16/03/2021 15:45 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các trang mạng xã hội cũng phát triển mạnh và được xem như một kênh giải trí, học tập hữu ích đối với đông đảo người dân. Tuy nhiên, trên các trang mạng cũng có nhiều clip phản cảm, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Vậy chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng?
Hệ lụy khôn lường
Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những “hiện tượng mạng” thường xuyên quay clip, livestream những nội dung phản cảm. Gần đây nhất là sự việc tài khoản mạng xã hội của Youtuber Thơ Nguyễn ngày 27/2/2021 đăng tải clip người này ôm một con búp bê, tay cầm sợi dây chuyền và tự giới thiệu là để “xin vía học giỏi” cho học sinh khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Trước đó, chủ nhân của kênh này thường xuyên đăng tải những nội dung phản cảm, độc hại và có thể làm nguy hiểm đến trẻ em nếu bắt chước như: tắm trong bồn thạch, thử nghiệm đun lon nước ngọt, cho đá khô vào chai kín để phát nổ...
Ngay sau sự việc clip của Thơ Nguyễn được đăng tải, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Cục A03 (Bộ Công an) làm việc với chủ nhân kênh youtube Thơ Nguyễn về một số video có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan mà Thơ Nguyễn đã phát tán trên mạng.
Ngày 15/3/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn. Tại buổi làm việc, YouTuber Thơ Nguyễn đã nhận thức được hành vi vi phạm do không cố ý. Do có những biểu hiện không tốt về sức khỏe và tâm lý nên Thơ Nguyễn xin phép cơ quan chức năng tạm dừng buổi làm việc và tiếp tục làm việc vào chiều 16/3.
Nhìn lại các sự việc gần đây, có thể thấy rõ sự việc clip của Thơ Nguyễn không phải là lần đầu các clip dán nhãn “dành cho trẻ em” có nội dung không phù hợp được lan truyền trên mạng.
Theo các chuyên gia, đối tượng được nhắm tới của những clip này thường là trẻ em từ 8-16 tuổi, lứa tuổi còn đang tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức. Từ những clip có nội dung nhảm nhí, vô bổ, cho tới những clip hướng dẫn chơi ma túy hay thậm chí là tự sát được tung lên mạng, có thể thấy những mối nguy hiểm khôn lường với trẻ nhỏ nếu phụ huynh không đủ cảnh giác và không đủ quan tâm.
Có thể kể đến như việc một bé 9 tuổi ở Phú Thọ học theo clip trên Youtube đã nuốt bấm móng tay vào bụng song may mắn vì bé đã được đưa đến bệnh viện kịp thời (tháng 10/2020); hay sự việc bé trai 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh may mắn được cứu sống sau khi học theo một clip thực nghiệm ảo thuật treo cổ mà vẫn thở được (tháng 11/2019); hay sự việc 4 em nhỏ ở Tuyên Quang bắt chước clip nướng cóc ăn, phải nhập viện vì ngộ độc nặng (tháng 4/2020). Đau lòng nhất là bé gái 5 tuổi học theo clip thắt cổ đã không thể qua khỏi dù đã được Bệnh viện Nhi đồng 1 hết lòng cứu chữa (tháng 10/2020)…
Đáng lo ngại, những hình ảnh phản cảm, phát ngôn tục tĩu của các “giang hồ mạng” như Ngô Bá Khá (Khá “bảnh”), “Thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc, Huấn ‘hoa hồng”… được đưa lên mạng thời gian qua cũng đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận, chủ yếu là giới trẻ, học sinh. Những hình ảnh này gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức về giá trị cuộc sống của một số bạn trẻ...
Một thực tế là nhiều bố mẹ do mải công việc nên không hay biết con mình có xem nội dung nhảm nhí, phản cảm trên mạng hay không. Nhiều bậc cha mẹ đã thừa nhận còn lơ là khi cho con cái tiếp cận nội dung trên Youtube, TikTok, Facebook. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, có hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận internet, trong đó 43,4% sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng/1 ngày.
Chế tài xử lý những hành vi vi phạm trên không gia mạng
Từ hiện thực trên, có thể thấy rõ những nội dung phản cảm trên không gian mạng là mối hiểm họa vô cùng lớn đối với trẻ em - lứa tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt các hành vi an toàn và không an toàn. Thời gian qua, đã có không ít văn bản luật liên quan đến việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng như không được phép tung thông tin, hình ảnh xấu, độc lên mạng. Đáng chú ý là Nghị định 15/2020/NĐ-CP, ban hành ngày 3/2/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó một nội dung đáng chú ý trong Nghị định này là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.
Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn cũng bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng...
Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên…
Trước đó, Luật An ninh mạng từ khi có hiệu lực vào ngày 1/1/2019 cũng đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng bao gồm những nội dung cơ bản, như: quy định đầy đủ các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng; xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Sau hơn 2 năm thực hiện, Luật An ninh mạng đã mang lại những tác động rõ rệt. Môi trường không gian mạng đang dần trở nên văn hóa, lành mạnh hơn. Nhiều thông tin, bài viết, video có xu hướng kích động, ảnh hưởng tiêu cực tới chuẩn mực, đạo đức xã hội đã được ngăn chặn, xử lý; đời tư cá nhân được bảo vệ; hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng được đảm bảo… Đây là những hiệu quả thiết thực từ việc thi hành Luật.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hành lang pháp lý của chúng ta quy định về vấn đề đưa các thông tin lên mạng xã hội đã rất rõ ràng. Tuy nhiên vẫn cần có sự vào cuộc rất quyết liệt của các cơ quan chức năng cũng như sự am hiểu pháp luật của người dân.
Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều tài khoản Youtube đã bị xử lý khi đăng tải các clip “rác” như trường hợp của Khá Bảnh, Hưng Vlog… tuy nhiên nhiều người cho rằng, mức xử phạt đối với các clip “rác” có nội dung độc hại còn nhẹ (chỉ vài triệu đồng), chưa đủ sức răn đe, so với số tiền thu về của các Youtuber. Về việc này, ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay Cục đang triển khai thêm một biện pháp nữa là chặn đường quảng cáo và xóa các kênh vi phạm. Đây là một biện pháp rất mạnh. Tuy nhiên, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thừa nhận, định nghĩa thế nào là video nhảm nhí, thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục hiện vẫn chưa được quy định rõ. Điều này gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật và ngược lại có thể gây cản trở cho quá trình sản xuất của những người làm nội dung.
Và không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh
Trong khi các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả nhằm hạn chế sự xâm lấn của clip “rác” tới giới trẻ thì các bậc phụ huynh chính là những người có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con em mình.
Theo các chuyên gia, mọi vấn đề đều có hai mặt và YouTube, hay Tikok, Facebook… cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn nạn đang tồn tại hiện nay có không ít phụ huynh chưa ý thức đầy đủ về tính hai mặt của mạng xã hội với con trẻ. Tâm lý chung của phụ huynh thường hay đưa ra những phán xét, chỉ trích thậm chí là đổ lỗi do khách quan hơn là thừa nhận lỗi lầm, trách nhiệm thuộc về mình.
Từ vụ Thơ Nguyễn cho thấy có khá nhiều phụ huynh đổ lỗi hoàn toàn cho kênh là chưa thuyết phục. Bởi vai trò, trách nhiệm giáo dục trẻ phụ thuộc vào 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, giáo dục từ cha mẹ đóng vai trò rất lớn và được xem là yếu tố nền tảng góp phần trong việc hoàn thiện nhân cách cho con.
Với trẻ nhỏ, sự ý thức và tự ý thức còn nhiều hạn chế, khả năng gạn lọc thông tin kém trong khi nội dung không lạnh mạnh xuất hiện nhan nhản trên YouTube thì việc trẻ ít nhiều bị tiêm nhiễm và bắt chước là điều có thể xảy ra.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, kênh YouTube thực sự không xấu nếu đó là những chương trình có ý nghĩa giáo dục điều tốt đẹp và bổ sung kiến thức. Tuy nhiên, chính vì có quá nhiều kênh với đủ hình thức nên trách nhiệm của cha mẹ trong việc chọn lựa kênh có ích cho bé là điều quan trọng nhất. Để làm được điều này, các chuyên gia khuyên rằng phụ huynh cần dành thời gian cho con, quan tâm đến cách giáo dục con nhiều hơn, tổ chức cho trẻ môi trường sống, vui chơi giải trí ngoài đời thực hơn là cho trẻ tiếp cận trên mạng xã hội.
Biết rõ những gì con mình đang làm trên internet là một cách để bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy hại trực tuyến. Hãy đảm bảo rằng bạn biết được con mình truy cập gì trên internet. Cha mẹ cũng có thể cài đặt và sử dụng các ứng dụng giám sát trẻ em trên smartphone và máy tính để giữ an toàn cho trẻ.
Quan trọng hơn là phải cung cấp kiến thức và kỹ năng để các con hiểu về những nguy cơ có thể gặp để tăng cường cảnh giác; nhắc nhở con không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai; không đồng ý kết bạn hay làm theo bất kỳ đề nghị nào của ai nếu trẻ không muốn.
Và nếu trẻ có các dấu hiệu như: trở nên giữ bí mật với cha mẹ, đặc biệt về hành động của trẻ trên mạng xã hội và internet; dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và internet; bất ngờ tắt màn hình máy tính hoặc che giấu smartphone khi cha mẹ xuất hiện; trở nên xa lánh, mất kiểm soát hoặc tức giận sau khi sử dụng internet hoặc mạng xã hội; có nhiều số điện thoại lạ xuất hiện trong danh bạ trên smartphone… thì cha mẹ cần phải đề cao cảnh giác.
Ngoài ra, sự bảo vệ không chỉ đến từ cộng đồng, từ người thân mà phải đến từ chính những bạn trẻ. Chính các em phải có ý thức bảo vệ chính mình khỏi những nguy cơ có hại trên internet. Các em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức để trở thành công dân của thế giới số, không gian mạng.
An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất