09/04/2013 08:40 GMT+7
(Thethaaovanhoa.vn) - Xăng tăng, ừ thì xăng lại tăng… Xăng tăng quá thì người ta đi xe đạp hoặc đi bộ, những người nhà cách nơi làm việc dưới 5km nói điều ấy ngon ơ.
Dạo này xe đạp điện nhiều thật, nhìn cũng hay hay, đỡ khói, đỡ ồn… Tuy nhiên, đỡ ô nhiễm thì chưa chắc. Xe ấy nghe nói cũng mau hỏng lắm, rồi thì chất chồng các bãi rác những bình ắc-quy xe đạp bị vứt bỏ, sẽ là chì và những thứ khủng khiếp đe dọa môi trường. Hậu quả rồi thấy ngay thôi! Tốt nhất cứ gò lưng đạp xe như xưa, xe đạp ơi xe đạp, làm sống lại mấy nghề bơm vá xăm lốp, cân vành, lộn xích. Mỗi đầu phố lại một bác già lưng còng áo may ô rách lom khom dưới tán lá bàng
Đương nhiên, xe đạp chỉ là giải pháp di chuyển một mình, cho những người thân thủ nhẹ nhàng, mang vác cùng lắm tí đồ chợ, mớ rau con cá. Chứ phải làm công việc vận chuyển từ vài ba chục kg trở lên, người hay hàng hóa, thì đạp xe là nhọc. Mới biết các cụ ngày xưa dân công xe đạp thật là vĩ đại. Sáng nay ông hàng xóm nhà N. buộc ghế vào xe đạp chở con bé cháu 3 tuổi đi học mẫu giáo ở trường cách nhà dăm con phố về ngồi phịch xuống ghế, mồ hôi như tắm. Đấy là trời còn chưa nắng đấy, rồi nhăn nhó, gọi điện thoại cấm cảu với bố mẹ nó, bảo chuyển con về đâu gần gần ông dắt bộ đi học, chứ cứ thế này cháu lên mẫu giáo lớn là ông vào viện vì ốm xác… Mắng con, nhưng con bảo hay là thuê xe ôm thì ông giãy nãy, xăng tăng, giá xe ôm cũng tăng, lương hưu ông chả bằng tiền đưa cháu đi học, điên à…!
Trời đẹp, mà ngồi vỉa hè hôm nay, nghĩ đến chuyện hàng xóm, cứ buồn buồn! Giở tờ báo ra đọc, cũng lại chẳng vui. Một báo đưa trang nhất sơ đồ chi chít những trạm thu phí trên quốc lộ 1. Dù có đóng phí bảo trì đường bộ, thì cũng chẳng thể không mua vé nếu đi qua những trạm này, hàng nghìn tỷ mỗi năm. Nghe thì nhiều, nhưng hàng nghìn tỷ nghĩ cho cùng là mấy, riêng cái Bảo tàng tỉnh Đồng Nai sắp tới định xây cũng là hơn nghìn tỷ, con rồng phun lửa ở cầu Rồng Đà Nẵng cũng hơn nghìn tỷ, đất nước nhiều công trình đồ sộ cũng mừng nhưng tiền cứ từ túi người dân từng đồng từng đồng hao mòn theo giá xăng, giá điện, phí đường, phí bệnh viện, phí trường, phí xe… thì kể cũng khó cười thật tươi mỗi khi có công trình lớn nào đó được xây dựng vào lúc đất nước còn gian khó thế này… mấy anh xe ôm đầu phố hôm nay gần như mếu, cả ngày không có khách, đi làm phu hồ thì không có việc. Ai đi làm nhà thời buổi này…
À mà không, vẫn làm. Cạnh cái hồ Gươm này, tưởng các kiến trúc sư, các nhà văn hóa và nhân dân thủ đô đã đồng lòng là chẳng nên xây nhà cao tầng nữa, thì nghe nói thành phố vẫn cho xây một tòa tháp mười mấy tầng rất gần hồ. Mấy cái trung tâm thương mại xây xong mà vẫn trống huếch trống hoác như nhà hoang. Dân vào với động cơ nghỉ ngơi và lợi dụng chút mát mẻ của điều hòa là chính chứ mấy ai dám mua những thứ xa xỉ đắt đỏ ở đấy. Chẳng hiểu xây thêm trung tâm thương mại làm gì, chỗ đâu mà để ô tô…
Xăng tăng giá, chắc ô tô cũng bớt, hai anh xe ôm nói với nhau đầy hy vọng. Có khi ít nữa mình chuyển sang phía bên kia hồ đón khách. Sang bên kia hồ thôi, chứ không về quê... Tính toán thời vụ của người nông dân bây giờ là thế. Thời vụ trên vỉa hè, đường phố chứ không phải trên quê hương đồng ruộng. Ở đây thôi. Về quê, đất đâu mà cấy trồng!
Xe đạp ơi - bài ca thời xăng tăng giá?
Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất