Kỳ 1: Âm vang hào khí cha ông trên biển Đông

09/06/2010 11:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với 90 phút trình diễn, chương trình nghệ thuật “Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn” diễn ra lúc 20 giờ ngày 7/6 trên sông Hương là một trong những chương trình nghệ thuật thành công vang dội nhất trong Festival Huế 2010, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách.

>> Chuyên đề: Festival Huế 2010

Lịch sử từ góc nhìn nghệ thuật - sử thi

Trong không gian mênh mông, bao la và trữ tình của dòng sông Hương, trên vùng đất Kim Long - Thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong. Nơi mà trước đây các chúa Nguyễn đã từng tổ chức tập duyệt thủy binh, BTC Festival Huế 2010 đã tạo dựng nên một khung cảnh nghệ thuật sử thi hào hùng của dân tộc hết sức đặc sắc với hơn 1.200 diễn viên trong một nền nhạc vang dội và những đội hình tác chiến hùng dũng của thủy binh thời các chúa Nguyễn - một đội quân thủy binh được đánh giá là hùng hậu nhất thời bấy giờ.


Chiến thuyền chúa Nguyễn trong cuộc thao diễn
Sách Đại Nam thực lục tiền biên kể rằng: Giữa thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, sau ba lần cử binh nhưng không thắng được Đàng Trong, chúa Trịnh (Trịnh Tráng) đã gửi thư đề nghị Toàn quyền Đông Ấn ở Batavia (Jakarta ngày nay) giúp sức bằng cách Hà Lan gửi cho 2- 3 tàu cùng 200 lính bắn giỏi để giúp chúa Trịnh. Trong những năm từ 1641 đến cuối năm 1642, những chiến thuyền của công ty Đông Ấn đã nhiều lần uy hiếp, bắt bớ người dân xứ Đàng Trong. Đến tháng 7 năm 1643, chúa Nguyễn đã cử đội thủy binh gồm 50 hải thuyền, đón đánh đội tàu gồm ba chiếc của công ty Đông Ấn tại cửa biển Thuận An. Trong trận chiến này, đội hải thuyền của chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh đắm tàu De Wijdeness - con tàu lớn nhất, buộc hai tàu khác bỏ chạy.

Cuộc xung đột với Hà Lan trong những năm 1640 cũng đã phản ánh một bước ngoặt trong sức mạnh quân sự của Đàng Trong. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, thủy quân Việt Nam đã đánh thắng một lực lượng thủy quân của Âu châu.

Tiến sĩ sử học Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Cuộc thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn là lễ hội lịch sử mang dấu ấn quan trọng trong truyền thống đấu tranh giành độc lập thống nhất tổ quốc, tiếp nối truyền thống xây dựng đất nước. Các chúa Nguyễn đã tiến hành cuộc cách mạng thủy quân đầu tiên trong lịch sử việt Nam. Thời các chúa Nguyễn, sức mạnh quân sự của thủy binh thể hiện qua sự tinh nhuệ, khéo léo của quân binh và tài thao lược của tướng sĩ, đã tạo nên nhiều chiến thắng qua nhiều trận đánh lớn với hải quân phương Tây.


Phục dựng hình ảnh quân đội chúa Nguyễn
Giáo dục truyền thống

Cuộc thao diễn này là sự kết hợp độc đáo giữa việc khai thác các yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với không gian, giá trị cảnh quan của dòng sông Hương. Lần đầu tiên lễ hội đã được thể hiện hài hòa cả trên bờ lẫn dưới nước tạo nên một bức tranh hoành tráng, mang đến một sức hấp dẫn mới cho Festival Huế 2010.

“Bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, lễ hội này còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”, ông Phan Tiến Dũng khẳng định.

Với tinh thần phục vụ quần chúng nhân dân, cuộc thao diễn thủy binh trở thành lễ hội chính của Festival Huế 2010 nhưng không bán vé, phục vụ miễn phí 100%. BTC còn đã chuẩn bị hàng ngàn chỗ ngồi ở khu vực khán đài và các màn hình lớn để nhân dân đến xem.

Khi được hỏi về cảm xúc sau khi xem cuộc thao diễn thủy binh, bác Phan Tiến năm nay đã 71 tuổi, là một người dân ở Kim Long hồ hởi nói: “Tôi cảm thấy đây là chương trình hay nhất, sinh động và hoành tráng nhất. Khi được nghe thông báo trên tivi về chương này thì tôi thấy cần đi xem và cho các cháu của tôi đi xem để nó biết về lịch sử chiến đấu của cha ông ta, nên từ rất sớm tôi cùng mấy đứa cháu đã đây để chọn chỗ ngồi đẹp ở khán đài này, mà vui nữa là có chỗ ngồi đàng hoàng mà lại không mất tiền”.

Bác nói thêm: "Khi xem thao diễn trên bờ tôi đã thán phục những màn diễn tập võ nghệ và đặc biệt ấn tượng là màn diễu hành và tác chiến của thủy binh trên sông. Trong khi đó mấy đứa cháu tôi thì rất vui, chúng nó reo hò trước những màn pháo hoa rực trời và tiếng khai hỏa của các súng thần công. Nói thật là, tôi ở đất Kim Long - Thủ phủ một thời mà đến bây giờ mới cảm nhận được hào khí của chúa Nguyễn ngày trước trong việc bảo vệ bờ cõi".

“Tôi nghĩ rằng chương trình này nên được thực hiện tại các kỳ Festival Huế tiếp theo và cũng không bán vé mà chỉ phục vụ miễn phí như lần này”, bác Tiến nhấn mạnh. Và đây cũng là suy nghĩ của rất nhiều người.

Kỳ 2: Thủy binh chúa Nguyễn - vang dội biển Đông

Trần Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm