"Trẻ em luôn là người đọc sách nhiều nhất..."

08/07/2008 21:31 GMT+7 | Đọc - Xem

Thiếu nhi với sách
(TT&VH Online) - 71 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, bà Birgitta Fransson từng nhận danh hiệu Nhà báo của năm 1997 tại Thụy Điển do hiệp hội các NXB và tạp chí bình chọn. Gần 50 năm qua bà chỉ gắn bó với một chủ đề duy nhất: văn học thiếu nhi, trên đủ các cương vị: nhà báo, nhà phê bình, nhà nghiên cứu và cả giảng viên đại học.

Birgitta Fransson từng tới rất nhiều nơi, trong đó có VN, để tìm hiểu về nền văn học thiếu nhi tại mỗi quốc gia này. Trong cuộc trao đổi với TT&VH, bà cũng đưa ra một số ý kiến riêng của mình về nền văn học thiếu nhi VN.
 
Bà Birgitta Fransson
 
* Trong lần tới VN vừa qua, điều gì để lại ấn tượng nhiều nhất ở bà?

- Đó là vào cuối năm 2007, tôi đến VN để tham dự một cuộc hội thảo về Astrid Lindgren do Đại sứ quán Thụy Điển và công ty sách Nhã Nam tổ chức, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của bà. Cũng trong thời gian ấy, tôi còn làm việc với Hội Nhà văn VN về việc họ tham gia giải Astrid Lindgren, một giải thưởng Quốc tế cho văn học thiếu nhi mà chính phủ Thụy Điển khởi xướng năm 2002. Nhưng, ấn tượng nhất trong chuyến đi ấy có lẽ là lần tôi tới một trường học ở ngoại thành Hà Nội để nói chuyện với lũ trẻ về các tác phẩm Pippi tất dài và Mio con trai ta. Tôi rất vui khi hiểu rằng trẻ em VN rất thích sách.

* Trước đó, bà đã có khái niệm gì về văn học thiếu nhi VN chưa?

- Tôi từng đọc một số truyện ngắn VN được dịch ra tiếng Thụy Điển. Về văn học thiếu nhi, tôi có đọc bản dịch Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài) và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần). Tôi thích Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hơn. Đó là câu chuyện được viết về một thế giới sinh động từ cái nhìn của trẻ con, có cách kể lạ lùng và cuốn hút. Dế mèn phiêu lưu ký thì quá nổi tiếng, nhưng theo tôi hơi nặng tính giao dục. Đó là cuốn sách đặc trưng cho phong cách về trào lưu cho thiếu nhi những năm 40 trên thế giới: nặng tính giáo dục, thường viết về động vật, những cuộc phiêu lưu...
 
Trẻ em đang say sưa đọc sách

* Nghĩa là cách viết ấy đã lạc hậu?

-Ừm, không hẳn vậy. Nhưng dù chỉ cho một đối tượng là trẻ em, người ta cũng cần có nhiều cách viết khác nhau. Và bên cạnh những cách viết cũ thì luôn cần những cách viết mới lạ để thu hút trí tưởng tượng của bọn trẻ. Chẳng hạn, hạn như trường hợp của Pippi tất dài. Tôi lên 8-9 tuổi khi Astrid Lindgren viết cuốn sách này. Thời gian đó, tác phẩm của bà là một cái gì đó rất khác biệt, bởi vì lúc đó, trẻ em được giáo dục là phải vâng lời, luôn vâng lời, chăm học, không được cãi người lớn. Nhưng Pipi thì chẳng phải đứa trẻ biết nghe lời. Cô bé không nghe ai cả, không ai có thể bảo cô bé khi nào thì đi ngủ, ăn gì, ứng xử như thế nào. Cuốn sách khiến trẻ em tò mò, bị hấp dẫn và dần hiểu những bài học giáo dục được "lồng" vào đó.

* Còn những khó khăn của văn học thiếu nhi VN, theo bà?

- Tôi ở VN không nhiều. Những gì tôi được biết cũng giống với khó khăn chung của văn học thiếu nhi trên thế giới thôi. Trẻ em bị thu hút bởi các loại hình giải trí hiện đại, trong khi nhà văn giỏi trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi thì luôn là số ít. Thật ra, các bạn không nên quá lo lắng về những chuyện đó. Theo thống kê, ở đâu trên thế giới, trẻ em cũng là người đọc nhiều nhất, sau đó là phụ nữ rồi mới tới nam giới (cười). Bọn trẻ bị thu hút bởi các loại hình khác, nhưng sức đọc của trẻ em vẫn là vô tận. Chỉ có điều, người ta không thể chỉ dừng lại ở việc đưa cho chúng một cuốn sách và bảo "đọc đi"... Phải có những cách thu hút khác.
 
 Phụ huynh chọn sách cho con em mình 

* Chẳng hạn như việc chuyển thể những tác phẩm văn xuôi thành dạng truyện tranh?

- Đó có thể cũng là một cách. Nhưng, điều này khác hẳn với việc "viết lại" những tác phẩm cho thiếu nhi. Chẳng hạn, tôi được biết ở VN, có một số tác phẩm văn học kinh điển cho người lớn lại được chuyển lại thành truyện tranh cho thiếu nhi theo hình thức "hài hước và đơn giản hóa". Ở nước tôi cũng vậy thôi, nhưng tôi vẫn không ủng hộ cách làm này. Làm như vậy, về lâu dài sẽ không để lại hiệu quả tốt.

* Vậy, phải làm thế nào để khuyến khích trẻ em đọc sách, theo bà?

- Có nhiều cách. Ở nhiều nước có những tác phẩm rất tốt ra đời từ phong trào khuyến đọc. Chính phủ của họ tặng sách cho trẻ em, tổ chức thường xuyên những buổi nói chuyện về sách, đưa sách lên xe buýt chở trẻ em đi học. Hoặc như ở Thụy Điển, khi một cặp cha mẹ sinh con, họ sẽ được các thư viện mời đến để tặng sách thiếu nhi. Tôi hiểu là VN cũng có những khó khăn nhất định về kinh tế. Nhưng hãy tin tôi đi, ở nước nào cũng vậy thôi, văn học thiếu nhi luôn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức xã hội. Không có điều ấy thì khó để trẻ em đến với sách lắm.

* Xin cảm ơn bà!
 
Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm