21/01/2016 20:48 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn xem một giải Grand Slam ngẫu nhiên, chẳng hạn như Australian Open đang diễn ra ở Melbourne, chắc chắn đập vào mắt là trang phục của các tay vợt với biểu tượng của nhà sản xuất nằm ở vị trí trang trọng nhất.
Nhiều thập kỷ qua, phổ biến trên sân quần vẫn là trang phục của hai hãng khổng lồ Nike và adidas. Biểu tượng Nike được khâu vào áo của Roger Federer, Rafael Nadal, Maria Sharapova hay Serena Williams. Trong khi đó, áo adidas “ba sọc” được mặc bởi Jo-Wilfried Tsonga, Caroline Wozniacki.
Từ Uniqlo tới H&M
Nhưng những năm gần đây, một nhóm các thương hiệu mới đã xuất hiện trong làng quần vợt. Mục tiêu của nhóm mới này là tiếp cận thế hệ các tay vợt đang lên của làng banh nỉ. Điển hình cho mối quan hệ giữa tay vợt và thương hiệu thời trang mới là Novak Djokovic-Uniqlo.
Năm 2012, thỏa thuận hợp tác giữa tay vợt Serbia với hãng thời trang Sergio Tacchini của Italy gặp trục trặc. Trong hợp đồng giữa họ có điều khoản trả tiền dựa trên phong độ trên sân đấu. Từ năm 2011, Nole thắng như chẻ tre ở các giải đấu lớn nhỏ khiến Sergio Tacchini không theo kịp chi phí. Khó khăn chồng chất khi quy mô của Sergio Tacchini quá nhỏ để kịp mở các đại lý phân phối, đưa áo đấu của Nole tới gần với khách hàng trên toàn thế giới.
Giữa năm 2012, hai bên chính thức chia tay. Nhưng thay vì hợp tác với một hãng tên tuổi, Nole chọn bắt tay với Uniqlo, thương hiệu thời trang đang lên ở Nhật Bản, vốn chỉ được biết đến với những chiếc áo jacket và đồ cashmere hạ giá. Thỏa thuận này đã giúp Uniqlo thực sự chuyển mình, theo Isabel Cavill, chuyên gia phân tích bán lẻ tại Planet Retail.
Hình ảnh Djokovic mặc đồ logo của Uniqlo dần bước vào một thị trường hoàn toàn mới mẻ. Và cho tới nay, hai bên đã đạt được sự hài hòa. Số liệu tài chính không được tiết lộ nhưng Djokovic tiếp tục bổ sung những Grand Slam vào bộ sưu tập của mình, cùng với đời tư “sạch”- đó là hai mối quan tâm lớn nhất đối với các nhà tài trợ. Cũng nhờ Djokovic, Uniqlo vươn mình ra xa hơn, tiếp cận tới nhiều đối tượng khách hàng. Thiết kế của hãng hiện diện nhiều hơn ở các quốc gia.
Vài tháng sau khi Djokovic và Uniqlo bắt tay, hãng H&M công bố quyết định ký hợp đồng tài trợ với Tomas Berdych. Tay vợt người CH Czech được chọn để khoác lên mình bộ sưu tập dành cho quần vợt đầu tiên mà H&M thiết kế. Từ thời trang đại chúng bước sang thời trang thể thao, H&M đã đem tới sự tươi mới thực sự cho trang phục sân quần. Nhiều năm liền, Berdych nằm trong Top những tay vợt mặc đẹp tại các giải Grand Slam.
Rủi ro cao, lợi nhuận lớn
Thành công bước đầu của Uniqlo và H&M hối thúc ham muốn cạnh tranh của nhiều hãng thời trang nhỏ khác. Năm 2013, New Balance - công ty chuyên sản xuất giày và số ít quần áo - đã quyết định chi 1 triệu USD/năm để tay vợt trẻ người Canada Milos Raonic mặc thiết kế dành cho quần vợt của họ. Rồi UnderArmour, hãng sản xuất áo sơ mi Mỹ, cũng lấn sân bằng hợp đồng có thời hạn 4 năm với ngôi sao đang lên Sloane Stephens. Cuối năm 2014, UnderArmour tạo thêm cơn địa chấn khi kéo được Andy Murray về phía mình bằng bản hợp đồng trị giá 21 triệu USD.
Trong số các bản giao kèo trên, thú vị nhất là hợp đồng của Raonic và Stephens - hai đại diện của thế hệ nối tiếp những đàn anh đàn chị như Federer hay Serena. Điều này phản ánh những rào cản trong việc xâm nhập thị trường thời trang quần vợt. Số lượng tay vợt tài năng và được hâm mộ như Djokovic không nhiều. Để ký hợp đồng với họ, cần phải có nguồn lực tài chính lớn. Về điều này, những “chú cá nhỏ” trong làng thời trang khó mà cạnh tranh với các hãng lớn.
Bởi vậy, họ bắt tay với những tay vợt trẻ đang lên với kỳ vọng “canh bạc” sẽ mang về một món hời. Nhưng tài trợ quần vợt chứa đựng rủi ro rất lớn. Không giống như tài trợ một đội bóng như Manchester United, một đội đua như Ferrari, tài trợ trong quần vợt phụ thuộc hoàn toàn vào hiệu quả thi đấu của một VĐV. Một trận thua hay một bê bối đời tư có thể nhấn chìm tất cả.
Tuy nhiên, rủi ro cao này đi kèm với lợi nhuận lớn. Với quy định khắt khe về trang phục trong quần vợt, chỉ có duy nhất logo của hãng tài trợ xuất hiện trên áo đấu của VĐV. Hơn nữa, đặc thù công việc khiến các tay vợt không có xu hướng trở thành tâm điểm trên báo lá cải như những cầu thủ bóng đá.
Uniqlo hay H&M đã có khởi đầu thuận lợi. Nhưng tất cả chỉ mới dừng ở việc giành thị phần nhỏ trong làng banh nỉ. Để làm xói mòn thị phần của Nike và adidas thực sự là một thách thức không nhỏ. Nguồn lực tài chính của hầu hết các hãng này đều chưa đủ để đánh bật Nike lẫn adidas. Năm 2010, Nike đã đẩy thị trường thời trang quần vợt vào một cuộc đua khi ký hợp đồng tài trợ trị giá 70 triệu USD trong 8 năm với Maria Sharapova. Sự cạnh tranh của các hãng chắc chắn sẽ càng đẩy giá trị các bản hợp đồng cao lên nữa.
130 Hiện tại, Roger Federer là tay vợt kiếm nhiều tiền nhất từ hợp đồng áo đấu với Nike. Mỗi năm hãng thời trang thể thao Mỹ trả cho Federer 13 triệu USD tiền tài trợ với thỏa thuận kéo dài tới 10 năm. 40 Mặc dù chi tiết về hợp đồng giữa Djokovic và Uniqlo không được tiết lộ nhưng theo một số nguồn tin, thù lao Nole nhận được từ hãng thời trang Nhật Bản vào khoảng 8 triệu USD/năm. Thỏa thuận giữa hai bên có thời hạn 5 năm. |
Bảo Thư
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất