“Trảm” mũ bảo hiểm rởm: Cần xử mạnh cơ sở sản xuất!

25/02/2012 10:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Dự thảo thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe gắn máy đang được các bộ, ngành liên quan đưa ra lấy ý kiến nhằm hướng đến việc tăng cường quản lý, giảm thiểu tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH rởm tràn lan.

Quy định này liệu có mang lại hiệu quả khi thị trường mũ bảo hiểm đang bát nháo và mất kiểm soát như hiện nay?



MBH rởm được bày bán tràn lan, công khai trên nhiều tuyến đường (ảnh chụp tại phố Khâm Thiên)

Nghìn lẻ... mũ bảo hiểm

Các loại mũ bảo hiểm không có tem kiểm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan, công khai trên nhiều tuyến đường Hà Nội. Không chỉ đa dạng về mẫu mã, kích thước mà những loại MBH này cũng có giá rất “bèo” từ 25 nghìn đến 50 nghìn/chiếc.

Dọc tuyến đường Láng- Hà Nội, chỉ chưa đầy 500m nhưng đã có đến hàng chục quán kinh doanh MBH “made in vỉa hè”. Các loại mũ này được bày la liệt trên nền đất, dưới gốc cây thậm chí là xếp lộn xộn trong các thúng, mẹt. Khi được hỏi về xuất xứ và mức độ an toàn của mặt hàng này, một người bán hàng tên Vân ấp úng: “Tiền nào thì của đấy, ai có nhu cầu thì chúng tôi bán”. Hầu hết các loại MBH của “cửa hàng” chị Vân được nhập từ các cơ sở gia công thuộc khu vực Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) và Bắc Ninh.

Trải dài các phố như Mai Dịch, Khâm Thiên, Đường Bưởi... các cửa hàng bán mũ bảo hiểm “rởm” cũng nhiều “không đếm xuể”. Để lưu động, nhiều người bán hàng còn tận dụng xe đạp, xe máy thậm chí là cả ô tô làm mặt tiền kinh doanh. Anh Trung (bán MBH “vỉa hè” tại phố Mai Dịch) cho biết, trung bình một ngày anh bán được từ 30 đến 50 chiếc, vào mùa Hè, cao điểm có thể tiêu thụ trên 70 chiếc.

Theo anh Trung sở dĩ MBH “made in vỉa hè” được nhiều người lựa chọn bởi nó nhẹ, hợp thời trang và đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng: “Đàn ông thì có MBH lưỡi trai khỏe khoắn, chị em phụ nữ thì có các loại mũ bọc vải, dạ đính hoa, nơ trông vừa đẹp mắt lại sành điệu... Thêm nữa, giá cả lại phải chăng nên có thể mua hàng tá để đổi mốt!”

Hầu hết, các loại MBH vỉa hè được sản xuất từ nhựa tái chế và không qua các khâu kiểm tra chất lượng nên rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Quản lý chặt khâu sản xuất

Sự bát nháo, tràn ngập của mũ bảo hiểm rởm như hiện nay khiến cho nhiều người lo ngại về tính khả thi của dự thảo. Bác Nguyễn Hải Minh (53 tuổi, Cầu Giấy – Hà Nội) cho rằng: “Đã gọi là mũ bảo hiểm thì phải an toàn, bảo đảm tính mạng cho người sử dụng. Thế nên, tôi rất tán thành với việc xử phạt mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên quan trọng là phải phát hiện và “dẹp” tận gốc các cơ sở sản xuất mũ rởm.”

Trước thông tin sẽ bị xử phạt từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng nếu sử dụng mũ bảo hiểm không đúng tiêu chuẩn, nhiều người tham gia giao thông tỏ ra lo ngại. Anh Nguyễn Tiến Hiệp (Mỹ Đình, Từ Liêm, HN) băn khoăn: “Thị trường mũ bảo hiểm bát nháo. Chúng tôi làm sao phân biệt được đâu là tem CR thật đâu là tem CR giả?”.

Trao đổi với chúng tôi, PGS-TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT) cho rằng: “Phải nói dự thảo lần này là rất cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên vấn đề ở chỗ là việc thực thi, vì trước đây cũng đã quy định về đội mũ và chất lượng mũ nhưng hiện mũ bảo hiểm “rởm” vẫn bán tràn lan khắp nơi. Nếu một người đội mũ có dán tem nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn thì sao biết và kiểm soát được?

Quan trọng nhất là phải xử phạt mà xử thật nặng những cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kể cả những người bán rong cũng phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc sản xuất chất lượng sản phẩm”.

Về thẩm quyền xử phạt mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, PGS-TS Thụ nhấn mạnh: “Theo quy định hiện hành CSGT thực hiện chức năng phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông và xử phạt các trường hợp vi phạm, trong đó có việc không đội MBH hoặc có đội nhưng không đúng quy cách. Về việc phát hiện mũ bảo hiểm rởm, hay việc để ý có dán tem thật trên mũ hay không là điều rất khó. Chính vì thế, cần phải có sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này. Quan trọng nhất trước tiên là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ tính mạng mình, mặt khác là việc quản lý, xử phạt chấn chỉnh việc các cơ sở sản xuất, bán các loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng”.

Về tính khả thi của dự thảo theo ông Thụ cần có sự kết hợp liên ngành giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Công An và Bộ Giao thông vận tải.

Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của các Bộ liên quan. Theo dự thảo, MBH đạt chuẩn phải được dán tem CR theo đúng quy chuẩn Việt Nam 2. Ngoài ra, MBH phải có hình dáng theo quy chuẩn hàng hóa đã được Bộ Khoa học và Công nghệ quy định và phải đủ 3 lớp: lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp và lớp mút hấp thụ xung động, quai đeo… Dự thảo cũng đưa ra những quy định về việc xử phạt đối với các cá nhân, đơn vị bày bán MBH không có giấy chứng nhận hợp chuẩn, không dán tem CR. Ngoài ra, các cá nhân kinh doanh mặt hàng này phải ký các hợp đồng cung cấp với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu MBH đã được cấp phép.


Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm