13/05/2012 10:07 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ít ai ngờ người Ấn Độ hiện sở hữu tới 40 triệu khẩu súng, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ. Mức thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu cần “khoe mẽ” là những lý do khiến người dân nước này càng ngày càng chuộng súng đạn hơn, bất chấp việc kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ.
Vikramjit Singh đứng trong bãi đậu xe của một CLB sang trọng ở Chandigarh, bang Punjab ở Tây Ấn Độ, để thảo luận về đề tài ưa thích của anh: súng. Anh đã có trong tay 10 khẩu súng hoặc hơn thế, nhưng vẫn chưa chán món đồ chơi có khả năng giết người này.
Đứng thứ 2 thế giới về sở hữu súng cá nhân
Ngoài niềm đam mê súng đạn, Singh còn có những lý do riêng tư khác. Chàng sinh viên 25 tuổi vẫn còn nhớ như in việc ông nội của mình bị bắn chết tại quê nhà ở Punjab, sau một cuộc tranh cãi với họ hàng. Sự kiện còn khiến cha anh phải vào tù vì giết người trả đũa.
Một lão nông ở bang Punjab, Ấn Độ, cũng mang theo súng dù chỉ ra đồng làm việc
Ấn Độ, mảnh đất quê hương của Mohandas Gandhi, vốn nổi tiếng với niềm tin Hindu giáo về sự thánh thiện của con người và cuộc sống. Nhưng ở đây, người ta cũng không lạ lẫm gì với súng đạn. Thu nhập tăng lên khiến các vũ khí đắt tiền trở thành một dạng đồ trang sức. Tình trạng tội phạm tăng lên và ký ức kinh hoàng từ sau vụ khủng bố Mumbai hồi năm 2008 cũng khiến người Ấn Độ muốn trang bị súng đạn cho mình nhiều hơn.
Theo thống kê của tổ chức gunpolicy.org, bất chấp việc chính quyền kiểm soát vũ khí rất chặt, người Ấn Độ vẫn sở hữu 40 triệu khẩu súng, mức cao thứ 2 trên thế giới. Tỉ lệ này có nghĩa cứ 100 người Ấn Độ lại sở hữu 3 khẩu súng. Trong số này, có 85% chưa được đăng ký.
Quản lý chặt, nhưng chưa hiệu quả
Năm 2010, Hiệp hội đấu tranh vì quyền sở hữu súng ở Ấn Độ được thành lập và giờ đã tăng lên số lượng thành viên lên 3.500 người. Tổ chức này vận động Chính phủ nới lỏng quy định sở hữu súng.
Thậm chí, Rakshit Sharma, Tổng thư ký của Hiệp hội còn nói rằng vụ khủng bố Mumbai hồi năm 2008 sẽ không gây ra thiệt hại lớn như thế về sinh mạng, nếu như các vị khách tới nghỉ ở khách sạn Taj Mahal có mang theo súng.
Nhưng ý kiến này vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người chống súng đạn. "Có phải chúng ta đang không quan tâm tới sự tăng lên của bạo lực do súng đạn ở Ấn Độ? Quan điểm cho rằng một người cần súng để cảm thấy an toàn là rất sai lầm - nhà hoạt động Binalakshmi Nepram, Tổng thư ký Quỹ Kiểm soát súng đạn ở Ấn Độ nói.
Tại Ấn Độ, báo chí thi thoảng giật ra trang nhất các vụ bắn chết người, chủ yếu liên quan tới những tranh cãi nhỏ lẻ. Đó là một người thu phí cầu đường bị bắn chết bởi một khẩu súng tự tạo chỉ vì tranh cãi tiền phí; một thanh niên 22 tuổi bị bắn chết sau khi tè bậy; một thanh niên 20 tuổi khác thiệt mạng vì bị bắn do tranh cãi lúc xếp hàng mua nước từ xe tải.
Ngày 28/1 năm nay, 5 người cũng bị bắn chết do bạo lực liên quan tới bầu cử ở bang Manipur.
Theo Cục dữ liệu tội phạm quốc gia, Ấn Độ ghi nhận 80.000 trường hợp vi phạm Luật quản lý vũ khí trong năm 2009, liên quan tới việc sở hữu súng, sản xuất và vận chuyển súng trái phép. Con số này đã tăng 8% so với năm 2007. Nhưng dù có sự tăng lên, phần lớn các vụ giết người ở đây vẫn do dao, mã tấu và các vũ khí thô sơ khác gây ra. Súng đạn chiếm khoảng 14% số vụ giết chóc.
Trong nỗ lực giảm bớt các vụ phạm tội do súng gây ra, chính quyền New Delhi gần đây đã siết chặt thêm những quy định cấp phép sử dụng súng. Theo đó, một người muốn dùng súng phải được cảnh sát kiểm tra lý lịch, họ sẽ chỉ được mua một số lượng đạn hạn chế và phải chứng minh rằng tính mạng của mình đang bị đe dọa. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc này chỉ làm khó những công dân tôn trọng luật và khuyến khích tình trạng sử dụng súng trái phép.
Khi súng đạn trở thành biểu tượng đẳng cấp
“Quan điểm cho rằng một người cần súng để cảm thấy an toàn là rất sai lầm” (Phát biểu của Binalakshmi Nepram, Tổng thư ký Quỹ Kiểm soát súng đạn ở Ấn Độ).
Đi cùng với vấn nạn sử dụng súng trái phép là một thị trường sản xuất, buôn bán súng trái luật. Một tay buôn súng đã hoạt động suốt 15 năm qua ở Meerut, bang Uttar Pradesh, tự giới thiệu bản thân là Atul, nói rằng sản xuất súng tự chế là nghề dễ kiếm tiền.
"Chúng tôi mua một số thanh thép tôi carbon. Chỉ mất từ 3-4 ngày để làm ra một khẩu súng" - anh nói. Giá của những khẩu súng tự chế "bắn một phát này" thường tương đối rẻ, dao động trong khoảng 20 USD hoặc lớn hơn một chút.
Bên cạnh súng tự chế, các loại súng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp cũng được tiêu thụ mạnh. Truyền thống tồn tại lâu nay tại các gia đình ở nhiều vùng đất nông thôn Ấn Độ, trong đó người cha truyền lại khẩu súng săn cũ kỹ cho các con sau nhiều năm huấn luyện, đào tạo sử dụng, đã thay đổi hoàn toàn. Thanh niên thế hệ mới, nhất là con nhà giàu, với tính thích khoe khoang, thường sẵn sàng bỏ ra tới cả chục ngàn đô la để mang về những khẩu súng lục đẹp mắt nhằm thể hiện đẳng cấp.
Các vũ khí thuộc loại này gồm khẩu súng lục Tokarev bắn đạn 7,62mm do Nga sản xuất, có giá chừng 12.000 USD và phiên bản nhái do Trung Quốc sản xuất với giá rẻ hơn. Ngoài ra, thanh niên cũng chuộng những khẩu súng Colt.45 của Mỹ, có giá dao động từ 6.000 - 8.000 USD, bên cạnh một số khẩu súng do Italia sản xuất. Súng do nội địa Ấn Độ làm ra không được ưa chuộng lắm và bị xem là hàng chất lượng thấp, không đáng tin cậy.
Khi người ta coi súng đạn là “đồ chơi” thời thượng, là cái thể hiện đẳng cấp, thì có nghĩa là mạng sống của những người khác, và cả của chính bản thân họ nữa, một ngày nào đó cũng có thể bị biến thành “trò chơi” cho những kẻ có dã tâm.
Tường Linh (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất