(TT&VH) - Ngày 13/9/2008 này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm gốm với chủ đề Dòng thời gian của Nguyễn Khắc Quân sẽ khai mạc. Anh là một nhà làm gốm nghệ thuật chuyên nghiệp từ truyền thống gốm Bát Tràng phát triển một phong cách gốm điêu khắc hiện đại.
Gốm là nghệ thuật có truyền thống xa xưa nhất ở Việt Nam và trong đời sống nghệ thuật hôm nay không ít người làm nên nghiệp từ gốm. Lớn tuổi có Nguyễn Trọng Đoan, Nguyễn Bảo Toàn và không kể những người đi trước nữa, trẻ tuổi có Vũ Hữu Nhung. Có người vượt thoát được nghề gốm không chỉ đơn thuần là bình lọ để sử dụng, mà tiến gần hơn đến điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, hoặc giả tạo ra một thứ trung gian trong đó gốm chỉ là một phương tiện mà thôi. Có người đã gần với tạo hình lại quay trở lại với đồ vật và thương mại.Từ đất xoay nặn nên bình lọ, pho tượng, hoặc biến đổi các dáng vẻ có sẵn sang một thứ hình thể tạo hình, để mộc hoặc phủ men, qua lửa, gốm có cái tất yếu của bàn tay nhào nặn, có cái ngẫu nhiên của quá trình nung nấu, từ đó mà có vẻ đẹp không lường trước. Tóm lại là con đường này tổ tiên đi đã quá mòn chân, nhưng lại cánh cửa để khai thác cho nghệ thuật hiện thời lại vô cùng rộng mở.
Chân dung. Điêu khắc gốm Nguyễn Khắc Quân
Nguyễn Khắc Quân (sinh 1962), đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội 1994, theo đuổi gốm trên con đường riêng. Sinh tại Giang Cao, nơi có truyền thống gốm Bát Tràng, Quân có sẵn những cơ sở kỹ thuật từ gia đình, và cho đến nay về chất liệu đất, cách tạo hình, kỹ thuật nung anh đều phát triển từ truyền thống Bát Tràng cả, riêng men, anh học từ những lò gốm sành dân gian khác, chế tạo men từ tro bếp và vài ô xuýt kim loại. Bắt đầu từ những dáng thô to, men vàng nước dưa, khối tròn như hoa quả, Nguyễn Khắc Quân nhanh chóng đưa gốm của mình thành những tác phẩm mang tính điêu khắc. Cuộc triển lãm lần này là kết quả của chừng năm năm sáng tác vừa qua, trong đó những cảm quan về con người và thân phận bao trùm lên các sáng tác. Một sắp đặt lớn gồm một nghìn mặt nạ và khuôn mặt người bầy chi chít như một dòng sông hỗn tạp, và những cột mặt người nổi cao trong dòng sông ấy. Bên cạnh là những tác phẩm độc lập, cũng chủ yếu là những nặn nổi và chạm khắc mặt người dầy đặc. Sự bất trắc khôn lường của lòng người, sự khó nhận diện cái tốt cái xấu đang va chạm hàng ngày là những suy tư ám ảnh bàn tay điêu khắc. Quân muốn tìm đến cái ám ảnh vô hình, cái kỳ dị và cái sáng sủa, đôi khi cả ba phẩm chất đó đan xen lẫn nhau trong mọi hình khối, một thứ hình khối có khả năng hòa cái kỹ năng, cái tinh tế và cái thô phác vào cùng một chỗ.
Sắp đặt gốm trong triển lãm của Nguyễn Khắc Quân. Anh sử dụng 1000 mặt nạ gốm bày trên mặt sàn để tạo nên tác phẩm này. |
Cách đây một tháng, tôi xem một chương trình giới thiệu nhà làm gốm nổi tiếng thế giới Trung Quốc Hình Lương Khôn, mà cuộc đời của ông thực sự là một câu chuyện nghệ thuật. Nghèo đói cùng cả gia đình trong cách mạng Văn hóa, ông kinh doanh khách sạn, rồi trở thành người giầu nhất Trung Quốc, bỏ hết tài sản ra sưu tập gốm trong 10 năm, rồi tặng hết cho bảo tàng quê hương, để tay trắng lại làm lại từ đầu, khi cả hai bà vợ đều rời bỏ ông. Tiếp đó 5 năm nghiên cứu về gốm, với phát biểu nổi tiếng: Sưu tầm cái đẹp chẳng bằng tự mình làm ra cái đẹp. Và 10 năm sáng tạo gốm, đến mức phải đút cả áo lông vào lò nung, người vợ thứ ba cũng đi nốt, khuôn mặt thì gồ ghề do tiếp xúc quá nhiều với lửa. Nhưng ông đã thành công mỹ mãn, đến mức bảo tàng Cố cung phải phá lệ không sưu tập gốm sứ từ cách mạng Tân hợi đến nay, phải mua gốm của Hình. Gốm Hình tựu trung được mọi kỹ thuật hoàn hảo từ truyền thống đến hiện đại, và mang một tình thần mới mẻ của xã hội Trung Quốc mới.
Cách quan niệm về nghệ thuật Gốm của người Trung Hoa rất khác chúng ta, nên không có ý định so sánh, mà chỉ muốn nói về lòng say mê sáng tạo của những người dùng gốm làm nghệ thuật. Đó là môn chơi tốn kém vô cùng, vứt đi hàng đống sản phẩm, theo đuổi cả cuộc đời để đổi lấy vài hình thù mỹ mãn. Điều này đã từng thấy ở Nguyễn Trọng Đoan, Bảo Toàn và sự say mê âm thầm nhưng không kém cuồng nhiệt ở Nguyễn Khắc Quân. Nhưng tôi vẫn yêu thích những hình thù đi đến căn cốt của sự vật hơn là quá nhiều các chi tiết, tôi muốn nói rằng hoặc phức tạp đến tận cùng, hoặc đơn giản cũng đến tận cùng, như thế để mỗi bức gốm là một quả quyết về một cảm giác sống trong cái trần ai này. Cái mà có cảm giác đã thấy ở Nguyễn Khắc Quân trên con đường rất rộng mở, mà anh gọi là Dòng thời gian.
Phan Cẩm Thượng
2008