'Trạm yêu thương': Nữ sinh cao 1m10 nuôi ước mơ trở thành cô giáo

17/06/2022 11:42 GMT+7 | Giải trí

Câu chuyện về nghị lực sống của cô gái 9X Phạm Thị Thu Thủy sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả Trạm yêu thương.

'Trạm yêu thương': Cậu bé Bắc Ninh viết ước mơ bằng đôi chân

'Trạm yêu thương': Cậu bé Bắc Ninh viết ước mơ bằng đôi chân

Dù không có đôi tay, cậu bé Nguyễn Đông Khải (sinh năm 2014, Bắc Ninh) vẫn có thể viết, vẽ tranh và làm bất cứ việc gì mà một em nhỏ có thể làm được.

Không có một đôi chân lành lặn, phải di chuyển bằng đầu gối nhưng Phạm Thị Thu Thủy, sinh viên năm cuối Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM luôn duy trì lối sống tích cực.

Mặc dù bị bỏ rơi ngay từ khi chào đời nhưng Thủy chưa bao giờ oán hận người đã sinh ra mình và luôn nuôi hy vọng tìm bố mẹ. Câu chuyện cảm động đó được Thu Thủy kể lại trong Trạm yêu thương chủ đề "Đường về nhà" lúc 10h thứ Bảy ngày 18/6 trên kênh VTV1.

Trạm yêu thương, Trạm yêu thương VTV1, Trạm yêu thương Đường về nhà, Phạm Thị Thu Thủy
Cô gái 9X Phạm Thị Thu Thủy - khách mời của "Trạm yêu thương"

Xuất hiện trong chương trình Trạm yêu thương với nụ cười luôn nở trên môi, Thu Thủy (sinh năm 1997) thể hiện ca khúc Sống như những đóa hoa bằng ngôn ngữ ký hiệu. Không phải Thủy bị câm điếc bẩm sinh, cô gái cao 1m10 này học ngôn ngữ ký hiệu vì một ước mơ hết sức nhân văn: trở thành giáo viên dạy trẻ em khuyết tật. 

Kể về hoàn cảnh của mình, đôi mắt Thủy nhòe đi nhưng giọng nói thì đầy hào hứng: "Em không biết cha mẹ mình là ai vì… em bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ ngay từ lúc chào đời. Thế nhưng chưa bao giờ em thôi hy vọng được gặp lại họ". Với Thủy, bố mẹ chính là nguồn động lực lớn lao để em có được năng lượng tích cực. 

Trạm yêu thương, Trạm yêu thương VTV1, Trạm yêu thương Đường về nhà, Phạm Thị Thu Thủy

Lạc quan là thế nhưng hành trình lớn lên của Thủy là những chuỗi ngày khó khăn và thiếu thốn tình yêu thương. Bị khuyết tật vận động, với đôi chân co quắp từ đầu gối đến bàn chân, Thủy kể lúc mới tập đi thật khủng khiếp: "Nếu như các bạn tập đi bằng chân, thì mình đi bằng đầu gối".

Nhưng nỗi đau bằng thể xác không thể sánh nổi nỗi đau tinh thần khi Thủy nhận ra mình khác biệt với bạn bè cùng trang lứa những năm học cấp 1.

Từ cấp 2 trở đi, Thủy được sống và học tập cùng các bạn có hoàn cảnh giống mình. Từ đó, cuộc sống của em như bước sang một trang mới, ngôi trường này giúp em tự tin hơn và nỗ lực phấn đấu cho tương lai. Đặc biệt hơn khi em được sống trong sự quan tâm, yêu thương của bạn bè, thầy cô. 

“Em luôn khát khao đi học để mang kiến thức và năng lượng tích cực đến cho những bạn khiếm khuyết giống mình” - nghĩ là làm, Thủy học ngày học đêm để thi vào Đại học.

Đến nay, cô gái sinh năm 1997 là sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm TP.HCM và là giáo viên thực tập chuyên khiếm thính tại một Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật ở Bình Dương.

Trạm yêu thương, Trạm yêu thương VTV1, Trạm yêu thương Đường về nhà, Phạm Thị Thu Thủy

Thủy kể những ngày tháng hiện tại, em vô cùng hạnh phúc vì đã chạm tay đến ước mơ trở thành giáo viên, giúp các em nhỏ học tập, ăn uống, sinh hoạt và truyền đi tinh thần lạc quan, yêu đời và vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Khi hỏi về ước mơ của bản thân, Thủy cho biết khát khao lớn nhất của em là tìm thấy ba mẹ, được sống chung với họ trong một mái nhà, được yêu thương, chăm sóc và san sẻ với họ những niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống.

Còn hiện tại, Thủy đang nỗ lực hết mình qua việc lan tỏa sự tích cực đến những học sinh khuyết tật và trong tương lai em ước mơ sẽ trở thành phiên dịch viên chuyên ngành ngôn ngữ ký hiệu. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào giúp Thủy san sẻ bớt gánh nặng về kinh tế và tiếp thêm sức mạnh cho Thủy viết tiếp ước mơ lâu dài của mình.

Tiểu Phong. Ảnh: VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm