03/06/2021 07:36 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu còn sống, huyền thoại màn bạc Hollywood này sẽ tròn 95 tuổi vào ngày 1/6 vừa rồi. Và nếu nhìn vào làn sóng #MeToo trong những năm vừa qua, hẳn người ta sẽ hào hứng với một câu chuyện đặc biệt: Marilyn Monroe từng đấu tranh cho quyền tự quyết và tố cáo quấy rối ở Hollywood nhiều thập kỷ trước.
Thực tế, Monroe thường được dán nhãn “quả bom tóc vàng” hoặc “biểu tượng tình dục” hơn là “nhà tư tưởng tiến bộ” hoặc thậm chí là “nhà nữ quyền” - mặc dù bà luôn nỗ lực hưởng ứng những vấn đề này ngay giữa thế kỷ 20.
“Quả bom” đi trước thời đại
Trong bối cảnh mẹ mình đang phải vật lộn với các vấn đề sức khỏe tâm thần và không rõ danh tính của cha, cô gái sinh ra với tên Norma Jeane Mortenson lớn lên trong trại trẻ - nơi cô bị lạm dụng tình dục. Cuộc sống riêng tư đầy rắc rối của Monroe đã bị mổ xẻ kỹ lưỡng trong nhiều thập kỷ với những vấn đề như hôn nhân thất bại, sẩy thai và phá thai, lạm dụng thuốc...
Về mặt nghề nghiệp mà nói, ngoại hình nổi bật, giọng nói đáng yêu và vẻ gợi cảm đã quyết định những vai diễn mà Monroe đảm nhận, đồng thời biến bà thành một nhân vật “hai chiều” làm thỏa mãn sự tưởng tượng của nam giới.
Tuy nhiên, giờ Monroe được nhìn qua một lăng kính khác, khi bà cuối cùng đã được các nhà hoạt động nữ quyền đón nhận như một biểu tượng.
Trước khi CEO Sheryl Sandberg của Facebook kêu gọi phụ nữ “hãy dấn thân vào công việc và quyết tâm lãnh đạo” với cuốn sách mang tựa đề Lean In: Women, Work, and Will xuất bản năm 2013 và yêu cầu không gian thích hợp của họ tại nơi làm việc, Monroe đã làm như vậy.
Ký hợp đồng với 20th Century-Fox, nhưng Monroe đã chán những vai người đẹp “tóc vàng câm” và muốn có nhiều tiếng nói hơn trong các kịch bản và vai diễn của mình. “Diễn viên không phải là một cỗ máy, nhưng họ luôn đối xử với bạn như vậy” – Monroe từng nói với nhà văn Richard Meryman của tạp chí Life.
Vào năm 1955, nữ diễn viên thành lập Công ty Marilyn Monroe Productions và trở thành người phụ nữ thứ hai ở Mỹ thành lập công ty sản xuất của mình. Đồng thời, sau nhiều tranh cãi về mặt pháp lý, Monroe và 20th Century-Fox đã đạt được một thỏa thuận giúp bà được trả mức thù lao cao hơn và được góp tiếng nói vào các dự án điện ảnh mà mình thủ diễn.
Đây được xem là một chiến thắng hiếm hoi đối với một diễn viên nữ trong thời điểm đó. Công ty của Monroe cũng bước đầu “ăn nên làm ra” và đã sản xuất phim hài lãng mạn The Prince and the Showgirl (Hoàng tử và cô gái trình diễn – 1957).
Trong bài báo Wolves I Have Known (tạm dịch: Những con sói mà tôi từng biết) mà Monroe viết cho tạp chí Điện ảnh và Truyền hình số tháng 1/1953, Monroe đã tố cáo nạn quấy rối đang lan tràn ở Hollywood thời điểm đó.
Mô tả về những người đàn ông trong ngành, Monroe – khi đó 27 tuổi - viết: “Có nhiều loại sói. Một số thì nham hiểm, một số khác chỉ là những kẻ ngốc nghếch tốt bụng cố gắng giành lấy những thứ chẳng để làm gì”.
“Lá chắn” cho những tài năng trẻ
Joan Collins, nổi tiếng với vai Alexis Carrington Colby trong bộ phim nổi tiếng Dynasty trong những năm 1980, đã chia sẻ trên truyền hình Anh vào năm 2017 về việc Monroe từng cảnh báo cô quanh mối nguy hiểm quanh nghề diễn viên ở Mỹ. “Monroe nói: ‘Hãy coi chừng những con sói trong Hollywood, cưng ạ. Nếu họ không đạt được những gì họ muốn, họ sẽ từ bỏ hợp đồng của em” – cô kể.
Việc khoe khéo đường cong và công khai thể hiện sự gợi cảm của Monroe từng bị coi là “gai mắt”, nhưng ngày nay, bà được một số người ca ngợi là biểu tượng của sự tích cực và yêu bản thân.
Trước khi được phát hiện là một diễn viên và một người mẫu, Monroe đã gặp khó khăn về tài chính vào những năm 1940. Năm 1952, khi bắt đầu “làm mưa làm gió” trong ngành điện ảnh, Monroe dính bê bối khi có thông tin tiết lộ rằng bà đã chụp những bức ảnh khỏa thân trong một buổi chụp lịch chỉ với mức thù lao 50 USD. Các ông chủ của Monroe tại 20th Century-Fox bảo Monroe phủ nhận hết mọi thứ, nhưng thay vào đó bà chọn cách bảo vệ sự thật của mình.
Nói với phóng viên Aline Mosby của United Press International, Monroe kể rằng bà đã bị phá sản và cần tiền. “Tại sao lại phải từ chối?” – Monroe nói. “Tôi không xấu hổ về điều đó. Tôi không làm gì sai cả”.
Phản ứng trước vụ bê bối này, tên tuổi của Monroe cùng những bộ phim bà thủ vai thu hút sự chú ý của công chúng nhiều hơn, thay vì khiến cho sự nghiệp đi xuống.
Thực tế, đầu óc nhạy bén và quan điểm sáng suốt của Monroe về chính trị và công bằng xã hội cũng thường bị xếp xuống “ghế sau”. Có lẽ một trong những hành động “tỉnh táo” hiếm hoi được đề cập đến của Monroe là khi bà sử dụng danh tiếng của mình để giúp ngôi sao nhạc jazz Ella Fitzgerald biểu diễn tại một câu lạc bộ từng từ chối cô.
Khi ấy, quản lý câu lạc bộ Mocambo dường như không muốn thuê một ca sĩ nhạc jazz thực thụ và cho rằng Fitzgerald không đủ “quyến rũ” để trở thành điểm nóng ở phía Tây Hollywood. Monroe kêu gọi chủ sở hữu câu lạc bộ Charlie Morrison “đặt hàng” Fitzgerald và đổi lại hứa sẽ đích thân tham dự mọi buổi trình diễn và ngồi ở hàng ghế đầu.
Fitzgerald từng kể lại trong một cuốn tiểu sử của mình: “Người chủ câu lạc bộ đồng ý và giữ đúng lời hứa, Marilyn ngồi ở bàn trước hàng đêm. Báo chí đã đưa tin rầm rộ. Sau đó, tôi không bao giờ phải chơi trong một câu lạc bộ nhạc jazz nhỏ nữa. Cô ấy là một người phụ nữ khác thường - đi trước thời đại một chút. Nhưng Marilyn không biết điều đó”.
Huyền thoại trường tồn
Hiện tại, kỷ nguyên #MeToo và #BlackLivesMatter rõ ràng là rất phù hợp với cách Monroe đấu tranh cho quyền tự quyết và ủng hộ quyền công dân.
Như Lois Banner, giáo sư nghiên cứu lịch sử và giới tính tại Đại học Nam California đồng thời là người viết tiểu sử Monroe, viết: “Mỗi thế hệ, thậm chí mỗi cá nhân, sẽ tạo ra một Marilyn của riêng họ”.
Còn trong cuốn sách Myth and Muse, Barbara Sichtermann trích dẫn nhận xét của nhiều tên tuổi nổi tiếng về hiện tượng Monroe. Theo đó, người chồng thứ 3 của bà, nhà viết kịch Arthur Miller, nói: “Tôi đã từng không nhận ra Marilyn đã trở thành biểu tượng của sự chân thực như thế nào. Có lẽ, sự chân thực ấy trước hết chỉ đơn giản là khi nhìn thấy cô, đàn ông không muốn chung thủy và phụ nữ nổi giận vì ghen tị”.
Chẳng có gì lạ, khi chúng ta khẳng định: Khả năng đi trước thời đại của Monroe đã góp phần tạo nên huyền thoại trường tồn của bà.
Cái chết đầy bí ẩn Ngày 5/8/1962, hạ sĩ Jack Clemmons nhận điện thoại lúc 4h25 sáng từ bác sĩ Hyman Engelberg. Ông được thông báo Monroe đã qua đời tại nhà riêng ở Los Angeles, California. Clemmons là cảnh sát đầu tiên tới khám nghiệm hiện trường. Nhiều nghi vấn đã được đặt ra sau cái chết của nữ diễn viên. Nguyên nhân cái chết được bác sĩ Thomas Noguchi của sở điều tra hạt Los Angeles kết luận là “nhiễm độc thuốc an thần”. 8 mg muối clohidrat và 4.5 mg Nembutal được tìm thấy trong thi thể sau khi giám định pháp y. thiếu bằng chứng xác thực, cơ quan điều tra đã không thể kết luận đây là tự sát hay bị mưu sát, dù những phân tích nghiêng về một vụ tự sát. Đặc biệt, cũng đã có những lời đồn đại rằng CIA hay mafia đã nhúng tay vào cái chết này. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất