Tính phồn thực trong chạm khắc ở đền Đinh, Lê

23/10/2013 17:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những bức chạm không chỉ cho thấy sự hoàn hảo về đường nét, cấu trúc, ý tưởng của các mô típ, mà còn ẩn chứa nhiều quan niệm sống của người Việt xưa.

Hai ngôi đền vua Đinh, vua Lê ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình được xây dựng từ thế kỷ 17 và trùng tu trong những thế kỷ sau, cho đến thế kỷ 19. Những bức chạm khắc hai ngôi đền này, đặc biệt là khu vực hiên trước thượng điện, thể hiện một trình độ kỹ thuật và trang trí rất cao, với sự liên hoàn toàn thể giữa tất cả các gian, phía trên vì kèo tiếp xúc với mặt tiền ngưỡng cửa. Những bức chạm không chỉ cho thấy sự hoàn hảo về đường nét, cấu trúc, ý tưởng của các mô típ, mà còn ẩn chứa nhiều quan niệm sống của người Việt xưa. Phồn thực là một ý tưởng mà người Việt muốn thể hiện trong rất nhiều mặt của đời sống văn nghệ truyền thống và kết hợp khéo léo với các mô típ dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo vốn không khuyến khích sự khiêu dâm, mà biến tất cả các quan hệ phồn thực dưới dạng biểu tượng âm dương.


Chạm khắc hoa văn dương sỉ và rồng nghê

Đời sống của người thời cổ vốn khó khăn về sinh tồn, tích lũy vật chất của kinh tế nông nghiệp không cao, dẫn đến ước vọng sinh con đàn cháu đống, gia súc đầy đàn, thóc gạo đầy kho và hơn nữa đời sống tình ái cũng là phần thú vị nhất của trần thế, đến mức nó trở thành một quan niệm triết học hay tôn giáo. Điều này đã được thấy trên trống đồng Đông Sơn và đặc biệt là thạp đồng Đào Thịnh với bốn cặp tượng người nam nữ giao phối. Những đền thờ của thời phong kiến không cho phép những hình thức trực tiếp như thế được trưng bày, khi Nho giáo đã toàn trị, tất nhiên tinh thần sự sống trong dân gian không mất đi, mà hàm chứa ngay trong biểu tượng của Nho giáo.

Người Việt thể hiện ý tưởng phồn thực trong rất nhiều mặt của đời sống văn nghệ truyền thống và kết hợp khéo léo với các mô típ dưới sự ảnh hưởng của Nho giáo

Trên những bức chạm đền vua Đinh, vua Lê có những rồng đôi, dưới dạng lưỡng long chầu nhật, nguyệt; rồng ổ có rồng đực, rồng cái, rồng con và cặp rồng nghê, đôi nghê đực cái. Trong một số tổ hợp chạm khắc trang trí, có sự phối hợp như sau: đôi nghê, hoặc đôi rồng chầu, rồng ổ biến hình phức hợp, hoa văn hoa sen, hoặc dương sỉ và hoa văn hình học… tất cả được dàn trên một diện tích như một mặt của cốn (trong khung vì kèo xà kết hợp với cột tạo ra khoảng trống trang trí gọi là cốn) trang trí hành lang đền (phần tam giác tiếp xúc giữa cột quân và cột hiên khi mái vươn ra ngoài hiên).

Trong đó chính tinh thần phồn thực lại biểu hiện một cách sinh ở hai mảng trang trí hoa văn hoa sen và dương sỉ. Một bông hoa sen lớn nở đăng đối ra hai bên, và rủ xuống phía dưới có hình dạng như phần sinh thực khí của nữ, hai bông hoa sen chưa nở vươn lên như sinh thực khí nam, dưới nữa là đôi cá đực cái vờn nhau. Tất cả những bông sen và cánh sen đều được chạm biến hình lơ lửng giữa tả thực và ẩn hình sinh thực khí, hay có thể nói khi chạm khắc những hoa văn đó, người thợ hoàn toàn tưởng tượng đến mức mê mẩn là đang làm các bộ phận sinh dục của nam và nữ.

Cái cảm giác nghệ thuật này thường thấy rất rõ ở nhiều dòng nghệ thuật dân gian vốn yêu đời và hướng về đời sống khoái lạc, đặc biệt trong điêu khắc châu Phi da đen, thậm chí chạm khắc bất cứ hình thể nào cũng được hình dung dưới dạng phồn thực trực tiếp. Mảng hoa văn dương sỉ ở đền Đinh, Lê cũng vậy nhưng còn mang thêm dấu ấn hoang dã và siêu hình. Đó là những nét rất đặc sắc buộc người ta phải quan sát kỹ hơn, nhiều lần hơn khi đến nghiên cứu đền vua Đinh, vua Lê.


Chạm khắc hoa văn hoa sen và rồng nghê

Trong lịch sử Việt Nam, hai ông vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành vốn có nhiều duyên nợ riêng tư qua bà hoàng hậu Dương Vân Nga. Sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà trong cuộc mưu sát triều đình, bà Dương Vân Nga có ủng hộ Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi và trở thành vợ vị vua kế nhiệm. Việc vua thủ lĩnh thời đó khi Nho giáo chưa có địa vị chiếm đoạt vợ của nhau sau khi chiếm ngôi là bình thường, thậm chí còn là tập tục. Việc phê phán hành vi của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga là hoàn toàn dưới góc độ của sử gia thời phong kiến sau thế kỷ 14, khi Nho giáo đã thống trị. Những người làm đền vua Đinh, vua Lê đã phân biệt rất rõ: đền Lê hạ miếu, đền Đinh thượng từ, tức là đền vua Lê thấp hơn một bậc, và tượng Dương Vân Nga được thờ trong đền Lê Đại Hành.

Trong lễ hội Trường Yên xưa còn có màn, Lê Đại Hành đón Dương Vân Nga trên bè rồi hai nhân vật đóng đó làm lễ giao hoan - một tập tục dân gian lồng vào trong một nghi lễ tưởng niệm. Những con rồng ở hai ngôi đền này có bàn tay người, mang lại nhiều thắc mắc, có lẽ nó nói lên sự nắm quyền hành và ham muốn nắm quyền hành thực sự của hai ông tướng trở thành vua này. Vị vua thủ lĩnh xưa cũng là biểu tượng của sức mạnh, sinh tồn, họ phải to khỏe, có võ công, có năng lực tính dục siêu phàm, có nhiều vợ, và con cái. Tất cả những hình trang trí hai ngôi đền này là biểu hiện sinh động của tinh thần phồn thực dân gian khi gán và ước mong cho những ông vua thủ lĩnh xa xưa.

Phan Cẩm thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm