Tinh hoa văn hóa dân tộc qua những phong tục ngày Tết cổ truyền

24/01/2022 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi một năm tính theo âm lịch dần đi đến những ngày cuối cùng, cũng là lúc mọi người, mọi gia đình người Việt Nam lại tất bật, háo hức chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán - dịp lễ cổ truyền lớn nhất, quan trọng nhất của dân tộc.

Bày mâm ngũ quả Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Bày mâm ngũ quả Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Mâm ngũ quả ngày Tết là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người Việt và có ý nghĩa rất quan trọng.

Năm mới, cũng có nghĩa là sức sống mới, hy vọng mới, vận hội mới đang đến, ai ai cũng cầu mong những điều tốt lành mới sẽ đến với mình và gia đình, bạn bè. Trong không khí thiêng liêng đó, những phong tục được truyền từ ngàn đời xưa vẫn được người Việt trân trọng, giữ gìn và phát triển, như một mạch nguồn chảy mãi của văn hóa dân tộc.

* Tục tiễn ông Công ông Táo

 "Bếp có ấm, nhà mới an và giàu sang sẽ đến". Cái bếp trong văn hóa người Việt vô cùng quan trọng, được coi là nơi giữ sự ấm áp trong nhà, gắn kết tất cả thành viên trong gia đình, khơi dậy sinh khí từ những ngày đầu năm. Bếp thiêng liêng nên từ xa xưa đã có “Thần” cai quản bếp, mà người Việt vẫn gọi các ngài là ông Công, ông Táo. Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Theo tục, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các vị Táo Quân sẽ lên chầu Trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công-tội, thưởng-phạt phân minh.

Và với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn, nên hàng năm, ngày 23 tháng Chạp, người ta thường dọn dẹp nhà, bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm để tiễn ông Công ông Táo về trời một cách long trọng.

Tết cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc, ngày Tết cổ truyền
Tục cúng Ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Ngoài những điểm tương đồng này, thì tuỳ theo phong tục vùng miền mà nghi lễ cúng ông Công, ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam có sự khác biệt nhất định, nhưng nhìn chung là đều thể hiện tấm lòng thành kính của gia chủ đối với vị thần cai quản việc phúc đức trong nhà.

* Bàn thờ gia tiên - Nơi an dưỡng tâm linh người Việt

Thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa của người Việt xưa và nay. Đây là việc làm giúp người còn sống bày tỏ tấm lòng hiếu đạo, nghĩa tình với người đã khuất. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người; đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Dân Việt trọng lễ nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ và có hiếu với ông bà, tổ tiên, với nguồn gốc của mình.

Thế nên, người Việt dù có đi đâu làm gì thì ngày Tết cũng quay về quê cha đất tổ, thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ. Cũng vì thế, bàn thờ ngày Tết trở thành trung tâm của ngôi nhà, trở thành góc xuân rực rỡ và thiêng liêng hơn cả.

Không phải đợi lúc năm hết Tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng (ngày mùng 1 và ngày Rằm âm lịch), người Việt mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Song phải vào những ngày cận Tết, mới thấy hết được không khí rộn ràng, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ, từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, bỏ bớt chân hương (nhang)… Tất cả đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Tết cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc, ngày Tết cổ truyền
Người dân đi mua đồ tại phố hàng Mã

Những gia đình nông thôn thường dọn ban thờ sớm hơn người thành thị. Trước Rằm tháng Chạp (15 tháng 12 âm lịch) nhà nhà đã bắt đầu quét dọn gian thờ, đánh bóng các đồ thờ tự… và bày biện để chuẩn bị rước ông Táo (Thần Bếp) lên chầu trời.

Đối với người thành thị, ngày 23 tháng Chạp, sau lễ cúng “ông Công, ông Táo”, công việc dọn dẹp, trang hoàng bàn thờ mới được thực hiện. Vì quan niệm rằng đây là thời điểm “thần linh đi vắng”, nên gia chủ tranh thủ sửa sang nơi thờ tự đón Tết, để làm sao cho đến đêm 30 Tết, ban thờ đã sạch sẽ, đẹp đẽ để đón các vị thần linh trở về.

* Mâm ngũ quả ngày Tết

Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên mà chúng ta có được những đặc sản về hoa quả vô cùng phong phú và đa dạng. Người dân Việt Nam bao đời nay vẫn lưu giữ truyền thống chọn năm loại quả tinh túy, gần gũi nhất với cuộc sống thường nhật để xếp thành mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ gia tiên trong những ngày lễ nói chung và dịp Tết nói riêng. Dù mỗi vùng miền có những loại quả khác nhau nhưng triết lý chung thì luôn đồng nhất.

Tết cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc, ngày Tết cổ truyền
Mâm ngũ quả cũng là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

Theo quan niệm của người Bắc Bộ, mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: "Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên". Bởi vậy 5 trái quả đó với ông cha ta xưa kia chính là 5 điều tốt đẹp mà mọi người đều mong đợi trong năm mới đó là Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh.

Trong khi đó, mâm ngũ quả miền Trung và miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên. 5 loại quả hay được chọn là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài (khi đọc, phát âm của những loại quả này tương tự câu “cầu sung vừa đủ xài”, hay “cầu vừa đủ xài sung”. Ngoài ra, người miền Nam còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.

* Tục xông đất

Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm, lúc mọi thứ đều được bắt đầu, mới mẻ tinh khôi. Chính vì vậy mà sau thời điểm giao thừa, “xông đất” đầu năm, còn gọi là “xông nhà” hay “đạp đất”, được các gia đình rất coi trọng.

Người Việt quan niệm nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà được lựa chọn cẩn thận. Theo đó, người xông nhà thường là người có tuổi hợp với chủ nhà và con vật đại diện của năm đó, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Đó cũng phải là người vui vẻ, xởi lởi, hạnh phúc thì gia chủ sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới…

Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết cùng phong bao lì xì kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Việc đón tiếp người xông đất cũng được chuẩn bị chu đáo. Thông thường, gia chủ sẽ chúc lại vị khách xông nhà, chuẩn bị đồ ăn thức uống để đón tiếp trong không khí đầm ấm, tràn đầy hy vọng. Người đi xông đất có niềm vui đã làm được việc phúc, chủ nhà thì mãn nguyện với niềm tin gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm.

* Tục mừng tuổi (lì xì)

Tương truyền cứ đến đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, ma quỷ lại có cơ hội tự do. Có loài yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình và dễ bị bệnh. Một lần, có vài vị tiên đi qua thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên đứa trẻ. Khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng và chúng sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này cứ thế lan truyền, để rồi cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con để xua đuổi tà ma, cầu bình an cho đứa trẻ.

Tết cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc, ngày Tết cổ truyền
Tục xông đất đầu năm cũng rất quan trọng trong dịp Tết 

Ở Việt Nam, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới. Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán, con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc Tết, chúc thọ và tặng quà hoặc tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền, như nhận tình yêu thương và lời chúc may mắn, hạnh phúc trong ngày đầu năm mới.

Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ. Tiền mừng tuổi không quan trọng số tiền nhiều hay ít, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn, thể hiện sự gắn kết mọi người với nhau và lời chúc năm mới may mắn, đủ đầy.

* Ước vọng Xuân mới qua từng nét chữ

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

Đối với người Việt Nam, từ xa xưa, con chữ đã rất được trân trọng. Với quan niệm "biết chữ" là chạm vào cánh cửa của tương lai... nên vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường có phong tục xin chữ và cho chữ. Mục đích của người xin chữ đầu năm chính là mong muốn cho cả một năm nhiều điều may mắn, bình an và phúc thọ tràn đầy.

Mỗi bức thư pháp khi hoàn thành bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc, trí tuệ của người cho chữ gặp trái tim, tâm hồn người xin chữ. Mỗi chữ viết ra là hội tụ của cả Trí-Thần-Lực người cầm bút nên ngoài ý nghĩa cầu may, những con chữ này còn là một tác phẩm nghệ thuật.

Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển, chứa đựng trong đó nhiều ước vọng, được viết trên giấy đỏ, bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn. Nó vừa nổi trội, vừa hài hòa với màu xanh của bánh chưng, màu vàng của hoa mai... làm tươi sáng thêm không khí Tết.

Tết cổ truyền, tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa dân tộc, ngày Tết cổ truyền
Lì xì là văn hóa nhận tình yêu thương và lời chúc may mắn, hạnh phúc trong ngày đầu năm mới

Không chỉ cầu may mắn, những người xin chữ còn muốn xin sự đức độ, tài năng của ông đồ và lấy những chữ ấy để răn mình. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, trong những thập niên gần đây, vào ngày đầu xuân, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam ở Thăng Long-Hà Nội, có tuổi đời gần 1.000 năm, đã trở thành "Phố ông Đồ", nơi được nhiều người đến để xin chữ đầu năm mới.

Và không chỉ có ở Quốc Tử Giám Hà Nội, những "Phố ông Đồ" còn lan tỏa ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui xuân hay các đình-đền-chùa-miếu... Không chỉ những người già hoài cổ mới hứng thú với tục lệ đẹp này mà rất đông người trẻ cũng coi đây là nét đẹp không thể thiếu ngày Xuân. Phố ông đồ giờ đây không chỉ có các ông đồ già bày mực Tàu, giấy đỏ cho chữ mà có rất đông những người trẻ góp mặt, tạo nên một không khí vui tươi, một nét văn hóa đẹp ngày Xuân.

Không khí nhộn nhịp tại “Phố Ông đồ” ngay từ những ngày đầu Xuân như một minh chứng cho thấy những phong tục đẹp của ông cha ta xưa không dễ bị lãng quên. Điều gì thuộc về giá trị truyền thống sẽ mãi mãi trường tồn. Và những người của muôn năm cũ sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa đào, hoa mai nở, mang lộc chữ đến cho muôn nhà.

Thu Hạnh (tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm