(TT&VH) - Suốt 23 năm nay cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos theo kiện đòi lại số nữ trang trị giá 310 triệu USD mà bà bị chính phủ tịch thu. Mới đây bà tưởng như là sẽ lấy lại được “kho báu” này khi Bộ trưởng Tư pháp Philippines xác định chúng thuộc về bà, vì không có bằng chứng bà mua chúng bằng tiến tham nhũng. Tuy nhiên giấc mộng của bà đã sớm tan thành mây khói.
Quyết định gây tranh cãi
Khi xuất hiện trước công chúng hồi tuần trước với đôi mắt đẫm lệ, cựu đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos tuyên bố bà đang lâm vào cảnh cơ cực, phải dựa vào khoản lương của chồng để sống qua ngày. Bà cho biết lần đầu tiên đã phải sử dụng một phần khoản lương này để bay từ Manila tới Singapore kiểm tra mắt. "Tôi chưa từng đụng tới số tiền vì nó là bằng chứng về việc chồng tôi là một quân nhân, một anh hùng dân tộc, người được tặng thưởng nhiều huy chương nhất trong Thế chiến thứ 2. Chuyện này thật bất công. Làm ơn, hãy nhân từ" - Marcos nói. Bà đề nghị Ủy ban vì một chính phủ trong sạch (PCGG) trả lại khoản nữ trang trị giá 310 triệu USD đang bị chính quyền Manila thu giữ.
Cựu đệ nhất phu nhân Imelda Marcos
Điều gây ngạc nhiên lớn là đầu tuần này, Bộ trưởng Tư pháp Raul Gonzalez đã ra một văn bản pháp lý trong đó nói rằng có những chứng chứng cứ cho thấy bà Marcos là "chủ nhân hợp pháp của các đồ trang sức nhiều giá trị" bị PCGG thu giữ hồi năm 1986 khi chồng bà, tổng thống độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ.
Ông Gonzalez nói rằng không có bằng chứng nào về việc số nữ trang là đồ kiếm được một cách phi pháp, do đó không có lý do gì để giữ chúng lại. Ngoài việc mang tới một món hời "từ trên trời rơi xuống" cho Marcos, quyết định của Bộ Tư pháp còn được xem là một trò cười nhạo PCGG , cơ quan có nhiệm vụ thu gom hàng tỉ USD đã bị gia đình Marcos lấy đi.
Ở đỉnh cao quyền lực, Marcos nằm trong nhóm những phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ việc kiếm tiền trong cái bóng độc tài của chồng. Marcos cũng được đưa vào danh sách những nhân vật tham lam nhất lịch sử nhân loại, đứng chung với Thành Cát Tư Hãn và “siêu lừa” Bernard Madoff. Thế nhưng trong cuộc hội đàm gần đây với tạp chí Newsweek, bà dường như không lấy làm xấu hổ vì điều đó. "Với tôi, sự tham lam đồng nghĩa với việc hào phóng. Tôi đã là đệ nhất phu nhân trong suốt 20 năm; bạn phải tham lam trước khi có thể hào phóng. Chuyện đó cũng tự nhiên thôi" - bà nói với phóng viên.
Vì thế, khi Marcos than nghèo kể khổ, Cherry Cobarrubias, cựu phát ngôn viên của bà kiêm sáng lập viên của tổ chức True Marcos Loyalists (Những người thực sự trung thành với Marcos), đã phải chữa thẹn: "Sự khó khăn của bà ấy không chỉ đơn thuần về mặt tài chính... Phần lớn những khó khăn liên quan tới tinh thần do những sự khủng bố liên tiếp mà bà đang phải chịu đựng".
Không có chuyện trả lại
Một trong những món đồ trang sức của bà Marcos |
Khi Marcos chưa kịp vui với quyết định của Gonzalez, người có 5 năm ngồi ghế Bộ trưởng Tư pháp, thì chính phủ Philippines vừa thay ông này bằng bà Agnes Devanadera. Ngay sau khi nhậm chức, bà Devanadera đảo ngược 180 độ quyết định của người tiền nhiệm. Theo Bộ trưởng Devanadera, số nữ trang của bà Marcos sẽ tiếp tục nằm dưới sự quản lý của chính phủ.
Bà đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với các quan chức PCGG và xem xét lại trường hợp của Marcos. Số nữ trang vẫn được coi là một phần trong khối tài sản của gia đình Marcos hình thành từ các hoạt động bất chính và sẽ là mục tiêu để bị thu hồi. "Tòa án Tối cao đã nói rằng bất kỳ tài sản nào có ngoài thu nhập hợp pháp của Tổng thống Marcos được xem là tài sản bất chính" - bà nói. Devanadera cũng cho biết bộ nữ trang được thu thập sau nhiều đơn kiện dân sự chống lại Marcos và gia đình bà này, do đó không thể trả lại chúng cho bà mà không có lệnh của tòa án.
Được biết trong số nữ trang đang nằm trong tay chính phủ Philippines có khoảng 300 món bị gia đình Marcos bỏ lại khi họ chạy trốn. Ngoài ra, có 400 món trang sức do hải quan Mỹ tịch thu khi nhà Marcos tới Hawaii sau cuộc tháo chạy khỏi Philippines. 60 món khác do nhà chức trách tịch thu từ một người Hy Lạp đang tìm cách ra khỏi Philippines. Các bộ nữ trang này rất giá trị do chúng gồm nhiều vòng cổ, đồng hồ, hoa tai, vòng tay bằng hồng ngọc, ngọc bích, ngọc lục bảo, vàng, kim cương và ngọc trai do các thương hiệu thời trang lớn Gucci, Van Cleef Arpels, Bulgari và Philippe Patek chế tác.
Hồi năm 2005, chính phủ Philippines đã liên hệ với các chuyên gia của nhà đấu giá Christie và Sotheby để đem bán các món trang sức. Tiền thu được dự định để dành cho chương trình cải cách đất đai của chính phủ. Tuy nhiên bà Marcos đã đệ đơn lên tòa án Manila, yêu cầu can thiệp. "Tất cả chúng là của tôi. Hãy ngăn chặn lại. Hành động đó là sự trả thù" - cựu đệ nhất phu nhân tuyên bố. Cuộc đấu giá vì thế đã phải đình lại.
Tường Linh