Hậu "Kinh điển": Đây là Barca thời Tito!

25/08/2012 19:00 GMT+7 | Barcelona

(TT&VH Online) - Với Tito, Barca vẫn mạnh mẽ, đẹp đẽ như xưa, như cái thời còn Guardiola trên ghế nóng. Rất khó để có thể nhận ra Barca thời Tito khác với Barca thời Guardiola, nhưng “rất khó” không có nghĩa là “không có” sự khác biệt. Và những khác biệt đó, chính là dấu ấn của Tito.

Kiểm soát bóng phần lớn thời lượng trận đấu, gây sức ép liên tục hoặc tạo sự ức chế cho đối thủ từ việc cầm bóng mà không cần tấn công, tiền đạo tham gia phòng ngự và hậu vệ tham gia tấn công, mở rộng không gian bóng ra nhiều phía,… đó có thể xem là những nét đã thành thương hiệu của tiqui-taca Barca những năm qua. Và tại thời điểm này, sau 2 trận đấu với Real Sociedad và Real Madrid, thương hiệu ấy vẫn sống khoẻ, nhưng Barca còn đang cho thấy một dấu hiệu của sự “sống tốt” hơn khi Tito để lại điểm nhấn cho chính mình.



Đây là Barca thời Tito Vilanova - Ảnh: Getty

1.    Phạt góc là chuyền bổng, là để đánh đầu: Thời Guardiola, hiếm khi nào Barca câu bóng bổng vào vòng cấm thông qua những tình huống đá phạt góc, thay vào đó, những Xavi, Messi chuyền bóng cho nhau và tìm đường vào khung thành từ các góc biên. Với Tito, ông tìm cơ hội ghi bàn từ những tình huống cố định như đá phạt góc và từ giai đoạn tiền mùa giải đến 2 trận đấu vừa qua, Barca của Tito đá theo kiểu ấy. Với Pique, Puyol hay Busquets (và sau nay là Alex Song) Tito tin Barca có thể ghi bàn từ những cú đánh đầu.

2.    Sút xa nhiều hơn từ ngoài vòng cấm: Thời Guardiola, Barca chỉ hiện thực hoá cơ hội khi đã nắm chắc cơ hội, khi các cầu thủ biết rằng họ sẽ ghi bàn từ một tình huống nào đó. Thời đó, các cầu thủ “ngại” sút xa ngoài vòng cấm. Giờ đây, với Tito, sút xa được sử dụng hơn mức thỉnh thoảng. Nhưng đó không phải là kiểu sút bừa bãi, sút trong cơn hoảng loạn, sút trong sự “đói” cơ hội, mà đó là sút trong sự điềm tĩnh, trong tính toán và trong ngẫu hứng. Xavi, Pedro, Afellay và cả Pique đều đã sút xa.

3.    Khi trung vệ không bó buộc mình: Tito trong cuộc họp báo sau trận Siêu kinh điển vừa qua nói rằng “Mùa giải trước, Pique ít khi nào dâng lên tham gia tấn công”. Ông nói thế bởi thực tế vừa qua trung vệ số 3 này đã nhiều lần dâng cao áp sát khung thành Casillas. Không chỉ Pique mà cả Puyol và Mascherano cũng đã không ít lần ở các trận đấu trước nhô cao khỏi vạch giữa sân để chuyền bóng, lôi kéo và tấn công. Họ biết rằng một khi mình làm như thế, vẫn còn đó một Busquets bọc lót phía sau. “Quan trọng là các cầu thủ không bó buộc mình” – Tito đã nói như vậy.

4.    Trận cầu lớn, có Alves không có Alba và ngược lại: Trận đấu trước Real Madrid vừa qua, khắp các mặt báo thể thao TBN đều tin rằng hai cánh trái phải của Barca sẽ là Alves và Alba. Tiếc thay, Adriano chứ không phải Alba mới là người đá chính. Đến tận hiệp 2, Jordi mới vào sân. Cả Alves và Alba đều là những cầu thủ thiên về tấn công, vì thế một khi cả hai cùng có mặt trên sân thì hai cánh của Barca sẽ “bay cao” quá mức. Tito không muốn mạo hiểm trong những trận cầu lớn. Hoặc có thể đưa ra giả thiết khác là Adriano “sỏi” Siêu kinh điển hơn so với Alba ở thời điểm hiện tại.

5.    Hai tiền đạo bám biên: Alexis và Pedro dưới thời Tito bám biên hơn bao giờ hết, nhất là trong trận đấu với Real Madrid vừa qua. Cả hai đi bóng sát biên và chếch về góc sau đó hoặc chuyền ngược trở lại cho đồng đội hoặc bó sát vào trong. Mục đích của việc bám biên là mở rộng không gian bóng ra hết cỡ cho các cầu thủ ở phía trong. Trước những hàng phòng ngự nhiều tầng, nhiều lớp, những Xavi, Iniesta hay Messi chắc chắn sẽ bị lùng bắt và vây kín ở bên trong, đó là lúc những Alexis hay Pedro (cả Tello nữa) với tốc độ và sự linh hoạt của mình sẽ giúp hàng hậu vệ đối phương bị kéo dãn ra hơn ở biên và góc.

6.    Chuyền dài từ tuyến sau: Người hâm mộ từ mùa giải trước đến hiện tại ít khi còn được chứng kiến những pha chuyền bóng bổng của Xavi cho các đồng đội trên hàng công. Nhưng với việc Mascherano vừa qua đã có một đường chuyền vượt tuyến cho Pedro để từ đó tiền đạo xứ đảo của Barca ghi bàn cân bằng 1-1 trước Real, đây sẽ là một dấu hiệu cho thấy những đường chuyền xé nát hàng hậu vệ đối phương ở Barca chưa “chết” hay mất đi. Chỉ có điều chúng được chuyển từ dạng này sang dạng khác, ở đây là người thực hiện nó đã khác đi: những cầu thủ đảm nhiệm công tác phòng ngự có khả năng quan sát tốt và chuyền bóng tốt. Alex Song vốn cũng là một cầu thủ có tiếng ở lĩnh vực này.

7.    Iniesta sẽ là “một Messi mới”: Ngoài Messi, Iniesta có thể xem là cầu thủ thứ hai ở Barca được phép rê dắt bóng lâu hơn, thoải mái hơn ở các vị trí trên sân so với đồng đội. Khả năng cầm bóng, đi bóng và phẩm chất kĩ thuật của Andres cho phép anh được Tito giao trọng trách trở thành một Messi thứ hai: làm nam châm thu hút đối phương. Chính vì lẽ đó, trong một bài phân tích ngắn của nhật báo SPORT, tờ báo này tiết lộ Iniesta dưới thời Tito sẽ mang mác tiền đạo chứ không còn là tiền vệ. Khi mà Messi đã trở nên quen thuộc và là mục tiêu đeo đám bắt buộc của hậu vệ đối phương thì giờ đây còn có một Messi khác: Iniesta.

Cự Giải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm