãi như thế, nhưng tới nay ông vẫn được coi là họa sĩ đầu tiên đưa nghệ thuật tranh phong cảnh lên một tầm cao mới.
Turner cũng là một họa sĩ “mắn đẻ”. Trong suốt sự nghiệp ông đã cho ra đời khoảng 550 bức tranh sơn dầu, 2.000 bức tranh màu nước và nhiều họa phẩm vẽ trên giấy. Trước khi qua đời, ông tặng lại di sản của mình cho nước Anh, với phần lớn trong số đó được treo tại Tate Britain.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất