'Bóng đá Việt Nam cần một cuộc đại phẫu'

11/09/2015 05:07 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Có nhiều người trong số chính các bạn không làm bóng đá vì tình yêu, mà nói thẳng là... vì tiền”, cựu hậu vệ Dundee F.C và Hà Nội ACB Frank Van Eijs, mở đầu một câu chuyện rất dài với Thể thao & Văn hoá cuối tuần.

“Thật ngạc nhiên khi các bạn chỉ định một HLV Nhật Bản từng du học bóng đá ở Đức về dẫn dắt các ĐTQG, thay vì có thể mời trực tiếp một chuyên gia từ Đức hay Hà Lan có sẵn kinh nghiệm, kiến thức! Những phương thức khác nhau dẫn đến hiệu quả công việc khác nhau”, Frank, người từng có nhiều năm thi đấu tại Bỉ, Scotland, Đức, Trung Quốc và Việt Nam, nói tiếp.

Phải dùng nguồn ngoại lực để kích cầu

* Sự nghiệp cầu thủ, anh từng chơi bóng ở rất nhiều các quốc gia khác nhau, làm đại diện và cung ứng các ngoại binh cho các đội bóng, có bằng HLV của UEFA cấp, Frank, anh có thể nói rõ hơn vai trò của nguồn ngoại lực cho sự phát triển một nền bóng đá còn đang phát triển?

- Tôi sẽ đề cập đến ngay U19 Thái Lan, đội bóng vừa thắng U19 Việt Nam tỷ số 6-0 trong trận chung kết giải đấu trẻ Đông Nam Á.  BHL của U19 Thái Lan có 2-3 trợ lý HLV đến từ châu Âu, để giúp cải thiện những vấn đề về thể lực, chuyên môn.

Thế còn ở Việt Nam? Alfred Riedl, Henrique Calisto hay trước đó là Karl Weigang, từng đến đây, nhưng như tôi biết chưa bao giờ họ được tạo điều kiện làm việc đầy đủ và khoa học như thế, mà theo kiểu làm khoán cá nhân.


Frank Van Eijs nói rất nhiều về những bất cập của bóng đá Việt Nam

 Rồi rất nhiều những cầu thủ ngoại từng đến Việt Nam, nâng cấp và quảng bá giải đấu cho các bạn, đến giờ thì họ bị "đuổi đi", khi V-League chỉ cho phép đăng ký tối đa 2 ngoại binh/đội, còn hạng Nhất không có cầu thủ nước ngoài, chẳng khác giải đấu nghiệp dư là mấy.

* Chúng tôi cũng đang có HLV Miura, một người đến từ Nhật Bản và được đánh giá là có nhiều kiến thức bóng đá. Hãy tiếp tục về nguồn ngoại lực và cá nhân HLV Miura, thưa anh?

- Bạn có cảm thấy xấu hổ với trận thua 1-8 của đội tuyển Việt Nam trước Man City không, trận đấu mà đối phương không có Kompany, Zabaleta, Yaya Toure, Nasri, Aguero..., trong đội hình?! Nếu không xấu hổ và thay đổi, thì 50 năm sau, các bạn sẽ không bao giờ bắt kịp được Thái Lan, chứ đừng nói Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Những nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần phải ngồi xuống và biết lắng nghe hơn, từ ý kiến và sự giúp sức của các chuyên gia đến từ châu Âu. Tôi nói từ châu Âu, chứ không phải từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà HLV Miura là một ví dụ.

Toshiya Miura là một HLV nhỏ ở Nhật Bản, với thứ bóng đá mà chính dân trong nghề coi là khá lạc hậu, kỳ vọng ông có thể thay đổi điều gì đó cho nền bóng đá Việt Nam trong thời gian ngắn là không thể.

Mặc dù vậy, ở một chừng mực nào đó, bạn cũng không thể cứ ngồi đó mà kể xấu các HLV người nước ngoài, ngược lại cần hỗ trợ họ hoàn thành công việc. Muốn cải thiện để tốt hơn, chúng ta phải làm việc cùng nhau, thay vì chỉ lười biếng, suốt ngày đi sao chép.

Đó là sự phá hoại. Bản sao không bao giờ tốt bằng bản gốc. Hãy dùng chính DNA bóng đá của riêng mình, thông qua sự hỗ trợ, giúp sức, để phát triển, bởi không ai hiểu bóng đá Việt Nam hơn chính các bạn.

* Anh đã chơi bóng, sống và làm nghề môi giới ở Việt Nam được 10 năm, với tất cả những gì anh nói ra, nó có thể khiến người khác nghĩ rằng anh mới chính là “kẻ phá hoại”?

- Phải, rất nhiều người sẽ cảm thấy bị xúc phạm và cho rằng những ý kiến của tôi là nhảm nhí, chỉ bởi tôi là người nước ngoài, chẳng hiểu gì về bóng đá xứ sở này?! Nhưng, sẽ chẳng có sự phát triển nào nếu không có sự phản biện. Tôi phản biện bởi đơn giản tôi muốn cùng các bạn cải thiện nền bóng đá tốt lên.

Bóng đá Việt Nam cần một cuộc "đại phẫu", từ tổ chức, quản lý điều hành đến tư duy làm bóng đá, nếu không muốn tiếp tục bị bỏ lại sau lưng, không muốn mãi mãi chỉ chạy sau Thái Lan.

Đừng ngộ nhận và lười biếng

* Không phủ nhận bóng đá Việt Nam đã và đang có dấu hiệu tụt lại. Vậy theo anh, chúng tôi sẽ bắt đầu lại như thế nào để cải thiện?

- Bạn phải cử các HLV đi học, bởi tôi cảm giác rằng, ở Việt Nam, ai cũng có thể là Jose Mourinho, tức là đã biết tất cả rồi. Bạn cũng không thể cứ đặt chỉ tiêu giành HCV SEA Games môn bóng đá, mà không biết chắc mình đang có cái gì trong tay.

Nếu bạn tìm cách thay đổi bằng thái độ chuyên nghiệp, cải thiện chất lượng HLV, cầu thủ, chất lượng mặt sân, dinh dưỡng, đào tạo trẻ, bóng đá học đường..., thành công sẽ tự nhiên đến mà không phải đặt ra mục tiêu cụ thể nào ở sân chơi khu vực.

Hãy nhìn sang Thái Lan, Thai-League dù đã rất phát triển, có các CLB lọt vào sâu AFC Cup thậm chí là AFC Champions League, nhưng họ vẫn không dừng lại, đấy là nhờ yếu tố ham học từ nguồn ngoại lực. Họ thuê các cầu thủ, các HLV hàng đầu, thậm chí cả giám đốc thể thao người nước ngoài để điều hành, nâng cấp đội bóng và giải đấu.

Thái Lan có các SVĐ cực tốt, các khu vực fan-zone thân thiện và đồng phục thi đấu phải là NIKE hoặc Adidas. Họ tiến hành các bước rất chuyên nghiệp, không khác gì châu Âu. Các bạn muốn bằng hoặc vượt họ, thì điều trước nhất cần thay đổi là thái độ.

* Nhưng chúng tôi đã từng có một V-League thuộc hàng hấp dẫn nhất Đông Nam Á, có các ngoại binh hàng đầu và có rất nhiều tiền (từ các ông bầu) đổ vào bóng đá...

- Chính vì các bạn quá tự mãn và trở nên lười biếng, không muốn cố gắng nữa, sau khi đạt được thành công bước đầu. Bóng đá là cuộc chạy tiếp sức. Việt Nam có hơn 90 triệu dân và rất hâm mộ bóng đá, nhưng lại bất lực trong việc thuyết phục họ đến sân.

Tôi lấy ví dụ, mùa giải này SLNA là đội bóng quyết định xác suất xuống hạng, nhưng rồi họ đã làm gì để CĐV quay lưng?!. Cuộc chơi một khi thiếu tính công bằng thì khó thể hấp dẫn cho được. Số lượng người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục đi xuống, bởi những trận đấu như thế.

Thay lời kết

“Hãy nhớ rằng, tôi muốn cùng các bạn cải thiện bóng đá Việt Nam chứ không phải là chuyện nói xấu nhau trên mặt báo. Thực tế là khi bóng đá Việt Nam phát triển, nó cũng sẽ có lợi cho công việc kinh doanh của tôi. Tôi thực sự không muốn mọi người giận dữ, sau những gì mình nói ra, song chắc chắn tôi rất yêu mảnh đất này và rất băn khoăn với nền bóng đá của các bạn.

Mấy ngày qua, tôi thấy khán giả đến sân cổ vũ giải bóng đá phong trào Hà Nội Premier League rất đông, điều mà nhà tổ chức và điều hành V-League thực sự bất lực từ nhiều năm nay. Điều đó có nghĩa rằng, cách tổ chức bóng đá đỉnh cao của các bạn đang rất có vấn đề”.

Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm