(TT&VH) - Người có tinh thần dân tộc là người luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết và vô điều kiện.
Giá trị của những cảm xúc
Những cuộc đổ bộ và “đổ xe” xuống đường trong đêm 28-12-2008 (vô địch AFF Cup) và đêm ngày 14-12-2009 (hạ gục U23 Singapore ở bán kết), từ TP HCM tới Hà Nội, từ Hải Phòng tới Đà Nẵng, từ Vinh tới Nha Trang…, người người sung sướng tột cùng với lá cờ tổ quốc và hát vang câu Việt Nam chiến thắng thực sự là vô giá.
Bóng đá có sự nông nổi, thường ít chiều sâu và cũng ít khi phản ánh toàn diện những vấn đề thiêng liêng, nhưng rõ ràng, ở Việt Nam rất nhiều khi bóng đá-những chiến thắng của đội tuyển quốc gia đã mới tạo ra hào quang dân tộc chiến thắng rực rỡ.
Sự hy sinh của ĐTLA
Cơ hội và chất xúc tác cho một hình ảnh dân tộc hạnh phúc và dân tộc chiến thắng ấy là sự hy sinh của những người đã quyết định nhường HLV Calisto cho VFF, cho các ĐTQG.
2 năm chia tay với ông Calisto là 2 năm Gạch tay trắng và có những thời điểm chỉ chơi như những đội bóng làng nhàng ở V-League. Đó là sự hy sinh không có điều kiện cho lợi ích của cả một nền bóng đá và cho tất cả những ai hâm mộ trái bóng tròn.
Bầu Thắng làm tất cả cho nền bóng đá quốc gia và những
người khác cũng cần như thế! - Ảnh:VSI
Cũng có những nghi ngờ rằng bản thân Gạch chấp thuận nhường ông Calisto cho ĐTVN là vì đội bóng từng vô địch năm 2005 và 2006 này cũng muốn tìm đến một sự thay đổi. Nhưng ràng buộc về mặt hợp đồng với điều khoản ông Calisto sẽ phải trở lại ĐTLA cho tới hết năm 2011 đã phủ nhận nghi ngờ trên.
Hình ảnh của ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CLB ĐTLA khóc như một đứa trẻ chạy phía sau ông Calisto trong cái đêm Việt Nam vô địch Đông Nam Á năm 2008 đã nói lên tất cả. Nếu cho rằng ông đã hành động như một người hâm mộ chân chính (nhường ông Calisto) và vì những người hâm mộ chân chính, chắc chắn không sai.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mới đây cũng cho người viết biết, rằng ông Thắng vẫn khẳng định, nếu ĐTVN cần ông Calisto, ông sẽ không gọi ông thày người Bồ về, nhất định không. Nghĩa là người làm cho “số phận chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN” bị lung lay không phải bầu Thắng hay ai đó ở ĐTLA.
Ông Calisto cũng chỉ là con người
Ngòi nổ ấy chỉ có thể là từ bản thân ông Calisto, VFF và đặc biệt là phía CLB muốn kéo ông Calisto về với mình T&T HN.
Như bao HLV khác, với ông Calisto, người đã bôn ba ở Việt Nam gần chục năm qua, niềm vui, tài danh là một chuyện, nhưng tiền bạc cũng là một điều đáng để cân nhắc. T&T HN trả cho ông Calisto một mức lương khủng, có thể là kỷ lục của BĐVN 4-500 triệu/tháng, đó là sự quyến rũ “chết người”. Bầu Hiển chỉ đứng thứ 9 thứ 10 ở V-League về tiền khi so với các ông chủ khác, nhưng cái cách ông hào phóng thưởng và chi, thì gọi ông là Công tử Bạc Liêu của BĐVN cũng hợp.
Chưa hết, ở T&T HN, ông Calisto có thể mở ra những dự án kinh doanh khác từ buôn cầu thủ cho tới tổ chức sự kiện (trận đấu). Công việc này tiếp nối những thương vụ môi giới ông đã từng làm trước đây. T&T HN hiện tại có vẻ giống với một cái chợ cầu thủ, dù hiện mới chỉ thấy mua chứ chưa bán. Đội bóng này trước khi nhòm ngó mấy cầu thủ trẻ Thể Công, đã có gần 35 cầu thủ cả thảy (nhiều hơn chục người so với bình thường).
Nếu nói ông Calisto về T&T HN là để thỏa mãn những tham vọng chuyên môn, quả là rất khó tin. Với trình độ BĐVN hiện tại, khi AFC vẫn giới hạn 3 cầu thủ ngoại ra sân mỗi đội, phải mất 2-30 năm nữa, BĐVN mới có thể có CLB cạnh tranh được ở AFC Champions League. Còn ở AFC Cup, người ta chưa từng lấy để luận anh hùng châu lục (Bình Dương năm 2009 khủng hoảng, không có những cầu thủ quan trọng nhất như Kesley và Như Thành ở chặng đường cuối mà vẫn vào bán kết).
Chỉ có lý do ông Calisto buồn vì quá rảnh khi ĐTQG không tập trung (VFF cho biết ông Calisto đã “trình bày” thế) là đáng tin. Đúng là mỗi tuần chỉ có 1-2 ngày đi sân xem V-League và hạng Nhất thì một người ngại việc nhất có lẽ cũng thất vọng.
Nhưng việc để ông Calisto nhàn quá lại thuộc về một khía cạnh khác, từ phía khác: VFF phải chăng đã chưa khai thác và tận dụng chất xám của ông Calisto?
VFF chưa khai thác chất xám?
Có vẻ là như vậy, vì chính ông Calisto là người đã “mua việc” trong năm qua, đề nghị VFF cấp cho mình một cái phòng làm việc ở trụ sở Liên đoàn, và ông cũng tự đề xuất một “dự án” áp dụng các thiết bị công nghệ vào việc theo dõi các trận đấu, phân tích chuyên môn cầu thủ… Hoàn toàn không phải là VFF đã giao thêm việc cho ông Calisto.
Cũng có thể cho rằng hợp đồng chuyên nghiệp thì chặt chẽ, VFF không thể buộc Calisto làm những việc chưa có trong danh mục. Nhưng ở bản hợp đồng mới (nếu có), VFF có thể bổ sung khi một nền bóng đá có cả núi công việc và có những cái thực sự cần người có tầm: từ một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đã khánh thành mấy năm nay nhưng chưa hoạt động mạnh mẽ cho tới một hệ thống các đội tuyển trẻ với mỗi U lại chơi theo một phong cách, chiến thuật khác nhau; từ một câu hỏi cần có chiến lược gì và sách lược gì để BĐVN vươn ra tầm châu lục cho tới giấc mơ lớn khi nào Việt Nam mon men được tới World Cup.
Vì thế, nếu VFF cũng đồng ý là ông Calisto rảnh quá khi dẫn dắt các ĐTVN thì rõ ràng đó là một lý do rất khó chấp thuận để tạo điều kiện cho ông Calisto “vừa xay bột, vừa bế em” khi kiêm nhiệm công việc ở T&T HN.
Với T&T HN, quyền lợi quốc gia ở đâu ?
Bầu Hiển từng nói là một người như ông Calisto thì bất cứ đội bóng nào ở V-League cũng muốn. T&T HN, một đội bóng mới, sẵn sàng đầu tư, và rất thèm khát các danh hiệu, đương nhiên cần ông Calisto hơn ai hết.
Bầu Hiển có vài dự án làm ăn thuộc về lĩnh vực bóng đá, đích ngắm là ra châu Âu. Là lính mới như ông (với khía cạnh bóng đá) và các trợ lý hiện tại cũng chỉ tinh thông bóng đá nội, thì một nhân vật như ông Calisto lại càng rất cần.
Thậm chí để biến một HLV thành ngôi sao quảng cáo, để xây dựng thương hiệu, ông Calisto cũng có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho bầu Hiển.
Chỉ có điều, như đã nói ở trên, một người có tinh thần dân tộc là người phải biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Sự chia sẻ, sự kiêm nhiệm 2 đội tuyển và cả vì lo cho thương vụ Công Vinh đi du học, rồi Jorge Mendes sang Hà Nội, đội bóng do con trai ông Calisto môi giới Duque De Caxias sang Bình Dương, rõ ràng đã ảnh hưởng tới sự tập trung của ông Calisto cho chiến dịch ở SEA Games và cả tham vọng có mặt ở Asian Cup 2011.
Làm cho cuộc thương thảo hợp đồng giữa VFF với ông Calisto trở nên phức tạp hơn đã là điều khó chấp nhận. Khiến cho những mục tiêu chuyên môn của ĐTVN bị thách thức càng là điều không thể chấp nhận, chắc chắn như thế!
Cần cả người chuyên trách ĐT Olympic
Năm 2010 BĐVN có những mục tiêu khá cụ thể. Với ĐTQG là bảo vệ chức vô đich Đông Nam Á, chuẩn bị để đón tiếp hàng loạt các đội bóng nổi tiếng của châu Âu như AC Milan (Thủ tướng Berlusconi đã nhận lời đề nghị), có thể là Real Madrid (Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đề nghị khi sang thăm Tây Ban Nha), có thể là Atletico Madrid (báo chí Tây Ban Nha đưa tin đội bóng này sẽ sang Việt Nam với giá 1,5 triệu euro).
Với ĐT Olympic Việt Nam (có thể là U23 + 3), họ sẽ tham dự ở đấu trường ASIAD 16 tổ chức cuối tháng 11 tại Quảng Châu. Đây là giải đấu tầm châu lục, nhưng với những gì các cầu thủ trẻ đã từng thể hiện trước kia, thì cũng có thể đặt ra một vài mục tiêu nào đó, nhất là trong trường hợp lá thăm mang lại kết quả thuận lợi.
Thời điểm bận rộn nhất của ĐTQG là từ tháng 10: chuẩn bị tham dự Cúp TP HCM (tháng 10), Cúp VFF (tháng 11), AFF Cup (tháng 12).
Thời điêm bận rộn nhất của ĐT Olympic là từ tháng 9 (tập trung) để tham dự Cúp Thăng Long (cuối tháng 9), và tập trung suốt từ tháng 10 cho tới khi tham dự ASIAD 2010 tại Quảng Châu tháng 11.
Như vậy, thời điểm tập trung của 2 đội là trùng nhau. Thậm chí, thời gian thi đấu của 2 đội gần ở các giải quan trọng như gối đầu nhau. Cụ thể, ASIAD sẽ diễn ra từ 12 đến 27-11. Còn AFF Cup 2010 diễn ra từ 1 đến ngày 29-12.
Một HLV là không thể cáng đáng và đảm bảo cho cả 2 đội tuyển, kể cả khi chúng ta xây dựng được 2 ê kíp BHL đủ mạnh. Yêu cầu bắt buộc là mỗi đội tuyển phải có một HLV. Ưu tiên số 1 là ĐTQG. Nhưng ĐT Olympic cũng không thể xem nhẹ, tối thiểu cũng phải là có một HLV nội cứng tay.
T.P |