Trần Thị Thắng với "Tháng không ngày"

24/09/2012 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Nhà văn, nhà thơ Trần Thị Thắng sinh năm 1948, quê ở Hưng Yên, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bắt đầu sáng tác từ năm 1973 với truyện ngắn đầu tay “Tiếng gà và cánh diều”, đến nay bà đã có 5 tập thơ và trường ca, 9 tập truyện ngắn, 4 tập truyện dài và 2 tập ký chân dung về các nhà văn, nhà thơ Việt: “Con chữ soi bóng đời”.

Nhà văn, nhà thơ Trần Thị Thắng

Trong làng văn, Trần Thị Thắng dành được tình cảm ưu ái của mọi người, đặc biệt trong đó có Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Nhà văn Thắng bồi hồi nhớ lại khi lăn lộn bám sát tuyến biên giới phía Nam lúc đất nước mới giải phóng để thâm nhập vào cuộc sống của nhân dân, bà bị nghi oan là đi vận động tranh cử vào Ban chấp hành Hội nhà văn. Xuân Diệu và Chế Lan Viên bảo vệ bà nhưng không được, hai người chỉ biết cảm thương đứa em gái nhỏ.

Sau chuyện này 2 năm, nhà văn bảo một nữ nhà lơn lớn, người tung tin đã xin lỗi bà. Một trong những kỷ niệm khác mà tới giờ bà không thể quên, đó là Xuân Diệu dặn bà chỉ được sinh 1 đứa thôi vì theo nhà thơ, sinh nhiều con là không thương chúng. Tới khi, Trần Thị Thắng có bầu đứa con trai thứ 2, Xuân Diệu đã giận, không thèm nói chuyện với bà và cũng không thèm nhìn mặt đứa bé này... Nhân dịp “Tháng không ngày” của Trần Thị Thắng được nhận Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần IV, Thethaovanhoa.vn đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thị Thắng.

* 05 tác giả nhận Giải thưởng văn học sông Mê Kông lần IV chỉ có một tác giả nữ duy nhất, với tác phẩm Tháng không ngày. Điều đó khiến rất nhiều người tò mò?

- Tiền thân của tiểu thuyết Tháng không ngày là truyện ngắn Người đẹp Đông Dương, viết từ năm 1974. Trong truyện này, tôi để nhân vật của mình chết với lý do chửa ngoài dạ con, xác trôi vào tận Cà Mau nhưng người mẹ già lại không hề hay tin dữ này mà vẫn ngày ngày ngóng chờ con.

Còn Tháng không ngày thì mãi đến năm 1998 mới được in tại NXB Quân đội nhân dân. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời bác sĩ Hà, nguyên nhân của câu chuyện thật trớ trêu là do vẻ đẹp của nhân vật. Trong một trận càn, bác sĩ Hà bị bắt và bị tên trung sĩ Simon nhốt lại, ép làm vợ. Nhưng cô đã không chịu, sau này Mặt trận dân tộc giải phóng đã đem tiền chuộc bác sĩ Hà về.

Những tưởng từ đây, nhân vật thoát khỏi cảnh ngục tù nhưng không, cô lại rơi vào sự ghẻ lạnh của mọi người. Trước kia, cô được bao nhiêu người cưng nựng, yêu chiều là thế, nay lại bị xa lánh vì họ cho rằng, cô đã mang một vết nhơ. Lúc này, trong đầu nhân vật giằng xé nhiều suy nghĩ, có lúc cô đã nghĩ: Biết thế mình ở lại làm vợ tên trung sĩ có khi lại tốt hơn. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt trên các mặt trận Đông Dương, cô được điều đi Quảng Trị... Tôi cho rằng thời điểm năm 1998, dám in Tháng không ngày là một sự dũng cảm, vì tôi thực sự “rất thật” trong tác phẩm này.

* Cụm từ “rất thật” muốn ám chỉ điều gì,  thưa bà?

- Không chỉ riêng tôi mà các nhà văn Việt được giải lần này đều là những người từng nếm trải sự ác liệt của chiến tranh, bản thân tôi từng là phóng viên mặt trận. Cái “thật” mà tôi muốn nói là nhân vật thực, sự ác liệt của chiến tranh là thực... Thực ra, nhân vật Hà chính là bác sĩ Xuân, người đã chăm sóc tôi và chị Hà Phương tại bệnh viện R. Chị Xuân đẹp nổi tiếng cả chiến trường Đông Dương. Khi tôi bị ho, chị Xuân còn gửi người ta đi mua xí muội giúp tôi. Xung quanh chị, lúc nào cũng nhiều người vây quanh. Trên các nẻo đường tôi và đồng đội từng đi qua, đâu đâu người ta cũng bàn tán vẻ đẹp của chị. Nhưng từ khi dính vết ố bị giặc bắt, cưỡng hiếp, chị mang mặc cảm và tâm can luôn bị giày vò.

Sáng, mở mắt ra được mới biết mình còn sống. Cuộc sống trong chiến tranh thật ly kỳ. Dù tác phẩm “Tháng không ngày” của tôi có hấp dẫn độc giả như thế nào thì tôi vẫn chỉ là một thư ký tồi” - Nhà văn Trần Thị Thắng.

Trong tác phẩm của tôi, nhân vật Hà chưa đủ nói lên tất cả. Có anh Khanh, người lính bị thất lạc rồi lấy vợ sinh con với người con gái Lào, nhưng cũng phải ra đi khi chiến trường cần. Có cô Mai, sau khi bị nạn, được một người con trai Lào cứu đã tình nguyện lập gia đình sinh sống tại đây, dù người yêu cũ có tìm tới. Cô Mai cũng là người cảm hóa chồng từ bỏ tổ chức Pôn Pốt...

Chiến tranh ác liệt lắm, trực thăng trên đầu như chuồn chuồn ấy. Sáng mở mắt ra, mới biết mình còn sống. Người ta không biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy và 81 ngày đêm ở chiến trường Quảng Trị được ông bác sĩ - thầy của cô Hà đánh dấu bằng từng vết khắc nói lên điều đó. Mỗi ngày qua đi, còn sống sót, người ta cảm thấy là sự may mắn và không ai biết (dám) tính ngày tháng. Đó là những “Tháng không ngày”. Qua đây, tình thầy trò, tình cảm giữa con người với con người hiện lên thật đáng quí. Tôi đánh giá cao vấn đề này.

* Phải chăng “tình người trong chiến tranh” là mục đích của tác phẩm?

- Vấn đề mà tôi đặt ra trong tác phẩm là nên trả nhân vật, những người đã phục vụ trong cuộc chiến về đúng với tên, thân phận của họ, dù có lúc họ bị văng ra ngoài cuộc chiến. Tôi muốn nói, một điều thôi: Đi ra khỏi cuộc chiến, sống được là một điều kì diệu. Thực ra cuộc sống đã là cả một sự ly kỳ. Trong tác phẩm tôi có nói: “Tôi chỉ là một thư ký tồi”, nghĩa là cuộc sống trong chiến tranh còn ác liệt hơn những gì hiện lên trong tác phẩm của tôi, nhân vật của tôi còn đẹp hơn thế nữa... Cuộc chiến dù có nhiều khó khăn nhưng thành công và hạnh phúc lại trở về.

Viết về chiến tranh hay bất cứ một điều gì khác, tôi chỉ là người ghi chép, chắp nối mọi sự việc một cách logic hơn thôi. Có người đã từng hỏi tôi về quan điểm sáng tác, tôi chỉ cười và có lẽ quan điểm của tôi là “viết thật về cuộc sống thật”.

* Cái kết của “Tháng không ngày khác với “Người đẹp Đông Dương”, tại sao vậy?

- Phải nhớ, “Người đẹp Đông Dương” viết năm 1974 và “Tháng không ngày” được sửa và in năm 1998. 24 năm, tôi phải khác để phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ chứ. Trong “Tháng không ngày”, tôi để bác sĩ Hà lấy anh Tâm, người rất yêu cô Hà, cũng là người cứu cô khỏi tay giặc. Trước kia, anh Tâm mặc cảm không dám ngỏ lời yêu một vị bác sĩ xinh đẹp. Giờ, cô Hà lại mặc cảm vì thấy mình không xứng đáng với người tốt bụng, đẹp trai... như anh Tâm. Nhưng cuối cùng, khi hòa bình tôi đã để họ về Hà Nội lấy nhau.

Về nhân vật Hà ngoài đời, tôi sẽ không nói gì làm ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại của chị Xuân nhưng tôi muốn những người bước ra từ cuộc chiến, họ đã chịu nhiều đau khổ và mất mát thì nên để họ được hưởng “cái kết có hậu”, dù ngoài đời có thế nào…

* Như thế thì bà  chưa dám “thật” như quan điểm của mình?

- (Thở dài) Chồng của chị Xuân là một người đàn ông rất xấu xí, to, cao và đen. Anh thường là người ăn sau cùng vì khi đó sẽ có cơm thừa. Khi mọi người đàn ông xa lánh chị Xuân thì chỉ còn mình anh theo đuổi. Chị Xuân đẹp tới mức mà người vợ của tên trung sĩ phải thốt lên “chồng tôi yêu cô là phải”. Chấp nhận người đàn ông ấy là chị Xuân đã không còn lựa chọn nào khác. Khi đám cưới, chị Xuân cũng không dám mời tôi. Chị viết cho tôi một bức thư với tâm trạng rất buồn. Bây giờ chị và anh vẫn bên nhau, có con cái, có tài sản,... nhưng chưa có tình yêu... Như thế, thì làm sao tôi nỡ đưa vào tác phẩm.

* Dù sao, tác phẩm cũng rất thành công, bà  đã muốn dừng lại chưa?

- Gần 40 năm làm báo, sáng tác, tôi chưa bao giờ biết mệt mỏi. Từ tác phẩm đầu tay đến những tác phẩm còn đang viết dở, tôi chưa bao giờ thỏa mãn. Điều này luôn thôi thúc tôi viết và viết nữa. Hiện tại, tôi đang viết tiểu thuyết Kỷ nguyên Nguyễn Trãi và dự định hết năm 2012, sẽ tái bản sửa chữa Tháng không ngày.

* Xin trân trọng cảm ơn và chúc nhà văn sức khỏe dồi dào!

Hồng Thúy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm