13/01/2020 19:49 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Tin tức bóng đá U23 Việt Nam vs Jordan hôm nay 13/1: Jordan khẳng định đã tìm hiểu kĩ Việt Nam. Lộ danh tính trọng tài bắt trận Việt Nam vs Jordan.
Lịch thi đấu, kết quả và trực tiếp bóng đá VCK U23 châu Á 2020:
* 20h15 ngày 13/1: U23 Jordan vs U23 Việt Nam (D, VTV6 trực tiếp)
https://fptplay.vn/truc-tiep-bong-da.html
https://www.vtvgiaitri.vn/xem-tivi-truc-tuyen/vtv6
https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm
* U23 UAE 2-0 U23 Triều Tiên (bảng D)
* Xem bảng xếp hạng bóng đá U23 châu Á TẠI ĐÂY
https://www.soccerstand.com/soccer/asia/afc-championship-u23/standings/
* Lịch thi đấu U23 châu Á 2020 trên VTV: Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật kết quả bóng đá U23 châu Á 2020, bảng xếp hạng U23 2020, lịch thi đấu vòng chung kết U23 châu Á 2020, lịch trực tiếp bóng đá VCK U23 châu Á trên VTV6, VTV5.
* Lịch thi đấu và trực tiếp U23 châu Á 2020 của U23 Việt Nam: Các trận đấu của đội tuyển bóng đá U-23 quốc gia Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á 2020 đều được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6.
* Nhận định của Thethaovanhoa.vn về trận đấu:
*
U23 Jordan tìm hiểu kỹ U23 Việt Nam
Tối 11/1, sau buổi tập trên sân phụ Chang Arena tại Buriram, HLV Ahmed Abdel Kader có những phát biểu với truyền thông về trận đấu giữa U23 Jordan và Việt Nam tại lượt trận thứ 2 bảng D diễn ra ngày 13/1.
"Tôi đã theo dõi sát sao U23 Việt Nam trong thời gian qua và tìm hiểu kỹ về họ. Việt Nam sở hữu những cầu thủ có tốc độ và kỹ thuật cá nhân tốt. Tuy nhiên, tôi đã tìm ra điểm yếu của U23 Việt Nam, và chúng tôi sẽ tìm cách khai thác điểm yếu này nhiều nhất có thể", trang chủ Liên đoàn bóng đá Jordan dẫn lời HLV Ahmed Abdel Kader.
Xác định trọng tài Nhật Bản bắt chính trận U23 Việt Nam vs U23 Jordan
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) chỉ định trọng tài Sato Ryuji là người cầm còi chính trận U23 Việt Nam với U23 Jordan tại vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Đây là "ông vua áo đen" người Nhật Bản, sinh năm 1977 và có nhiều kinh nghiệm điều hành các trận đấu cấp độ châu lục. Ông Sato Ryuji nhiều lần bắt chính ở những giải đấu lớn như AFC Champions League, AFC Cup và vòng loại World Cup.
Tại Asian Cup 2019 vừa qua, trọng tài này bắt chính 4 trận đấu, trong đó có trận tứ kết giữa đội tuyển UAE và Australia. Còn ở vòng chung kết U23 châu Á này, ông Sato Ryuji đã điều hành trận đấu U23 Thái Lan với U23 Bahrain ở ngày khai mạc.
Với nhiều khán giả Việt Nam, trọng tài Nhật Bản này không xa lạ khi là người nước ngoài đầu tiên điều hành một trận đấu tại V-League hồi năm 2014.
Cùng với đó, ông Sato Ryuji là người bắt chính trận Việt Nam thua 1-3 Thái Lan tại AFF Cup 2012 và thất bại 0-5 trước UAE 0-5 ở vòng loại Asian Cup 2013.
Tổ trọng tài điều hành trận đấu U23 Việt Nam-U23 Jordan có tới 6 người Nhật Bản khác. Ngoài Sato Ryuji, các ông Yamauchi Hiroshi, Mihara Jun và Tojo Minoru lần lượt sẽ là hai trọng tài biên và trọng tài thứ 4. Trong khi đó, Kimura Hiroyuki và Lida Jumpe sẽ là hai trọng tài thuộc tổ công nghệ VAR.
HLV Jordan háo hức so tài với ông Park
Người thắng được quyền được nói, và HLV Ahmed Ismail của U23 Jordan rõ ràng là người biết cách tận dụng lợi thế về điểm số để nói chuyện với người đồng nghiệp Park Hang Seo, về cách mà đội bóng của ông sẽ giành chiến thắng trước U23 Việt Nam.
“Tôi muốn được so tài với HLV Park Hang Seo, hãy chờ xem, chúng tôi sẽ tấn công tốt hơn cả trận thắng U23 Triều Tiên. Đó là trận đấu quan trọng, mang ý nghĩa mấu chốt với mục tiêu vượt qua vòng bảng của Jordan”, HLV trưởng U23 Jordan tỏ ra quyết đoán trước trận đối đầu giữa hai đội.
Cũng chơi với đội hình 5-3-2 và có thể thay đổi thành 3-4-3 tùy theo đối thủ và theo từng thời điểm của trận đấu giống như U23 Việt Nam, U23 Jordan với những điểm nổi trội của một đội bóng Tây Á giàu thể lực, càn lướt và tốc độ, rõ ràng có thể đảm bảo thực hiện được chiến thuật của HLV Ismail một cách tuyệt đối.
Ở trận gặp Triều Tiên, U23 Jordan chơi chủ động với khả năng pressing rất tốt, hệ thống phòng ngự được bọc lót kín kẽ, giữ cự ly đội hình tốt và luôn thực hiện những pha phản công bằng những đường chuyền dài rơi vào sau lưng các hậu vệ đối thủ, để tận dụng tốc độ và kĩ thuật của tiền đạo mang áo số 19 Al Naimat khai thác những khoảng trống ở 1/3 sân của Triều Tiên.
Hoặc họ có thể chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công bằng những đường chuyền có cự ly trung bình, với hai điểm chạm để bóng tới chân các tiền đạo ở phía trên. Ở trận đấu đầu tiên, U23 Jordan nhiều lần sử dụng cách này để buộc hàng phòng ngự Triều Tiên mắc sai lầm, chỉ tiếc là họ không tận dụng được hết các cơ hội đã tạo ra trước khung thành của đối thủ.
Al Naimat cũng là ngôi sao nguy hiểm nhất trên hàng công của U23 Jordan, anh đúng mẫu trung phong có thể “tự làm tự ăn”, đặc biệt đáng sợ khi di chuyển từ cánh trái vào trung lộ và dứt điểm. Anh còn nhận được sự hỗ trợ khá tốt từ số 9 Mohammad Atieh, người chơi như một số 10 và đá rộng ở hai biên, cầu thủ này có những đường chuyền chiến thuật và biết di chuyển để tạo khoảng trống để Al Naimat khai thác.
U23 Jordan còn có số 14 Olwan, người được xếp chơi như một tiền đạo cánh trái với sự khéo léo và tốc độ không thua kém Al Naimat, không gian hoạt động của cầu thủ này là rất rộng, anh thường xuyên lui về vạch giữa sân để hỗ trợ các tiền vệ phòng ngự, nhưng ngay lập tức có thể xuất hiện trong vòng cấm của Triều Tiên để gây đột biến.
Hàng tiền vệ là nơi mà HLV Ahmed Ismail đặt niềm tin lớn nhất, khi ông sở hữu Al Rawabdeh, tiền vệ mang áo số 8 và cũng là đội trưởng chơi bóng đầu óc, đây cũng có thể là điểm vượt trội của U23 Jordan với U23 Việt Nam, khi cầu thủ này chơi bóng theo phong cách của Hùng Dũng tại SEA Games 30, mẫu cầu thủ tổ chức trận đấu tuyệt vời.
Nhưng nếu có điểm yếu nào của U23 Jordan để các học trò HLV Park Hang Seo có thể khai thác, chắc chắn đó là các hậu vệ của họ luôn gặp khó khăn khi đối mặt với những tiền đạo chơi xoay lưng tốt và kĩ thuật.
HLV U23 Nhật Bản nhận trách nhiệm vì đội nhà bị loại
U23 Nhật Bản đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất tại VCK U23 châu Á 2020 khi bị loại sớm từ vòng bảng sau hai trận toàn thua. Và HLV Hajime Moriyasu đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình. “Tôi xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Để xảy ra kết quả này là trách nhiệm của tôi", báo Nikkan của Nhật Bản dẫn lời nhà cầm quân này sau trận, “Về kế hoạch xây dựng Olympic Nhật Bản trong tương lai thì chúng tôi có rất nhiều cái tên và tôi sẽ xem ai có thể góp mặt ở Thế vận hội. Đó có thể là những cầu thủ đang chơi ở giải đấu này, cũng có thể là những người đang thi đấu ở châu Âu. Tôi muốn tận dụng tối đa sức mạnh của đội bóng, từ những cầu thủ trong độ tuổi đến những người quá tuổi".
Trong trận gặp U23 Syria, các học trò của ông Moriyasu kiểm soát thế trận, nhưng tấn công bế tắc. Không thể ghi bàn trong hiệp hai, họ dính đòn "hồi mã thương" của đối thủ. " Chúng tôi tấn công và chấp nhận mạo hiểm. Bàn thua trong hiệp hai đến từ việc chúng tôi không thể dứt điểm được và rồi bị đội bạn phản công", HLV Moriyasu nói về nguyên nhân thất bại.
"Tôi muốn các cầu thủ chơi đủ 6 trận của vòng chung kết, giúp họ có thêm kinh nghiệm cho Olympic. Thật đáng tiếc khi chúng tôi chỉ có thể chơi 3 trận. Cảm giác này thật không dễ chịu chút nào. Tôi hy vọng những cảm xúc ấy sẽ giúp các cầu thủ trưởng thành", ông Moriyasu chia sẻ. Trong trận cuối cùng , U23 Nhật Bản sẽ gặp U23 Qatar. Trận đấu này không còn ý nghĩa với đội chủ nhà Olympic 2020, nhưng có thể quyết định tấm vé đi tiếp của đối thủ Tây Á.
NHẬN ĐỊNH U23 UAE – U23 Triều Tiên: Giải mã bí ẩn.
Trong khi U23 Hàn Quốc đã sớm giành vé vào vòng tứ kết sau hai trận toàn thắng thì đội bóng láng giềng của họ, U23 Triều Tiên, đang đứng trước nguy cơ tạm biệt giải ngay từ vòng đấu bảng.
Bí ẩn U23 Triều Tiên đã phần nào được giải mã sau khi đội bóng này thất thủ 1-2 trước U23 Jordan ở lượt trận mở màn. Đó là trận đấu mà U23 Triều Tiên đã bị dẫn trước 2-0, và những nỗ lực của họ được đền đáp bằng bàn gỡ muộn mằn ở phút bù giờ. Điều đáng nói là U23 Triều Tiên đã chơi khá hay trong hiệp một, nhưng thủng lưới vì một pha bất cẩn, và sau đó nhược điểm về tâm lý thi đấu khiến họ thua thêm bàn nữa.
Ý chí có thể được nung nấu bằng quyết tâm, nhưng bản lĩnh thi đấu thì phải được trui rèn qua từng trận. Mà xét về mặt này thì U23 Triều Tiên có vẻ thiệt thòi hơn các đội cùng bảng, họ đá giao hữu quá ít. Trước giải, U23 Triều Tiên chỉ có một trận giao hữu với Australia, và họ thua tới 0-4. Hàng công của U23 Triều Tiên cũng là một vấn đề khi chỉ ghi vỏn vẹn 4 bàn ở vòng loại, xếp thứ… 15/16 đội tham dự.
Bảng D của VCK U23 châu Á được đánh giá tương đối cân bằng, song U23 UAE vẫn được xem là nhỉnh hơn một chút, trong khi U23 Triều Tiên lại kém một chút vì thiếu cọ xát. Chính vì thế, đội bóng Đông Á được cho là sẽ gặp ít nhiều khó khăn ở trận đấu này. Trong trận hòa 0-0 với U23 Việt Nam, U23 UAE đã có một thế trận tương đối tốt, với sự nguy hiểm từ chân sút Ali Saleh. Đội bóng này cũng được đánh giá nhỉnh hơn U23 Triều Tiên về thể lực, kỹ thuật.
Xét về đối đầu, U23 UAE cũng được đánh giá cao hơn, khi thắng 3, hòa 3, và chỉ thua có 1 trên mọi đấu trường. Sẽ không ngạc nhiên nếu các học trò của HLV Skorza giành trọn 3 điểm để nhắm vé đi tiếp.
Cục diện bảng C: Hàn Quốc đi tiếp, Trung Quốc bị loại sớm
Không bất ngờ khi Hàn Quốc giành vé vào tứ kết ở bảng B bởi đội bóng xứ Kim Chi luôn được đánh giá cao và nằm trong số các ứng viên vô địch giải năm nay. Sau chiến thắng vô cùng chật vật trước Trung Quốc ở trận ra quân, U23 Hàn Quốc thể hiện gương mặt đáng xem hơn nhiều ở trận gặp Iran. Họ mạnh mẽ về thể lực, chặt chẽ trong phòng ngự và đầy nguy hiểm trong các pha lên bóng. Chiến thắng 2-1 trước Iran giúp Hàn Quốc giành vé tứ kết sớm.
Iran sau khi bỏ lỡ những cơ hội quá ngon ăn để đánh bại Uzbekistan ở trận ra quân thì không có gì để tiếc nuối về trận thua Hàn Quốc. Với đúng 1 điểm có được, họ có nguy cơ bị loại sớm.
Loạt trận cuối, Iran gặp Trung Quốc trong khi Hàn Quốc đối đầu Uzbekistan. Nếu Iran không thắng Trung Quốc thì Hàn Quốc và Uzbekistan dắt tay nhau vào tứ kết bất luận trận đấu giữa họ có kết quả thế nào. Nếu Iran thắng Trung Quốc còn Hàn Quốc không thắng Uzbekistan thì Hàn Quốc và Uzbekistan vào tứ kết.
Nếu Iran thắng Trung Quốc còn Hàn Quốc thắng Uzbekistan thì Iran và Uzbekistan cùng có 4 điểm và thành tích đối đầu bằng nhau nên phải so sánh hiệu số bàn thắng thua tổng cộng của hai đội để chọn 1 đội đi tiếp.
Cục diện bảng B: Nhật Bản bị loại, cuộc đua càng gay cấn
Nhật Bản bị loại và Syria tràn trề cơ hội vào tứ kết là những diễn biến gây sốc thực sự ở bảng này. Trước giải, U23 Nhật Bản được đánh giá là 1 trong 2 đội chắc suất vào tứ kết ở bảng. Thậm chí, Nhật Bản còn được coi là một trong những ứng viên vô địch. Thực tế, các học trò ông Moriyasu Hajime gây thất vọng lớn với lối chơi thiếu đột biến với nhịp độ đều đều.
Trong khi Nhật Bản gây bất ngờ với việc bị loại sớm thì Syria cũng gây bất ngờ nhưng là theo hướng gần như ngược lại. Từ chỗ may mắn thoát thua Qatar với bàn gỡ hòa 2-2 may mắn vào phút bù giờ cuối cùng ở trận ra quân, Qatar lại thắng Nhật Bản bằng một bàn thắng vào những phút cuối cùng hiệp 2. Cơ bản thì đội bóng Tây Á đá không có gì quá đặc sắc nhưng họ luôn duy trì quyết tâm thi đấu đến phút chót và được tưởng thưởng cho điều đó.
Giờ thì cục diện bảng B hết sức khó lường. Saudi Arabia và Syria (cùng 4 điểm) đang chia nhau 2 vị trí dẫn đầu trong khi Qatar (2 điểm) xếp thứ 3. Mặc dù vậy, cả Saudi Arabia lẫn Syria đều chưa có vé vào tứ kết trong khi Qatar vẫn còn hi vọng góp mặt trong số 8 đội cuối cùng dù chỉ xếp thứ 3.
Lượt cuối, Saudi Arabia và Syria đối đầu nhau trong khi Qatar gặp Nhật Bản và một số khả năng có thể xảy ra. Nếu Qatar không thắng Nhật Bản thì Saudi Arabia và Syria dắt tay nhau vào tứ kết bất luận trận đấu giữa họ có kết quả thế nào. Nếu Qatar thắng Nhật Bản và trận Saudi Arabia – Syria có thắng thua thì đội thắng sẽ cùng Qatar vào tứ kết.
Nếu Qatar thắng Nhật Bản còn trận Saudi Arabia – Syria kết thúc với tỷ số hòa thì khi đó Qatar, Saudi Arabia, Syria cùng có 5 điểm nên họ sẽ phải so sánh các chỉ số với nhau và tùy theo trận Saudi Arabia – Syria hòa với tỷ số thế nào mà chúng ta sẽ có kết quả so sánh cuối cùng để chọ 2 đội bảng này vào tứ kết.
T.G
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất