Triển lãm "Face to face": Tự nhìn mình bằng con mắt bên trong

29/04/2012 10:45 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Đúng như tên gọi: Face to Face (Mặt đối mặt), triển lãm chỉ trưng bày tranh chân dung tự họa của 80 họa sĩ đến từ HN, Huế và TP. HCM dù mang đủ các cung bậc cảm xúc, màu sắc, trường phái… Triển lãm đang diễn ra tại Gallery Mai (12 Quán Sứ - Hà Nội).

“Không ngờ triển lãm này lại quy tụ nhiều đến thế các gương mặt, với tác phẩm chất lượng tốt đến thế”. Họa sĩ Lê Thiết Cương hồ hởi sau khi đi một vòng ngắm các bức tranh.

80 bức tranh không tên

Xem 80 bức tranh không tên, mà bức nào cũng muốn níu chân người, không phải là điều đơn giản. Ngay từ cửa vào là bức chân dung tự họa (90x160cm, Sơn dầu) của họa sĩ Trần Văn Ninh, vẽ người đàn ông hút thuốc, với tông nền đen trắng điểm xuyết màu, khuôn mặt đăm chiêu buồn bã cũng mười ngón tay dài u uẩn. Kế tiếp theo là tác phẩm của họa sĩ Mai Đại Lưu (50x150cm, Sơn dầu) với một khuôn mặt xanh lét nhuộm màu lá, lạnh ngắt tuồng như đang trôi dần vào cái chết. Bức tranh tự họa của họa sĩ Hoàng Duy Vàng (50x40cm, sơn dầu) với nhiều màu sắc vui tươi, như chính tâm tính trong sáng hồn hậu bên trong anh vậy, lại vẽ lớp sơn dầu thật dày, nổi hẳn lên trên bề mặt bức tranh, tạo không gian ba chiều. 

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến

Họa sĩ Lê Thị Minh Tâm, vẫn trung thành với thể loại tranh trừu tượng, vẽ nên niềm vui sống của chị: “Tôi vẽ thế giới nội tâm của tôi, vừa như đứa trẻ, vừa là đàn bà”. Khác hẳn

với vẻ ngoài dịu dàng, đầy nữ tính của mình, họa sĩ Đặng Tú Thư lại thể hiện một khuôn mặt nữ với cái nhìn đầy đau đớn, uất ức trên khuôn mặt tối sầm: “Tôi vẽ bức này trong trạng thái trầm cảm bởi mẹ tôi ra đi đột ngột”. Chị nói và vội lấy tay lau giọt nước mắt đang lăn.

“Mới xem một lượt đã thấy vài bức níu mắt lại. Một chân dung tượng gỗ của Thái Nhật Linh. Bộ ba tranh tự họa của Nguyễn Khắc Chinh. Bức tranh của Phạm Tuấn Tú, cái tên rất nam, vì không biết mặt họa sĩ nên chẳng rõ là nam hay nữ, vẽ một người nữ áo ngoài phanh ra hở áo lót. Thêm bức của họa sĩ Nguyễn Hồng Phương (150x110, Acrylic), với chú thích dài loằng ngoằng, ‘Cháu Nguyễn Hồng Phương sinh năm 1974. Cháu bị bệnh suy nghĩ nhiều vì tình, bỏ nhà đi từ ngày… Khi đi mặc áo khoác đen quần gió màu đen. Ai biết tin cháu ở đâu xin báo cho gia đình…”

Tất cả các tác phẩm đó đều ấn tượng bởi có những nét riêng. Triển lãm này đa dạng, tập hợp một loạt họa sĩ tự nhìn mình bằng con mắt bên trong” - dịch giả/nhà thơ Dương Tường nói.

Niềm vui “link” trên mạng

Chị Trần Phương Mai, con gái của dịch giả/nhà thơ Dương Tường, chủ Gallery Mai, chia sẻ: “Từ hơn chục năm nay, tôi có một người bạn, anh tên là Dominic Senven, người có tiếng trong giới kinh doanh cũng như sưu tầm tranh thế giới. Dominic từng nhờ tôi sưu tập cho anh khoảng 100 bức tranh chân dung của các họa sĩ Việt Nam. Tôi đã giúp anh, nhưng các tác phẩm chủ yếu là của các bậc cao nhân đã thành danh như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Quân, Trần Lưu Hậu… Lớp họa sĩ trẻ ngày nay, tôi chưa có dịp tiếp cận, và việc mời gọi tất cả các họa sĩ trẻ, thông qua Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, do họa sĩ Hoàng Duy Vàng làm chủ nhiệm, gửi các bức chân dung tự họa mới, chưa từng qua triển lãm nào, sẽ giúp tôi thỏa mong muốn của mình…”

Ngồi bên tôi, họa sĩ Đặng Tú Thư tiếp lời: “Chúng tôi nhận được lời mời tham gia triển lãm thông qua các link mà đồng nghiệp có được, gửi cho nhau. Vì rất thích không gian triển lãm này, và cũng là dịp được ngắm các tác phẩm mới nhất, nên chúng tôi hào hứng tham dự”.

Quả thực, hiếm triển lãm nào lại đông nghịt người từ phòng treo tranh tầng một lên tầng ba như triển lãm này. “Riêng tác giả đến vào ngày khai mạc đã đủ đông rồi.” Chị Mai cười, nói.

Các họa sĩ đến, không chỉ đến gặp gỡ nhau, mà còn đứng ở bức tranh của mình, khoe với bạn bè và những người đến thưởng lãm. Họ giải thích rất kỹ, và níu chân người ngắm tranh mình bằng sẻ chia tình cảm mà tác giả dành cho tác phẩm.

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến lần đầu tiên vẽ chân dung mình (100x100cm, Acrylic) theo phong cách cực thực (trường phái ra đời ở Mỹ, vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước), cũng vì không ít người xem đứng lại trước bức tranh của anh, tò mò hỏi đây là chụp ảnh hay vẽ, nên Trịnh Minh Tiến càng có dịp giải thích: “Họa sĩ vẽ theo trường phái này phải miêu tả cảnh vật con người thật nhất có thể, buộc người xem có cảm giác kinh ngạc về khả năng, kỹ thuật vẽ của người họa sĩ khi nhìn bức tranh giống hệt ảnh chụp.”

Cũng chính vì lòng nhiệt thành, yêu nghề vô tư của các họa sĩ trẻ, mà chị Mai quyết định, “Sau cuộc triển lãm này, tôi sẽ mở ra một sân mới cho họa sĩ trẻ. Có thể là tranh nhóm vẽ theo một chủ đề, có thể là bộ sưu tầm của một tác giả".

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm