Việt Nam và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Những dấu ấn đáng nhớ

01/01/2022 15:26 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam đã chính thức hoàn thành cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Trong hai năm qua, Việt Nam đã khẳng định được vai trò, vị thế tại cơ quan quan trọng nhất của LHQ và để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.

Chuyên gia Nga đánh giá cao vai trò Việt Nam trong các tiến trình hội nhập Á - Âu

Chuyên gia Nga đánh giá cao vai trò Việt Nam trong các tiến trình hội nhập Á - Âu

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, báo điện tử Infox.ru vừa đăng bài viết “Việt Nam và vòng cung Đại Á - Âu” của tác giả Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ “Ý tưởng Á - Âu”, trong đó đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong các tiến trình hội nhập tại không gian Đại Á - Âu.

Với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì hòa bình bền vững”, Việt Nam đã tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên; đồng thời có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của HĐBA, được các nước đánh giá cao.

Thuận lợi và khó khăn   

Cách đây hai năm, vào tháng 1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường do tác động tiêu cực, đa chiều của đại dịch COVID-19; xu thế cạnh tranh chiến lược nước lớn, căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latinh…, cùng nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đan xen đã tạo ra nhiều khó khăn, trở ngại với hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có HĐBA LHQ.

Trong đó, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực, đa chiều, đặc biệt ảnh hướng tới việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà LHQ đã đề ra.   

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc công bố kết quả bầu cử đối với đoàn Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tham gia cơ quan quyền lực cao nhất LHQ, Việt Nam có thuận lợi, khi vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao, với các mối quan hệ ngoại giao với 189 trong số 193 nước ở khắp các châu lục, trong đó có quan hệ đối tác với các nước lớn và tất cả 5 Ủy viên thường trực HĐBA. Dù tình hình quốc tế phức tạp, song các nước đề cao vai trò của LHQ và thừa nhận cần thiết tăng cường hợp tác đa phương, phối hợp hành động để giải quyết các vấn đề toàn cầu.   

Tuy nhiên, khó khăn là bối cảnh quốc tế và khu vực phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích của đất nước. Cũng như các nước thành viên, Việt Nam vừa phải đóng góp giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa phải nỗ lực vượt qua thách thức nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra.   

Với phương châm “Việt Nam là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021, Việt Nam đã thể hiện vai trò và vị thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.     

Việt Nam xác định tham gia HĐBA nhằm góp phần vào công việc chung của thế giới, nhất là các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế; mong muốn thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, hành động tập thể, đồng thuận, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chia sẻ quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về nhiều vấn đề.

Những mục tiêu ưu tiên Việt Nam theo đuổi trong nhiệm kỳ gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình; tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực; bảo vệ dân thường, các cơ sở dân sự trong xung đột vũ trang; bảo vệ và nâng cao vai trò của phụ nữ, bảo vệ trẻ em; giải quyết hậu quả xung đột, tái thiết và phát triển; nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; xử lý tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Đóng góp chủ động và tích cực   

Trong suốt nhiệm kỳ, Việt Nam luôn đề cao cách tiếp cận mang tính xây dựng, thúc đẩy đồng thuận, hợp tác và mong muốn các bên liên quan tăng cường trao đổi để giảm khác biệt, tăng điểm chung. Trong nhiều vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, Việt Nam nhấn mạnh cách giải quyết hòa bình các tranh chấp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia; thúc đẩy đàm phán, đối thoại tìm giải pháp toàn diện, lâu dài cho các cuộc xung đột.   

Đáng ghi nhận nhất trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là việc Việt Nam đã 2 lần đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch HĐBA, vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.   

Trên cương vị Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Việt Nam đã tổ chức tốt hai sự kiện điểm nhấn là: Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” (với sự tham gia của 111 diễn giả từ 106 quốc gia, thông qua Tuyên bố Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử HĐBA về chủ đề tuân thủ Hiến chương LHQ) và Phiên họp lần đầu tiên của HĐBA về chủ đề “Hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN”. Các sự kiện này đã đáp ứng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về tăng cường vai trò của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và đề cao ý nghĩa, hiệu quả của hợp tác đa phương trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều thách thức chung phải giải quyết.   

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trực tuyến, gửi Thông điệp quan trọng đến Phiên họp. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN

Đánh giá về tháng Chủ tịch HĐBA đầu tiên của Việt Nam, đại diện các nước đều chung nhận định rằng Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của chủ tịch, thông tin về công việc của HĐBA cho các nước không phải ủy viên HĐBA, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.   

Tiếp đó, tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhận lần thứ hai vai trò Chủ tịch HĐBA LHQ. Trong tháng Chủ tịch thứ hai này, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì và hoàn tất với ba phiên họp điểm nhấn cấp cao về “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" và “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và các nước ủy viên HĐBA nhất trí bỏ phiếu ủng hộ để ra được hai Tuyên bố Chủ tịch và một nghị quyết.   

Ngoài ra, trong hai năm qua, trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và năm 2021 là nước ASEAN duy nhất tại HĐBA, Việt Nam đã đóng góp rất tích cực vào việc tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam đã tổ chức thành công Phiên thảo luận mở đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa ASEAN và LHQ (tháng 1/2020) và Phiên thảo luận mở về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin, do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, đồng thời thúc đẩy HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch về nội dung này (tháng 4/2021); đề cao vai trò của ASEAN trong thảo luận và văn kiện của HĐBA về vấn đề Myanmar.

Đặc biệt, sáng kiến của Việt Nam về việc Chủ tịch ASEAN 2021 (Brunei) thông tin cho HĐBA về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN, được các nước HĐBA đánh giá cao, bước đầu tạo thông lệ mới để đại diện ASEAN hiện diện, trình bày quan điểm tại HĐBA mỗi khi vấn đề Myanmar được thảo luận.         

Bên cạnh đó, theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong hai năm qua, Việt Nam luôn duy trì trao đổi, chia sẻ quan điểm, tăng cường phối hợp với 5 nước Ủy viên thường trực (nhóm P5), tích cực đóng góp vào các hoạt động, ủng hộ sáng kiến, đề xuất của 10 nước Ủy viên không thường trực (nhóm E10). Các nước thành viên Hội đồng Bảo an coi trọng và lắng nghe ý kiến của Việt Nam khi tham gia xử lý các vấn đề phức tạp.         

Tựu chung lại, trong 2 năm nhiệm kỳ HĐBA (2020-2021), Việt Nam đã thúc đẩy một cách hiệu quả các sáng kiến khác trong khuôn khổ LHQ như: giới thiệu và thúc đẩy ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết về Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12); thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 với hơn 113 nước tham gia; tái cử thành công vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ nhiệm kỳ 2021-2026; vận động ứng cử vào các cơ quan LHQ khác như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.   

Việt Nam cũng đã đề xuất và được HĐBA thông qua 2 Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; 3 Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; một Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.   

Các sự kiện và văn kiện do Việt Nam chủ trì đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các nước, trong đó Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu được 65 nước và tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ (chỉ có 1% số Nghị quyết của HĐBA có được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên HĐBA ở mức tuyệt đối như vậy); lần đầu tiên HĐBA đưa ra Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ; Tuyên bố Hà Nội được hơn 60 nước đại diện cho 5 châu lục tuyên bố đồng bảo trợ…

Hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021   

Trong thông điệp nhân dịp Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, tham gia HĐBA, Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.   

Chủ tịch nước nhấn mạnh, những nỗ lực của Việt Nam tại HĐBA, cùng tổng thể thành công của các công tác đối ngoại nói chung, đã góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, hội nhập toàn diện của đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đưa quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả.   

Trước đó, tại phiên họp cuối cùng của Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ (ngày 28/12/2021) do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chủ trì, các đại biểu cũng đều nhất trí rằng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đạt được toàn bộ các mục tiêu, phương châm đề ra từ đầu nhiệm kỳ.   

Có được thành công này là nhờ Việt Nam đã luôn kiên định với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, được Đại hội Đảng XII và XIII, cũng như Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư đề ra, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.   

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, những yếu tố quan trọng tạo nên thành công nhiệm kỳ HĐBA của Việt Nam lần này là sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành hữu quan; sự ủng hộ, đồng lòng của người dân trong nước và sự tín nhiệm, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị được tiến hành bài bản, công phu từ sớm, từ xa, kế thừa những kinh nghiệm thành công từ nhiệm kỳ đầu tham gia HĐBA (2008-2009), đặc biệt về tổ chức lực lượng, công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, cơ chế phối hợp, phân cấp quyết định.   

Còn theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, thành công lớn nhất của Việt Nam là sau hai năm là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, các nước lớn đã “nể chúng ta hơn, các bạn bè truyền thống quý chúng ta hơn. Đấy là thành công lớn nhất”.   

Tổng Thư ký LHQ António Guterres thì nhận định, Việt Nam khi làm Chủ tịch HĐBA đã thể hiện sự khéo léo, vai trò trung gian, cầu nối trong hỗ trợ giải quyết bất động, tạo không khí hòa dịu giữa các nước lớn. Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng đánh giá cao Việt Nam khi đề xuất thúc đẩy đưa mối quan hệ hợp tác giữa LHQ với khối các nước Đông Nam Á lên một tầm cao mới, phát huy hơn nữa tinh thần của chủ nghĩa đa phương.   

Khép lại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam đã để lại nhiều dư âm đánh giá tích cực, đồng điệu với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về một thế giới hòa bình bền vững, không có chiến tranh, xung đột; không còn đói nghèo, bất bình đẳng. Dư âm đó bồi đắp thêm niềm tin, tiếp thêm xung lực cho Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phục vụ công cuộc phát triển đất nước.                                                             

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm