28/08/2017 14:01 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nga Paustopski có viết ở đâu đó rằng:” Trí nhớ như một cái rây thần, nó để lọt những hạt cát, chỉ giữ lại bụi Vàng...” Hôm nay, một ngày tháng Tám tôi bồi hồi nhớ lại duyên nợ với Thể thao & Văn hóa. Tôi bước sang tuổi 65, còn “nàng” cũng đã 35 mùa lá rụng.
Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy…
Tháng Tám, cũng có thể là tháng Chín năm 1982 tôi chuyển từ (đội) Công nhân Nghĩa Bình về Công nghiệp Hà Nam Ninh, vợ con khi ấy vẫn còn ở Thanh Hoá. Sau hai buổi tập sáng chiều mỗi ngày, tôi chẳng biết làm gì. Một hôm lang thang ra ngã tư Cửa Đông, nghe tiếng gọi giật :
- Mẫn “lùn” ơi! cựu giáo viên Toán ơi, có ấn phẩm mới của Thông tấn xã Việt Nam này!
Anh thương binh duỗi chân bên những chồng báo cũ ( thực ra chân phải anh không co lại được) tương thêm một câu quyết hạ gục tôi:
- Hàng độc quyền, tôi phải nhờ đồng đội cũ lấy ở Thông tấn xã trên Hà Nội gửi xe khách về đấy!
Thú thật là lúc đầu tôi không có cảm tình với Thể thao & Văn hóa. Báo mới gì mà in như rô-nê-ô, màu thì xỉn… nhưng chỉ vài phút sau, khi ngó vào ruột tờ báo “xấu xí” tôi đã lập tức phải lòng “nàng”...
Thời đó, cả nước đói thông tin. Thể thao & Văn hóa không chỉ mang lại những tin tức nóng hổi về bóng đá và thể thao thế giới mà cả những bài viết về mảng văn hóa cũng rất hàn lâm. Nói không ngoa, người ta không chỉ đọc mà còn học được nhiều điều từ “nàng lọ lem” mới xuất hiện trong làng báo cuối thời kỳ bao cấp. Mỗi tuần tôi về Thanh Hoá, không quên mang theo hai tờ Thể thao & Văn hóa cho cậu cả Đặng Phương Nam học đánh vần...
Và cũng không biết ngày đó ở Hà Nội thế nào, chứ ở Nam Định chúng tôi mãi đến Mexico ‘86 mới được xem truyền hình trực tiếp. Mà cả dãy phố mới có một “con” Neptuyn đen trắng của Ba Lan... Chúng tôi tận hưởng và học chiến thuật Espana‘82 và Euro‘84 chủ yếu qua các bài tường thuật và bình luận trên tờ Thể thao & Văn hóa. Công nghiệp Hà Nam Ninh là đội bóng tỉnh lẻ đậm chất “phủi”. Không được đào tạo bài bản như Thể Công và Công an Hà Nội. Thể lực cũng luôn yếu hơn các đội khác.
Không phải kể công, thực tế là tôi là người mua Thể thao & Văn hóa cho cả đội cùng xem. Sau hai mùa 1982-1984, bóng đá thế giới nổi lên hiện tượng “bẫy việt vị “ của Bỉ. Linh hồn cái bẫy đó là thủ quân Girret với bộ râu rất ấn tượng. Năm 1984, thủ quân, thủ lĩnh hàng phòng ngự của Công nghiệp Hà Nam Ninh là Đặng Ngọc Anh( Tạo cò) đã 36 tuổi. Không thể chơi một bắt một, anh bàn với HLV Lâm Ngọc Lập, ta chơi bẫy việt vị như đội Bỉ xem sao?
Bảo “xoăn” đá dập, Ngàn A Xám biên trái, Đinh Bá Anh biên phải hào hứng ủng hộ. Nhưng nhân tố tạo nên thành công của bẫy việt vị “made in Nam Định” phải là thủ môn Chung “nghêu”.
Nói về “đá ma” thì Chung “nghêu”, Nghĩa “bợm”, Dũng “Toát” (xin lỗi linh hồn người yêu bóng đá nhất trong những người đạp xích lô) và Xám “Tàu” thuộc đẳng cấp cao trong đội. Những anh kỹ thuật cơ bản kém như tôi chả dại gì chơi “đá ma” với nhóm ấy...
Chung “nghêu” chơi chân hay, lại hoạt động rộng, nhiều khi chơi như một trung vệ thòng thứ hai. Có trận trên sân Hàng Đẫy, hàng phòng ngự dâng cao bắt việt vị gần vạch trung tâm. Đội bạn phất bóng dài phá bẫy, Chung “nghêu” từ vòng cung cấm địa băng lên cắt bóng, lừa qua tiền đạo đối phương rồi chuyền bóng lên... khán đài B. Khán giả rào rào tán thưởng.
Bẫy việt vị của Công nghiệp Hà Nam Ninh hoạt động hiệu quả suốt 3 mùa 1984-1985-1886 một phần cũng nhờ vào Thể thao & Văn hóa. Khi đội trưởng Đặng Ngọc Anh vô địch quốc gia năm 37 tuổi và từ giã sân cỏ thì bẫy cũng “mất thiêng”.
Hai mươi năm sau
Đấy là dịp World Cup 2002. Tên tôi lần đầu được in trên tờ Thể thao & Văn hóa. Đó là loạt bài trả lời phỏng vấn về World Cup do “chị” Hồng Ngọc (phóng viên An Biên lúc đó đang công tác tại báo Thể thao & Văn hóa) thực hiện. Hết giải, “chị” Hồng Ngọc thay mặt toà soạn trao cho tôi một phong bì rõ to (nhưng mỏng) và chuyển lời cám ơn của toà soạn. Điều quan trọng là Hồng Ngọc động viên: - Cháu thấy chú viết được đấy, cứ viết đi, rồi sẽ quen, cháu sẽ sửa cho.
Tôi vốn là giáo viên, khá về văn nói, văn viết rất xoàng. Nếu không có Hồng Ngọc thì bài tôi viết rất khó đến với bạn đọc. Cũng có thể toà soạn và bạn đọc rộng lượng: Thầy giáo dạy toán kiêm cầu thủ bóng đá viết thế là được rồi ! Cho đến bây giờ và mãi mãi tôi coi nhà báo Hồng Ngọc là người thầy dạy tôi viết báo.
Mười năm sau nữa
Khi Phương Nam từ giã sân cỏ, hắn “cạnh tranh quyết liệt” với tôi cả trên sóng truyền hình đến các bài Bình luận về bóng đá trên Thể thao & Văn hóa.
Có lần, ở quán cà phê, bạn bè chọc tôi: - Ông dạy con thế nào mà để thằng Phương Nam cãi nhem nhẻm thế, cãi ở nhà chưa đủ lên sóng truyền hình vẫn còn cãi tiếp...
Chả là đêm trước tôi vừa nhận định đội Arsenal sẽ thắng MU. Phương Nam độp ngay: Tôi không nghĩ thế.
Để tránh việc con “cãi” bố trên tờ Thể thao & Văn hóa, có năm toà soạn phân công tôi viết chuyên mục thứ Ba, Phương Nam viết thứ Sáu...
Một lần, trên sóng VTV3, MC Long Vũ đề nghị tôi trả lời câu hỏi của khán giả:
- Thầy giáo dạy Toán đã trở thành nhà vô địch quốc gia như thế nào?
Tôi liền đọc đoạn đầu bài báo “Cha, con và...bóng đá” đăng trên Thể thao & Văn hóa:
“Đêm mùa Đông 15/12/1976, tôi trong đoàn cán bộ giáo viên của Bộ Giáo dục lên tàu ở ga Hàng Cỏ để tăng cường cho vùng mới giải phóng. Tàu qua Thanh Hoá lúc nửa đêm. “Anh ơi, chị sinh con trai rồi”. “Anh ơi, chị đặt tên cháu là Phương Nam như anh đã dặn”. Đêm ấy, nỗi buồn, niềm thương nỗi nhớ tràn ngập trong tôi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, rất nhiều, nhưng không hề nghĩ rằng: Chuyến tàu đi về phương Nam xa xăm ấy sẽ là chuyến tàu định mệnh, nó ảnh hưởng đến cuộc đời tôi và đến cả cuộc đời của sinh linh bé bỏng mới chào đời mang tên Phương Nam...”
Vài phút sau, có bạn trẻ tương tác dòng tin nhắn lên màn hình: “Bác Mẫn đọc thơ còn hay hơn đá bóng”.
Thực ra đó chẳng phải thơ, cũng chẳng phải văn. Đó chính là máu trong tim tôi tràn lên mặt báo Thể thao & Văn hóa để đến với bạn đọc. Bởi thế không chỉ yêu, tôi còn biết ơn Thể thao & Văn hóa đã giúp tôi nói về tình Cha...
Bây giờ thì tôi đã già, sức sáng tạo cũng cạn kiệt. Tôi tự lui về làm bạn đọc trung thành của Thể thao & Văn hóa. “Nàng” không còn lọ lem như trước, thậm chí còn lung linh của tuổi ba nhăm. Nhưng dẫu có thế nào thì tôi vẫn yêu “nàng” và khá thú vị, thưa các bạn, con trai cả của tôi Đặng Phương Nam sau này cũng trở thành một CTV thân thuộc với Thể thao & Văn hóa.
Cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn sinh năm 1953 ở Trực Ninh, Nam Định. Ông từng khoác áo đội bóng Công nhân Nghĩa Bình (1979), Công nghiệp Hà Nam Ninh (từ năm 1984 đến 1988). Vô địch quốc gia mùa giải 1985. Đặng Gia Mẫn từng đoạt giải nhì Học sinh giỏi toán toàn miền Bắc nhưng cũng đồng thời đặc biệt yêu văn học Nga. Hai con trai ông là Đặng Phương Nam và Đặng Thanh Phương cũng theo nghiệp cha và là hai cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. |
Đặng Gia Mẫn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất