25/11/2014 07:31 GMT+7
Để rộng đường dư luận, Thể thao&Văn hóa có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Để “hái lộc” mồng 1
Tối ngày 22/11, vũ trường Airport Exclusive Club đã tổ chức diễn xướng hầu đồng ngay trên sân khấu chính. Hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng của đa số người trẻ tham gia. Do ngày cuối tuần trùng đúng vào ngày 1/10 Âm lịch, nên những người tổ chức chia sẻ nửa đùa nửa thật trên trang mạng chính thức của Club: “Mồng 1 mà - phải hái lộc chứ”. Đăng cùng câu nói trên là hình ảnh giá đồng tung tiền ở vũ trường “phát lộc” cho người xem.
Ngay lập tức, những hình ảnh trên trở thành tâm điểm của những tranh cãi. Nhiều người tỏ ra bức xúc trước hình ảnh bị coi là “phản cảm” này. Một vài quan điểm khác cho rằng đây là sự xúc phạm, phỉ báng tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trước vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh cho hay: “Đúng ra, hoạt động lên đồng phải diễn ra ở nơi linh thiêng như: đền, phủ. Song thời gian gần đây, việc đưa hầu đồng lên sân khấu cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Ngoài những buổi diễn xướng được tổ chức quy mô, trước đây, việc diễn xướng hầu đồng đã manh nha ở những quán cafe. Giờ hoạt động trên len lỏi cả vào quán bar, vũ trường. Tôi nghĩ vấn đề không quá nghiêm trọng như sự chỉ trích của dư luận.”
Theo phân tích, sở dĩ hiện tượng này bị phản ứng mạnh vì ác cảm của dư luận với vũ trường. Trong khi đó, về bản chất, hoạt động này không khác nhiều so với việc diễn xướng trên các sân khấu hiện nay.
“Thậm chí, trong chuyến đi châu Âu vừa qua, chúng tôi còn diễn xướng hầu đồng trên hè phố. Nguyên nhân là BTC muốn tạo không gian đường phố cho tất cả các quốc gia tham gia trình diễn tiết mục. Trong hoàn cảnh đó, để truyền bá hình ảnh văn hóa Việt, chúng tôi vẫn quyết định diễn xướng hầu đồng. Và tôi nghĩ việc diễn xướng này hay ở vũ trường không có gì “báng bổ” cả”- GS Ngô Đức Thịnh cho hay.
Nên cởi mở hơn
GS Ngô Đức Thịnh nói tiếp: Điều quan trọng nhất với di sản là sức sống của nó trong cộng đồng. Chỉ khi cộng đồng yêu, trân quý thì họ mới tiếp tục duy trì di sản. Tất nhiên, việc hầu đồng ở đền, phủ vẫn được diễn xướng thường xuyên, đúng giá trị nguyên bản. Song nếu diễn xướng hầu đồng thực hiện ở những địa điểm khác, được công chúng ủng hộ thì dư luận cũng nên có cái nhìn cởi mở hơn.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, hầu đồng là nghi lễ nhưng cũng là nghệ thuật diễn xướng dân gian. Nên ngoài mục đích tâm linh, chức năng của diễn xướng hầu đồng còn là phục vụ nhu cầu giải trí của người Việt. Nên những ý kiến “mang thánh thần ra mua vui” của dư luận về hiện tượng vừa qua có phần nâng cao quan điểm và lệch lạc.
“Trong bảo tồn văn hóa, tôi coi hiệu quả là quan trọng nhất. Những chốn linh thiêng, không gian thực hành văn hóa của hầu đồng không phải lựa chọn của số đông. Nên việc diễn xướng hầu đồng ở những nơi được công chúng và đặc biệt là người trẻ hay tới cũng là một phương pháp không tồi để người trẻ có thể tiếp cận với loại hình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt này. Và những buổi trình diễn như này cũng khơi gợi cảm hứng cho nhiều người tìm hiểu thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như tới các nơi thực hành tín ngưỡng cụ thể” – phát biểu của GS Ngô Đức Thịnh |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất