17/08/2008 07:10 GMT+7 | Entry của bạn
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Quán cóc hiện diện ở Hà Nội như một nét riêng, đến bây giờ vẫn nhiều người không quên được, và nhiều hơn thế nhớ quay quắt cái liêu xiêu của quán cóc. Dù đời sống nay khác nhiều, nhưng thật lạ, chẳng ai thấy bất tiện vì một quán cóc nhỏ nơi góc phố, cũng chẳng ai thấy mỹ quan nơi này bị ảnh hưởng bởi bà cụ với cái làn cùng ấm trà và vài cái gì đó giống những chiếc ghế nhỏ kia.
Chả biết từ bảo giờ, những quán cóc vỉa hè Hà Nội được lớp trẻ gọi bằng cái tên quán trà đá, cho dù cái quán nhỏ ấy có bán cả những chai coca phong cách tuổi teen hay tách trà bát bảo cổ truyền. Chỉ chiếc bàn nhỏ kê sát tường trên vỉa hè, đôi khi chẳng có chân mà chỉ kê trên vài viên gạch, vài phích nước sôi,phích đá, mấy chai nước lọc, tích trà ủ sẵn. Hộp thuốc lá , mấy chai nước ngọt và có cả chiếc điếu cày, dăm chiếc cốc nhỏ, vài chiếc ghế gỗ, nhựa hay chỉ là những tấm xốp buộc với nhau thế là có một quán trà đá. Đôi khi quán trà đá chỉ gói gọn trong chiếc làn nhựa trên tay những cô, những chị xách trong công viên mời mọc những đôi lứa đang hôn nhau say đắm cần một ngụm nước để làm giảm bớt cái khô cháy đầu môi, những cụ ông cụ bà tập dưỡng sinh, những bác bụng phệ chạy giảm béo và cả những cậu sinh viên ngồi ôn bài, tán chuyện bên hồ….
Chẳng có ai rủ nhau ra quán trà đá một mình, trà tam nhưng trà đá thì chỉ cần 2 người trở lên, chẳng cần nguyên tắc nào cả, bàn công việc, tranh cãi về vấn đề gì đó, ngồi ngắm đường phố, ngắm hồ, và phần nhiều là ngồi tán phét, hóng chuyện. Người ta có thể nghe ở hàng trà đá những chuyện “ly kỳ ngoài chính sử” chẳng đáng tin nhưng tính giải trí có khi còn hơn cả gala cười! Từ chuyện vùng vịnh, chuyện giá dầu, chuyện khủng bố, tới chuyện mũ bảo hiểm, chuyện cúm gà, tiêu chảy. Từ chuyện của cách anh tiến sỹ, những cậu sinh viên, chuyện đề án, chuyện đề tài tới chuyện của mấy bác xích lô, mấy ả cave…..
Người ta thích trà đá còn vì nó tiện, vì trà đá không câu nệ, không khách sáo, quán café còn chọn khách, café cho sinh viên, cà phê ôm cho mấy bác lao động ngoại tỉnh, cafe chứng khoán cho những nhà đầu tư, café sang trọng cho cách quý tộc lắm tiền. Còn trà đá thì không, chẳng có quán trà đá chứng khoán, không trà đá sinh viên, chẳng ai ôm nhau ở hàng trà đá…Có thể mặc bộ veston vài triệu, cũng có thể quần đùi áo phông bạc màu, dép lê rách. Có thể tấp ôtô sang trọng vào ngồi nếu chỗ rộng, cũng chỉ là xe đạp thồ hay đi bộ trên đôi dép tổ ong ngả vàng vì vôi vữa. Chẳng ai bắt khách trà đá phải nói khẽ cười duyên, có thể nói với nhau, những câu có thể là tục, có thể cười hô hố, có khi bò lăn bò càng ra để cưòi vì câu chuyện vừa nói với nhau.
Tấp xe, đạp chân chống, hắng giọng: U, cho con mấy cốc trà đá. Chữ U nghe lạ nhưng lại quen, chữ U phát ra từ miệng cậu nhóc hai mươi mấy năm chỉ biết ở Hà Nội. Đặt người lên chiếc ghế tạm bợ, đơn sơ phục vụ cho văn hoá “giải khát ngồi xổm. Trà đá mùa hè, trà nóng mùa đông. Mùa hè trà đá lên ngôi, cũng ấm trà rẻ tiền pha đặc quánh đấy, thêm chút nước lọc, rót trà cho loãng dần ra vừa miệng từng khách vài viên đá cây, chặt nhỏ, bây giờ thì còn có đá sạch, đá pha lê nhưng hiếm lắm trà đá vỉa hè mới dùng loại đá này. Tôi không phải là người hiểu biết về y học phương đông, về thảo mộc, nhưng một ngụm trà đá thực sự làm tan ngay cái nhiệt độ oi ả mùa hè trong cổ họng.
Mùa đông thì cái thi vị của thưởng trà vỉa hè lại lên ngôi, không vì trời rét mướt, gió hồ thổi lồng lộng, co ro, chẳng sao, ấp một chén trà nóng ran vào đôi tay tím tái vì lạnh, thưởng cái hơi nóng lan qua bàn tay, thưởng vị trà qua từng ngụm nhỏ cạnh môi, và khi nào trà nguội đi thì u cũng sẵn sàng rót thêm vào đó chút ít trà nóng mà chẳng tính thêm tiền. Vị thơm, vị đắng dân dã, vị ngọt đọng đầu lưỡi như đê mê trong cái run rẩy đông Hà Nội.
Người Hà Nội luôn đặt tên địa điểm cho những món đặc sản đặc trưng, từ cổ truyền như cốm làng vòng, chả Ước Lễ, xôi Kẻ Gạ, tới hiện đại như Xôi Nguyễn Hữu Huân, sữa chua Lò Đúc, nộm Hàm Long, chân gà nướng Trịnh Hoài Đức….Thì trà đá cũng có những cái tên như vậy. Trà Đá nhà thờ, Trà đá Tràng Tiền, Trà đá Lý Thái Tổ (My Way), Trà đá Hồ Tây (Vườn Hoa Lý Tự Trọng), hay Trà đá Sofitel Plaza…
Muôn nẻo mưu sinh từ chén trà
Có những quán trà đá nổi tiếng đến nỗi thành nơi thưởng thức văn hoá trà như Lư trà quán, từ một quán trà nhỏ của ông cụ Lư ở Thanh Xuân có hẳn một tên miền riêng, hẳn một danh mục trà riêng cho những ngày trong tuần, Con trai ông cụ đã mở cho mình một quán trà với thương hiệu Lư Trà trong một khuôn viên khá rộng ở đường Hoàng Hoa Thám, nơi duy nhất ở Hà Nội mà bạn có thể ngồi chiếu trong một vườn khế rộng rãi, để uống những ấm trà trên những chiếc chõng tre, nhưng lư trà quán đã vượt qua cái văn hoá trà đá vỉa hè Hà Nội để thành một đạo thưởng trà sang trọng hơn.
Cô Đức, bán trà đá ở vườn hoa Lý Tự Trọng đã gần mười năm nay, trước chỉ có cái làn vài vài món đồ, giờ thì cô ngồi cố định một góc sát Hồ Tây, chiều chiều cứ 3 giờ có mặt, tối 23h chồng ra đón về. 10 năm cô ngồi ở đây. Tôi cũng đã bắt đầu ngồi đây được 4 năm, khách đủ loại, những đôi yêu nhau mua quả dừa ra ghế đá ngồi, mấy cụ tập thể dục tranh thủ nhấp cốc trà đá, mấy cậu thanh niên đi nhậu về tranh thủ rẽ qua, vài anh cán bộ phong trào họp xong ra bàn chuyện bên lề….Nhưng vì gần trường phổ thông lại nhìn thẳng ra Hồ Tây nên quán của cô phần đông là học sinh. Học sinh uống trà đá, cắn hướng dương và ngồi bàn chuyện đi chơi… Cũng giống như bao quán cóc vỉa hè khác, những quán nước đơn sơ đặt trên chiếc xảo tre ở đây tinh gọn hết mức có thể, vừa để gọn nhẹ vừa để chạy công an cho nhanh. Nên việc bán hàng đôi khi cứ như bắn du kích, mỗi gốc cây một cái phích, mấy cái cốc sau lưng ghế đá, vài chai nước trong bãi cỏ. Trước đây là công nhân, xí nghiệp giải thể, cô Đức quay nhiều nghề kiếm sống nhưng trụ lại với quán nước này luôn, thu nhập hàng ngày có khi dăm chục, một trăm mà cũng có khi chỉ mươi ngàn…..
Quán nước vỉa hè Lý Thái Tổ hay giới trẻ gọi vui là My Way vì nằm gần CLB My Way. Quán nước này huy động cả một gia đình phục vụ, khách có khi lên tới cả trăm người một lúc,chỉ là quán trà vỉa hè đúng nghĩa nhưng hàng đêm, chủ quán kiếm được cả vài trăm ngàn và cũng chẳng ai đánh thuế những quán trà đá này cả. Quán hàng của chú hàng nước thật đơn giản, chỉ là 1 cái bàn vuông chằn chặn ghép từ các mảnh gỗ ép. Trên đó không có 1 hộp thuốc lá, 1 lọ kẹo lạc, cao su, 1 cái đèn dầu để châm đóm, 1 khay nước bằng nhựa v.v...như những cái bàn được bầy biện tinh tươm ở muôn vàn quán hàng nước vỉa hè khác. Bàn ghế là sản phẩm của buổi chiều lê la chợ hoa quả Long Biên hay Đồng Xuân, những chiếc thùng xốp lật ngược làm bàn, những mảnh xốp buộc chồng lên nhau bọc nilon làm ghế, lúc chưa có khách thì những chiếc ghế gọn nhẹ êm ái này nằm gọn trong bao tải cạnh gốc cây, ghế còn là mảnh đá lát vỉa hè, chiếc ghế băng kê trên hay đầu ghế xốp. 7h30 khách đông dần, tự kiếm cho mình một cái ghế xốp cho tới khi muốn ngồi ghế đá hoặc ghế gỗ thì chú bán hàng làm cách nào đó lôi ra. 15 người ngồi, ăn mấy đĩa ổi và chả nhớ bao nhiêu cốc trà, cốc nhân trần chỉ 45 nghìn mà thư giãn hơn tỉ lần những nơi sang trọng sáng đèn ngay bên cạnh, toà nhà trắng sáng ODC bên cạnh, của Nhà Hát Lớn, của khách sạn Hilton, của My way của những shop thuộc loại sang trọng nhất nhì thành phố .Đây là nơi tụ tập của rất nhiều thành viên ở các box thuộc diễn đàn trái tim Việt Nam, chủ yếu là thành viên box du lịch, ngồi uống chén trà, cốc nhân trần bàn về những cũng đường của chuyến du lịch bụi thú vị. Một Thành viên đi lần đầu đã viết trên blog của mình: "Tối qua ngồi trà đá ở My Way...vỉa hè. Một cảm giác chưa bao giờ có, thư giãn, thoáng đãng, thích thú, khoái trá....thật nhiều, thật nhiều cảm xúc đan xen.”
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất