Trẻ hóa là xu thế

05/09/2011 11:22 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Người Anh gọi đó là cuộc cách mạng: Không có chỗ cho người già. Thực ra, nó là xu thế, là hướng đi bắt buộc đối với các nền bóng đá châu Âu và ở khía cạnh này, ĐT Anh đã đi sau.

Luật công bằng tài chính thực sự đã có tác động mạnh đến bóng đá châu Âu. Trước đây, các đội bóng lớn sẵn sàng chi số tiền khổng lồ, trả mức lương khủng khiếp cho các ngôi sao đã thành danh ở tuổi 26, 27 hay thậm chí là 30. Như năm 2006, Chelsea mua Shevchenko của tuổi 30 với giá 30 triệu bảng. Cách đây 2 năm, Real Madrid chi ra 56 triệu bảng để mua Kaka, lúc bấy giờ đã 27 tuổi, và Barca chi chừng ấy tiền để mua Ibrahimovic, cũng đã 27 tuổi.

ĐT Anh đang bước vào cuộc trẻ hóa - Ảnh Getty

Nhưng chuẩn bị cho mùa giải này, khi Luật công bằng tài chính bắt đầu có hiệu lực, các đại gia tập trung đầu tư vào các tài năng trẻ, phần là là U25. Cầu thủ trẻ thường chấp nhận mức lương thấp hoặc vừa phải. Dùng họ vài năm, có thể bán lại, thu hồi vốn, đầu tư vào tài năng trẻ khác và không hề vi phạm Luật công bằng tài chính. Những ngôi sao đã thành danh thì khác. Mua về, dùng 2 năm thôi là rất khó bán lại. Như trường hợp của Kaka. Nếu chấp nhận bán ở mùa Hè vừa rồi, Real có lẽ chỉ thu về 1/3 số vốn đã đầu tư. Đó là chưa kể ít đội bóng muốn mua vì lương của ngôi sao người Brazil quá cao.

Các đội bóng lớn đang đua nhau trẻ hóa. Từ Barca cho đến Real, từ M.U cho đến Liverpool, Chelsea và cả Man City. Arsenal mua 5 cầu thủ từ 26 tuổi trở lên trong 48 tiếng cuối cùng của kỳ CN Hè 2011, nhưng lý do là họ mua quá vội và các cầu thủ tầm tuổi ấy giờ đây có giá "mềm" hơn.

Trước đây, người ta rất thận trọng khi dùng tài năng trẻ. Bây giờ thì khác. Muốn họ tiến bộ nhanh chóng thì phải dùng nhiều, tạo điều kiện hơn. M.U đại thắng Tottenham và Arsenal với đội hình có độ tuổi trung bình tầm 23 trong khi băng ghế dự bị lại chất đầy những tên tuổi như Berbatov, Park Ji-Sung, Giggs. Barca dùng luôn 2 tân binh trẻ tuổi là Fabregas và Sanchez. Tương tự với Liverpool hay nhiều đội bóng lớn khác.

Có lẽ đã nhận ra xu thế này từ trước nên người Đức mạnh dạn trẻ hóa ĐTQG từ chiến dịch vòng loại cho đến VCK World Cup 2010. Những Khedira, Oezil... đã có bước nhảy vọt từ vô danh thành ngôi sao lớn. 3/4 đội lọt vào bán kết World Cup 2010, gồm Tây Ban Nha, Đức và Uruguay, là có độ tuổi trung bình thấp bậc nhất giải. Những đội bóng "già" như tuyển Anh, Brazil đã hứng chịu thất bại đau đớn và sớm rời cuộc chơi.

Khi các cầu thủ trẻ đã có được chỗ đứng ở những đội bóng lớn, được chinh chiến ở các giải đỉnh cao thì họ hoàn toàn đủ sức, tài năng và bản lĩnh để thiện hiện mình ở ĐTQG. Trước đây, HLV Fabio Capello có thể ngần ngại sử dụng các tài năng trẻ như Wilshere, Walcott, Welbeck, Smalling vì lo sợ họ sẽ bị bỏ rơi và không được tạo điều kiện ở những đội bóng lớn. Bây giờ thì khác, không dùng thì quá phí, có lợi cho hiện tại lẫn tương lai.

Chiến thắng trước Bulgaria vừa qua đã cho thấy vai trò lớn của các tài năng trẻ. Smalling và Cahill, 2 cầu thủ trẻ nhất hàng thủ, đã thi đấu ấn tượng. Ở tuyến trên, Walcott, Ashley Young và Rooney (so với tuyển Anh cách đây 1 năm thì đúng là rất trẻ) đã tỏa sáng rực rỡ. Đó có thể là trận đấu mang tính bước ngoặt, khiến Capello mạnh dạn hơn trong việc tin dùng cầu thủ trẻ và gạt bỏ những lão tướng như Lampard.

Đ.L


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm