Trăm năm “Vườn Bùi chốn cũ”

03/02/2009 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từng đọc chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến (15/2/1835 – 15/2/1909), tôi cứ ngỡ cảnh sắc ấy chắc chỉ có trong tưởng tượng. Nhưng trong những ngày đầu xuân năm nay nhân dịp sắp tròn 100 năm ngày mất của Nguyễn Khuyến, về thăm ngôi nhà của cụ mà nay đã trở thành Di tích lịch sử văn hoá quốc gia ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, mới hay dù trăm năm đã trôi qua, cái Vườn Bùi chốn cũ vẫn giữ được cái vẻ đẹp hương đồng cỏ nội, bình yên trong nét thâm nghiêm của mái từ đường.

Về đôi lưỡng long chầu nguyệt nằm… dưới đất

Cả khu vườn yên ắng, hơi xuân sáng mai vẫn còn đọng trên cành lá, tiếng chim hót lảnh lót, rồi một ông già tóc điểm bạc thong thả bước ra đón khách. Đó là ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến. Ông Tùng đã nguyện gắn cả đời mình với mảnh đất hương hoả của cha ông, coi sóc, gìn giữ nơi đã thành niềm cảm hứng cho Tam Nguyên Yên Đổ làm nên chùm thơ thu bất hủ.
 
Ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến
 
“Vườn Bùi chốn cũ/ Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”, Nguyễn Khuyến đã viết như vậy vào năm 1884 khi sắp bước sang tuổi “tri thiên mệnh”, cáo bệnh, không nhận chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên.

Cổng vào nhà Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên ba chữ Nho “Môn Tử Môn”. Ông Tùng thuyết minh cho tôi: “ Môn Tử Môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.

 Chân dung Nguyễn Khuyến
Vào cửa “Môn Tử Môn”, trước mặt tôi là ngôi từ đường được xây theo phong cách kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn có nét “phá cách” đầy thâm ý của bậc túc nho. Ông Nguyễn Thanh Tùng cười bảo: “Cách xây ngôi nhà này: ngoài là đại tế, trong là hậu cung. Chỉ những người được được sắc phong thần thì mới được xây như thế này. Nhà cụ có lưỡng long chầu nguyệt, có 9 bậc. Thường thì người ta để hình lưỡng long chầu nguyệt ở trên nóc nhà, nhưng riêng cụ lại để dưới đất. Cụ giải thích với giới chức sắc là làm như vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây, nhưng thực ra thì “thâm ý” của cụ là vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu mà (rồng) chỉ chầu đằng trước nhà mà thôi”.

Trước cửa từ đường, rợp bóng hai cây nhãn cổ thụ. Hai cây nhãn này thuộc giống nhãn ngon, dùng để tiến vua, được thụ lộc vua ban nên Nguyễn Khuyến đã tự tay trồng ở vị trí rất trang nghiêm. Đi sâu vào từ đường, tôi bắt gặp những nghiên bút, sắc phong, câu đối gợi lên những lấp lánh khoa bảng một thời. Đó là tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ. Hậu cung vẫn còn lưu bộ triều phục Nguyễn Khuyến mặc khi làm quan đương triều. Có bức tượng tạc hình Tam Nguyên Yên Đổ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh…
 
Chuyện chưa kể về bố trí phong thủy của Nguyễn Khuyến

Bước ra khỏi ngôi từ đường, trước mặt tôi là “ngõ trúc quanh co” và “ao thu lạnh lẽo, nước trong veo”. Cái ao đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng, nước trong leo lẻo, trái chín vàng ruộm bên bờ rụng xuống, làm tan vỡ cả một mảnh mây trời. “Nhân vật” chính trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến cũng trải qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử.
 
Từ đường nhà thi hào Nguyễn Khuyến

Trước đây, ao rộng mênh mông, chạy đến tận mép con mương bao quanh làng. Ấy vậy nên Nguyễn Khuyễn đã viết: “Trước ngõ hơn chừng một mẫu ao; Cá không phải thả vẫn dồi dào”. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, hợp tác xã trưng dụng mẫu ao này, rồi kè bờ, đắp mảng, chia nhỏ thành dăm ba miếng. Hơn chục năm lại đây, từ khi từ đường Nguyễn Khuyến được nhà nước xếp bằng Di tích lịch sử Quốc gia, chiếc ao không còn rộng như xưa nữa, chỉ còn 6 sào, nhưng được be bờ vuông vắn.

Cái ao nằm trong tính toán phong thủy của Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến mệnh Hoả nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà Nho. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết nhiều chuyên gia phong thuỷ đến đây tham quan, đã phải lắc đầu thán phục tài phong thủy của thi hào Nguyễn Khuyến.
 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Giờ đây, bên cạnh ao, lặng lẽ hiện lên chiếc chiếc bia hình bát giác khắc bài thơ Thu Điếu bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh. Các nhà kiến trúc Thuỵ Điển vượt qua những rào cản ngôn ngữ, đã yêu bài thơ đến mức thiết kế nhà 8 mái để làm sao từ “10 đến 12 giờ ánh nắng phải soi chiếu toàn bộ bài thơ thì mới xứng”.

Ông Tùng miết tay lên những dòng thơ khắc trên bia đá, tấm tắc: “Các thi nhân xưa bảo một bài thơ mà có bốn vần “eo” thì chẳng khác nào đi vào “cửa tử”, bài Thu điếu của cụ có những 8 vần “eo” mà lưu danh thiên cổ”. 
***
Buổi sáng mùa xuân này, cả khu vườn Bùi tươi mới những mầm xanh, tôi thấy một nhóm học sinh cùng thầy cô giáo dạy văn đã đến đây để tận thấy cái ao thu và khu vườn đã tạo cảm hứng cho thi nhân viết nên những bài thơ bất hủ đã được đưa vào SGK... Tôi bỗng thấy trên cái mặt ao đã trở nên cổ điển này, phảng phất hình ảnh một ông lão tiên phong đạo cốt đang “tựa gối ôm cần”…

 
Thiên Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm