21/08/2012 10:09 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, triển lãm nhóm của 7 họa sĩ trẻ có tên Đủ đường đang diễn ra tại phòng tranh Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Bình Thạnh, TP.HCM) và kéo dài đến 8/9/2012. Triển lãm được xem là cuộc “so kè vô tư” của những họa sĩ từng trưng bày tác phẩm đây đó, đã có những dư luận khác nhau, không biết lần “hợp nhất” này, ai sẽ tạo ấn tượng mạnh nhất?
Họ gồm Phạm Trần Việt Nam, Trương Công Tùng, Nguyễn Văn Đủ, Hà Thúy Anh, Phan Thị Mai Phương, Phan Anh và Nguyễn Anh Thao.
Đến xem triển lãm trước khi khai mạc vài ngày, họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã có nhận xét: “Người trẻ ưa dằn vặt, có vẻ như thái quá. Không phải họ cường điệu mà vì niềm mong đợi về những gì tốt đẹp chốn trần ai quá náo nức và xác tín. Họ muốn thăm dò cả địa ngục xem đau khổ là gì, hình thù nó ra làm sao, tất nhiên phải kinh dị khó ai tưởng tượng ra nổi (…). Xuất phát từ bản năng hay hoang mang về bản năng, bản ngã cái “tôi là ai” dẫn người trẻ tới những thăm dò tiềm thức rất bất định. Biểu cảm hiện ra ở biểu chất nên các tác giả thách thức, thử nghiệm, “phá cách” rất nhiều, cả ở khía cạnh bố cục, chất liệu, kỹ thuật…”.
Tác phẩm Số 3 của Phạm Trần Việt Nam, sơn dầu trên bố, 130x70cm, 2012|
Nhìn theo cách của Nguyễn Quân, những tác phẩm của Nguyễn Văn Đủ đúng là sự dằn vặt trước thế giới người “bụng bia”, nơi mà sự “tham ăn tạp uống” làm người ta băng hoại, xấu xa. Cách vẽ của Đủ hoàn toàn “cô lập”, đúng hơn, đẩy người xem ra khỏi khuôn viên của cái đẹp thông thường. Nó trần trụi, nham nhở và cũng đầy kiêu hãnh, thách thức thị giác bởi cách chơi màu nhợt nhạt, “mất gốc màu”.
Phạm Trần Việt Nam thì gần như cô độc trong ánh nhìn, bởi không gian tranh là một ẩn dụ, một cảm nghiệm về địa ngục trần thế. Những ánh mắt hốt hoảng, lạnh lùng, đôi khi vô cảm, độc ác trong các hộp sọ trơ xương là cách tạo hình của nghệ sĩ này. Cũng giống Nguyễn Văn Đủ, ở đây người xem bị “xóa bỏ” cảm giác bình an, thư thái khi thưởng thức, thay vào đó là sự truy vấn chính mình, hoặc quay lưng bỏ đi ngay tức khắc.
Phan Anh như bác sĩ chụp chuyện CT, mô tả những biến dị về tâm sinh lý của nhân vật, ngay từ bên trong xương xảo, nội tạng, trí óc. Đó là những con người chỉ còn cái vỏ bọc làm người, mọi thứ bên trong đã phi nhân tính hoặc đột biến. Còn Nguyễn Anh Thao giống như thợ “đồ tể”, chuyên mổ xẻ thân thể gia súc, để qua đó làm nên tấm gương soi mình vào đó, rồi thảng thốt, đâu là người, đâu là thú?Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất