TP.HCM cần gì cho SEA Games và xa hơn?

29/04/2025 09:13 GMT+7 | Thể thao

Ngày 26/4 vừa qua TP. HCM khởi công dự án cải tạo, sửa chữa Nhà thi đấu (NTĐ) TDTT Phú Thọ, địa điểm từng tham gia cùng đăng cai tổ chức SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG 3) năm 2009. Đây cũng là công trình thể thao duy nhất trong số 50 công trình/cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TP.HCM trong 50 năm xây dựng, phát triển (1975-2025). Khi NTĐ Phú Thọ được làm mới, cũng là lúc những người làm thể thao TP.HCM tái hồi hy vọng thành phố sẽ đăng cai SEA Games một ngày không xa. Nhưng… bao giờ?

SEA Games gần mà xa

Không tính lần cùng Hà Nội đăng cai SEA Games đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2003 thì TP.HCM đã có ít nhất 2 lần phát thảo phương án đăng cai SEA Games. Đầu tiên là đề án đăng cai đã hoàn thiện để trình lên Bộ VH,TT&DL cho kỳ Đại hội năm 2017 và lần thứ 2 chính là kỳ SEA Games 2021 mà Việt Nam đến chu kỳ làm chủ nhà (sau đó Hà Nội thay thế với cơ sở hạ tầng có sẵn từ năm 2003 cùng sự phối hợp của các địa phương lân cận).

Cả 2 lần TP.HCM muốn đăng cai đều liên quan đến khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Đó là những lần mà khu Rạch Chiếc có những điều chỉnh về quy hoạch so với chủ trương ban đầu (năm 1994) nhằm đưa công trình quan trọng này vào triển khai. Tuy nhiên, lý do cho cả 2 lần phải tạm dừng ý định đăng cai SEA Games cũng chỉ có một: Khu Rạch Chiếc vẫn chỉ nằm trên... giấy! do vướng ở khâu đền bù giải tỏa hoặc không có cơ chế hích hợp để thu hút đầu tư bên ngoài trong khi ngân sách thành phố không đủ.

Hồi cuối năm ngoái, trong cuộc gặp các nhà đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư các công trình văn hóa – thể thao sau khi có Nghị quyết 98 của Quốc hội với nhiều cơ chế ưu đãi dành riêng cho TP.HCM, nguyên Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi rất tâm tư: "Đến giờ này, TP.HCM chưa thể đăng cai SEA Games, chưa được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện của khu vực, châu lục và thế giới, đây là những điều chính quyền thành phố rất băn khoăn".

Rồi 2 tháng sau, ở kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố, thì Giám đốc Sở VH&TT, ông Trần Thế Thuận, phải thừa nhận là "rất khó khăn trong việc triển khai tiếp các dự án thuộc khu Rạch Chiếc" cho dù "đại dự án" này đã chia nhỏ ra 23 dự án thành phần nhằm tạo tăng tính khả thi cho các nhà đầu tư và 16 dự án trong số đó đã được thành phố phê duyệt để kêu gọi.

Trên thực tế, khu Rạch Chiếc sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chỉ còn khoảng 54% so với ban đầu. Ví dụ như "trái tim" của khu là sân vận động từ tham vọng 80.000 chỗ ngồi thì rút xuống 50.000.

Khi "ước mơ SEA Games" ngày càng xa, những người làm thể thao TP.HCM quay quắt đến mức đưa ra ý tưởng "có gì dùng nấy", tức là không cần đến Khu liên hợp thể thao tập trung theo tiêu chuẩn bấy lâu nay của các Đại hội quốc tế mà sẽ tận dụng các công trình có sẵn vốn đa phần nằm trong nội đô với không gian gần nhau, đã có liên kết hạ tầng.

Hơn nữa, các tiêu chuẩn của SEA Games không quá cao, nên chỉ cần nâng cấp cơ sở hiện có là đủ đáp ứng. Nhưng SEA Games tưởng rất gần thì vẫn cứ xa với TP.HCM.

TP.HCM có cần SEA Games?

Mặc dù quy mô và tính chất của SEA Games không còn như trước nhưng đây vẫn là Đại hội thể thao đa môn lớn nhất khu vực. Xét ở bình diện Đông Nam Á, SEA Games chỉ xếp sau ASIAD về tầm quan trọng. Một số quốc gia như Lào, Campuchia hay Brunei cũng chỉ mới 1 lần đăng cai. Các quốc gia đã nhiều lần làm chủ nhà thì có xu hướng sử dụng một thành phố lớn ngoài Thủ đô để đăng cai, qua đó tạo động lực để đầu tư hạ tầng thể thao. Trường hợp Chiang Mai (1995), Korat (2007) của Thái Lan hay Palembang (2011) của Indonesia là điển hình.

TP.HCM cần gì cho SEA Games và xa hơn... - Ảnh 1.

Để có thể tổ chức SEA Games thì TP.HCM cần có những sân vận động hiện đại và quy mô hơn nhiều so với sân Thống Nhất. Ảnh: Minh Hoàng

Nói cách khác, SEA Games không còn được nhìn nhận như một "đặc quyền" tổ chức để thúc đẩy kinh tế - xã hội, mà trở thành một cơ hội đầu tư hạ tầng của các đô thị lớn trong khu vực. Tiêu biểu như Palembang, sau SEA Games 2011 thì thành phố lớn thứ 7 của Indonesia đã "chia lửa" với Jakarta khi quốc gia Vạn đảo nhận đăng cái ASIAD 2018 trong thời gian gấp do tiếp nhận quyền tổ chức từ Việt Nam hồi năm 2017.

Với TP.HCM, SEA Games còn quan trọng hơn. Sau ngày thống nhất đất nước 30/4, công trình hoành tráng nhất mà thể thao thành phố xây dựng đó là NTĐ Phú Thọ. Nhưng đó cũng là công trình thể thao quy mô quốc tế gần nhất được thành phố xây mới, tính đến nay cũng đã 23 năm.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất, cũng như để phục vụ cho việc đăng cai Đại hội thể thao toàn quốc 2026, NTĐ Phú Thọ mới được phê duyệt ngân sách hơn 200 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp. Cũng dịp này, sân vận động Thống Nhất cũng đã được phê duyệt, nhưng do có điều chỉnh một số hạng mục, nên sẽ được khởi công cải tạo sau với kinh phí hơn 150 tỷ đồng.

Nói cách khác, những công trình quan trọng nhất của thành phố đều đã phải tiến hành sửa chữa, nâng cấp lớn, trong khi một loạt công trình nổi tiếng như trường đua Phú Thọ, NTĐ Phan Đình Phùng, sân Hoa Lư, sân Quân Khu 7, nhà thể dục Trần Hưng Đạo đã ngừng hoạt động, cho thấy TP.HCM "khát" công trình đẳng cấp đến thế nào.

Việc đăng cai một sự kiện như SEA Games chính là cơ sở duy nhất, đồng thời là cơ hội quý để thành phố tiến hành xây dựng tập trung một khu thi đấu có tầm nhìn châu Á và thế giới. Có thể nói, đó là cơ hội duy nhất để khu Rạch Chiếc có thể thành hiện thực.

Làm thế nào để TP.HCM đăng cai SEA Games?

Theo chu kỳ thì ít nhất phải 10 năm nữa SEA Games mới quay lại Việt Nam. Đó là một khoảng thời gian đủ để Rạch Chiếc hình thành nếu được triển khai ngay từ bây giờ. Nhưng…

Nhìn từ những thiếu thốn cơ sở vật chất đỉnh cao, các khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư cho hạ tầng thể thao, cũng như việc thành phố duyệt ngân sách để sửa chữa NTĐ Phú Thọ và sân vận động Thống Nhất cho thấy các nhà quản lý thể thao TP.HCM có lẽ phải chuyển đổi chiến lược, thay đổi tầm nhìn và linh hoạt hơn trong các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Câu chuyện bây giờ không phải là tìm cách xây khu liên hợp thể thao để tổ chức SEA Games, mà là phải quyết liệt thực hiện đề án đăng cai SEA Games trong thời gian sớm nhất.

Nếu không có gì thay đổi, TP.HCM sau sáp nhập địa phương sẽ là một "siêu đô thị" và riêng trong lĩnh vực thể thao, cũng là trung tâm số 1 quốc gia. Việc đăng cai SEA Games là điểm nhấn có ý nghĩa quảng bá rất quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Đó là sự kiện có tính then chốt để khẳng đỉnh TP.HCM sẵn sàng trở thành điểm đến cho các sự kiện tầm cỡ của thể thao thế giới. Tổ chức SEA Games vẫn là cách tốt nhất để được công nhận về năng lực tổ chức.


Olympic Paris 2024 là một bài học lớn cho những người làm thể thao TP.HCM. Các địa điểm thi đấu không cần xây mới nhiều, không nhất thiết phải tập trung ở khu liên hợp quy mô, bên cạnh đó là tận dụng tối đa các không gian đô thị gắn liền văn hóa – du lịch và sử dụng các công trình lắp ghép ngắn hạn hướng đến mục tiêu giảm khí thải và "thể thao xanh". Đó chắc chắn là một gợi ý không tồi, nếu không nói là phù hợp với thực trạng của thể thao TP.HCM hiện nay.

Biến mục tiêu đăng cai SEA Games thành hiện thực, đó là cách tốt nhất để thể thao TP.HCM vươn đúng tầm vóc của mình. Còn giấc mơ về khu Rạch Chiếc, phải chăng là câu chuyện của một giấc mơ lớn hơn, đăng cai ASIAD chẳng hạn…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm