22/07/2020 22:31 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ V do Báo Sức khỏe và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) tổ chức đã diễn ra tối 22/7, tại Hà Nội.
Uy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự chương trình.
Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ V có sức hút, sự lan tỏa mạnh mẽ khi nhận được hơn 1.200 tác phẩm của các tác giả khắp mọi miền Tổ quốc, người Việt Nam ở nước ngoài gửi dự thi. Các tác phẩm dự thi lần này là những câu chuyện chân thật, xúc động được kể lại với ngôn ngữ giản dị, sinh động, có tác động xã hội rộng lớn và sâu sắc, khiến cộng đồng hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn về nghề y, một nghề cao quý. Với tinh thần trách nhiệm cao và sự công tâm, Ban tổ chức đã lựa chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trao 1 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 11 giải Ba.
Theo đó, giải Đặc biệt đã được trao cho tác phẩm "Như cổ tích giữa đại ngàn" viết về bác sỹ Nay Blum, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, của tác giả Hà Văn Đạo (báo Sức khỏe và Đời sống).
Hai giải Nhất thuộc về tác phẩm: "Bác sỹ Hồ Văn Hoài, người vác tù và hàng tổng" viết về bác sĩ Hồ Văn Hoài, Trưởng Trạm Y tế xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, của tác giả Nguyễn Phương Liễu (báo Đồng Nai) và tác phẩm "Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thúy Hoa trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh" viết về Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thúy Hoa, nguyên Trưởng khoa Khoa Dịch tễ, Trưởng khoa Khoa Côn trùng y học (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) của tác giả Trần Giữu (dược sỹ chuyên khoa II).
Tại cuộc thi này TTXVN có một tác giả đoạt giải Nhì, đó là phóng viên Cao Thùy Giang, báo điện tử VietnamPlus, với tác phẩm "Người giáo sư suốt đời không nguôi trăn trở với bệnh nhi" viết về Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ gene Vinmec.
Cũng tại chương trình, khán giả đã gặp gỡ, lắng nghe những sẻ chia, tâm sự của một số nhân vật trong tác phẩm đoạt giải là các thầy thuốc đã tận tụy, cống hiến hết mình cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đó là Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), thành viên Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị các ca COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch; bác sỹ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - người cùng các đồng nghiệp thức trắng đêm cấp cứu liên tục cho bệnh nhân 19 đột ngột ngừng tuần hoàn với nỗ lực không ngừng nghỉ, cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Khán giả cũng được lắng nghe câu chuyện của nhân vật trong tác phẩm đoạt giải Đặc biệt, đó là bác sỹ Nay Blum, Trưởng Trạm Y tế xã Glar (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) và vợ là hộ sinh H’Nơn cùng trạm. Họ được người dân địa phương ví như cánh chim không mỏi giữa đại ngàn, là người chuyên đi làm "cách mạng" xóa hủ tục. Gần 30 năm qua, vợ chồng bác sĩ Blum đã đi đến, cùng ăn ở với người dân ở các buôn sâu để chữa bệnh và giúp họ thấm nhuần triết lý: "Khỏi bệnh là do y học, khỏe mạnh, lớn khôn là do nuôi dưỡng, chăm sóc,giáo dục". Trong hành trình bền bỉ ấy, vợ chồng bác sỹ Blum đã "nhịn đẻ", "cược" với cộng đồng Tây Nguyên nhận cứu chữa và nuôi một đứa trẻ sinh non bằng bắp tay, sắp bị đưa đi chôn sống. Cháu bé khỏe mạnh, buôn làng phải bỏ hẳn hủ tục.
Rồi khi biết nhiều nơi đang lùa đuổi ba đứa trẻ mắc bệnh phong, bệnh lao vào núi thẳm, thoi thóp trong đói rét, vợ chồng bác sỹ Blum lại bán nốt chiếc xe máy là của hồi môn để mua sữa và thuốc tốt nhất cứu chữa, nhận những đứa trẻ này làm con. Bằng y học, họ chứng minh rõ "con hủi", "con virus lao" không có chân, có cánh bay khắp nơi trong cộng đồng, nó không phải là "ngọn gió độc" mang "thần chết" reo rắc khắp nơi như người dân vẫn nghĩ. Từ đó khắp Tây Nguyên không kỳ thị người bệnh phong, bệnh lao. Tất cả những nạn nhân của hủ tục này giờ đều là con nuôi khỏe mạnh của vợ chồng bác sĩ Blum.
Đến với chương trình, khán giả còn gặp gỡ bác sĩ Hồ Văn Hoài, người đã 35 năm gắn bó với vùng đất "Mã Đà sơn cước anh hùng tận" - giang sơn của các bộ tộc người S’Tiêng và Châu Mạ, được coi là cõi "ma thiêng, nước độc", là vùng đất "đi dễ khó về". Bác sỹ đã dùng tiền cá nhân để lắp đặt internet tại trạm y tế xã, rồi lập website cho trạm y tế xã Phú Lý. Website cập nhật khá đầy đủ thông tin về các dịch bệnh đang bùng phát, kiến thức phổ thông y học, cách tự phòng bệnh; các thông báo của trạm về lịch tiêm chủng, triển khai các chương trình, dịch vụ mới trong khám và điều trị bệnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300-500 lượt truy cập. Ba năm sau đó, bác sỹ Hoài cũng đã cùng cộng sự xây dựng được phần mềm quản lý sức khỏe của nhân dân địa phương.
Đan xen với những câu chuyện xúc động và đầy tính nhân văn là các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc về ngành y, tri ân các "thiên thần áo trắng" do các nghệ sỹ Mỹ Linh, Đức Tuấn, Vũ đoàn Phong Nguyễn… thể hiện.
Cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" được khởi xướng từ năm 2010 với ý nghĩa tri ân các y bác sỹ bằng sự đồng cảm, chia sẻ, trân trọng của toàn xã hội. Đây là cuộc thi uy tín, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội. Các tác phẩm dự thi được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn là các nhà báo tên tuổi và có sự ảnh hưởng trong cộng đồng.
Phúc Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất