Tranh dân gian Việt Nam

26/01/2009 17:01 GMT+7 | Văn hoá

Tôi còn nhớ ngày trước, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, gia đình nào dù giàu hay nghèo cũng đều mua một vài tấm tranh dân gian màu sắc tươi tắn để dán lên tường nhà cho không khí thêm phần rộn rã, nồng ấm.

Tranh dân gian xuất hiện cách đây từ nhiều thế kỷ, là kho tàng quý giá của nền văn hoá dân tộc Việt. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử cũng như những thăng trầm của đất nước, dòng tranh này vẫn giữ được vẻ vui tươi, dí dỏm, sự hiền lành, đôn hậu, thể hiện giá trị nhân văn và tinh thần của làng quê Việt Nam.

Một số thể loại tranh dân gian tiêu biểu

Tranh dân gian nổi tiếng với dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh làng Sình (Huế)…Mỗi vùng, miền mang đậm một sắc thái và kỹ thuật riêng.

Tranh Đông Hồ ra đời từ khoảng thể kỷ XVII, tại làng Đông Hồ (tỉnh Bắc Ninh), một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển, đời sống văn hoá cao…tất cả tạo thành cái nôi cho một dòng tranh chân quê, đậm đà chất dân tộc.

Tranh Đông Hồ gắn liền với các sinh hoạt trong dân gian, không theo một quy luật thấu thị nào, nên được gọi là “quy luật ngây thơ”. Đường nét chọn lọc, thuần khiết, cốt sao rung cảm thẩm mỹ cho người xem hơn là vẽ đúng luật.

Đó cũng là xu hướng vươn tới của hội họa hiện đại.

Đề tài phong phú, phản ánh, phản ánh những sinh hoạt trong cuộc sống, xã hội vùng nông thôn Bắc Bộ, từ những gì dân dã nhất như hái dừa, đánh ghen… cho tới tranh thờ như Phú Quý, Nhân Nghĩa.

Tranh Hàng Trống nhìn chung có phần nổi trội hơn về thể loại tranh thờ, do ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo, tiêu biểu như Tam hoà Thánh mẫu, Tứ phủ, Ngũ hổ…hay đi sâu vào những bộ Tứ bình về người đẹp (Tố nữ) và cảnh đẹp (Tứ quy).

Hình tượng tương đối giản dị nhưng thể hiện khá công phu, sắc thái uy vệ về ý nghĩa. Tranh được in trên giấy xuyến chỉ và sau này là giấy báo khổ rộng. Về màu sắc, tỷ lệ không đúng với công thức chuẩn, chỉ sao cho thật thuận mắt và ưa nhìn.

Kỹ thuật tranh kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quệt phẩm nước, tạo những chuyển sắc đậm nhạt tinh tế. Nhờ vậy, tranh Hàng Trống đáp ứng được đòi hỏi của khách mua tranh chốn kinh kỳ.

Tranh Kim Hoàng phát triển từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, là sản phẩm từ sự hợp nhất của hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Tranh Kim Hoàng khắc họa những gì quen thuộc, mộc mạc, đơn sơ của người nông dân, làng quê, cảnh ngày Tết.

Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ còn màu sắc tươi tắn như tranh Hàng Trống. Tranh dùng mực tàu, thạch cao và phấn là chính, in trên giầy hồng điều, tàu vàng. Điểm đặc biệt là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo. Cả thơ và hình tạo nên một chính thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.

Tranh làng Sình ra đời từ rất lâu, đa phần phục vụ cho việc thờ và cúng, chỉ chuyên phụng sự đời sống tâm linh của người Huế.

Tranh thờ là tranh của các nhân vật được cung thỉnh với tư cách là những vị thần bổn mạng, bảo trợ cho gia chủ. Tranh cúng là những bức tranh thế mạng cho người sống, các loại giấy tiền, vàng bạc… những vật phẩm dâng cúng trong các cuộc tế lễ, cầu đảo và được đốt (hoá vàng) ngay sau khi cúng tế.

Đường nét và bố cục mang tính thô sơ, chất phác một cách hồn nhiên, nhưng nét độc đáo nhất là ở chỗ tô màu. Khi đó, nghệ nhân mới được thả mình theo sự tưởng tượng tự nhiên.

Văn hoá dân gian ngày càng mai một

Tranh dân gian Việt đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật có giá trị trường tồn, góp phần phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc và là niềm tự hào của đất nước. Thế nhưng, các dòng tranh ấy hiện nay đang dần mai một và mất hẳn. Có lẽ, vì khó đáp ứng được thị hiếu của công chúng hiện đại cũng như không theo kịp được với sự phát triển thần tốc của văn hoá, kinh tế, xã hội…

Điểm qua cac dòng tranh dân gian Việt Nam, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối cho tranh Kim Hoàng đã bị thất truyền, Làng Hồ bây giờ chỉ còn hai nhà làm tranh. Các nhà làm tranh Hàng Trống hầu hết đã bỏ nghề, đốt bỏ dụng cụ, chỉ còn lưu giữ vài mẫu tranh trong các viện bảo tàng. Tranh làng Sình còn bốn hộ theo đuổi nghề làm tranh, nhưng cốt cách, hồn vía đã đổi khác.

Như một quy luật tất yếu, sự phát triển kinh tế, song song với sự tiếp thu nhiều luồng văn hoá, khiến văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có tranh dân gian, đang đứng trước những thử thách lớn.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam hiện nay không chỉ toàn cầu hoá về kinh tế. Cả văn hoá nói chung, nghệ thuật nói riêng phần nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Số phận tranh dân gian sẽ thế nào? Làm sao để có thể vừa hội nhập, vừa hiện đại hoá mà vẫn bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc?

Tranh dân gian, muốn bảo tồn phải phát triển

Một trong những pháp là coi trọng nhân tố con người, với tư cách là chủ thể văn hoá, gắn các hoạt động sống của con người với môi trường xã hội và văn hoá. Nói cách khác, nên xem các nghệ nhân dân gian như báu vật sống. Ở họ tiềm ẩn sự sáng tạo và lưu truyền những giá trị nghệ thuật dân gian.

Các nhà quản lý nghệ thuật, hội văn học nghệ thuật ở những địa phương có dòng tranh dân gian nên khuyến khích, kết nạp thêm nghệ nhân vào hội, kích thích khả năng sáng tạo của họ cùng với những chính sách hỗ trợ làng nghề.

Mặt khác, nên khơi gợi nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ từ phía công chúng, tạo điều kiện triển lãm, giới thiệu tranh…

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc giáo dục để thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn hoá của dân tộc, những giá tri lớn của biểu hiện văn hoá thông qua nghệ thuật.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta có nên coi nghệ thuật nói chung, tranh dân gian nói riêng là hàng hoá? Chúng ta cứ loay hoay tốn nhiều giấy mực bàn chuyện bảo tồn và phát triển, nhưng thực tế những người yêu thích tranh dân gian không biết tìm mua ở đâu.

Theo tôi, để phát triển, đưa được dòng tranh này đến công chúng, ta nên có các phương pháp tiếp thị rộng rãi như: đưa tranh đi triển lãm, bày bán ở những nơi thuận tiện và đông dân cư, mở các gallery trưng bày, đưa vào các shop quà lưu niệm…

Phần nữa, muốn tồn tại trong thời đại này, đề tài tranh nên gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại. Ví dụ, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” phản ánh nền văn hoá lúa nước, nhưng hiện nay công nghiệp phát triển, nên chăng thay bằng máy cày, máy kéo, công nhân sản xuất hay không?

Tuy nhiên, đổi mới hay không thì yếu tố bản sắc vẫn phải đặt lên hàng đầu. Tranh dân gian phải được in trên giấy dó, một chất liệu đặc sắc, ít nơi nào có được, bởi chỉ có giấy dó mới phản ánh được hồn Việt.

Làm được những điều đó, chúng ta mới mong gìn giữ được những dòng tranh quý mang đậm chất dân gian Việt Nam.
 
Theo Phong Cách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm