TP.HCM: Không có sự tăng đột biến số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày

04/09/2021 18:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết không có sự tăng đột biến số ca nhiễm trong ngày tại địa phương này. 

TP.HCM xác định lộ trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 7,2 triệu người

TP.HCM xác định lộ trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 7,2 triệu người

TP.HCM đề ra mục tiêu hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn với số lượng 7,208 triệu người trong năm 2021.

Ngày 3/9, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca nhiễm tăng cao là 8.499 ca. Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), cho biết không có sự tăng đột biến số ca nhiễm trong ngày tại địa phương này. 

Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, số liệu Bộ Y tế công bố hằng ngày là số những ca có kết quả RT-PCR dương tính. Nguyên nhân số ca F0 tăng cao trong ngày 3/9 đó là vì những ca có kết quả test nhanh dương tính trước đó được test lại bằng phương pháp RT-PCR đến nay có kết quả. Sau đó được cập nhật lên hệ thống cùng lúc vào ngày 3/9 nên khiến con số tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết đã làm việc với các bệnh viện, trung tâm y tế địa phương chấn chỉnh về vấn đề này để có con số chính xác nhất.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 42.862 bệnh nhân, trong đó: có 3.106 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.770 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 3/9 có có 2.266 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 122.775), 256 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 10.230).

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân nặng ở BV Việt Đức - TP.HCM

Về thông tin hiện có khoảng 75.000 học sinh ở các cấp học gặp khó khăn khi học trực tuyến qua internet, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cho hay, Sở đã làm việc với các trường để có kế hoạch khắc phục. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố triển khai sớm nhất việc dạy – học trên truyền hình. Trong tháng 9/2021, sẽ ưu tiên các nội dung dạy cho học sinh kỹ năng tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng tham gia, hỗ trợ con em mình học trên internet. Về nội dung theo chương trình, sẽ có ưu tiên thời lượng cho các khối lớp nhỏ, các lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các lớp cuối cấp. Đồng thời, kho tài liệu trực tuyến đã được Sở xây dựng từ năm 2020 tiếp tục được bổ sung, cập nhật, đảm bảo cung cấp tài liệu học tập cho học sinh và phụ huynh các cấp.

Trong trường hợp học sinh quá khó khăn, không thể tiếp cận việc học trực tuyến như trên, các trường sẽ thực hiện các phiếu học tập. Giáo viên sử dụng hệ thống của ngành để tiếp cận, đưa các phiếu học tập đến cho học sinh, đảm bảo các em nắm bắt được bài học, đảm bảo tiến độ học tập. Ngoài ra Sở cũng đang làm việc với với các đơn vị viễn thông; các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.

Chú thích ảnh
Vận chuyển kịp thời sách giáo khoa tới học sinh trước thềm năm học 2021 - 2022

Sau khi kiểm soát dịch bệnh, các giáo viên sẽ có kế hoạch kèm cặp riêng các em để bù đắp những hạn chế gặp phải. Ngoài ra, Sở cũng làm việc với Công an Thành phố hỗ trợ giấy đi đường cho các giáo viên, nhân viên giáo dục phát tài liệu học tập tới tận nhà.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, đối với các giáo viên đang tham gia phòng chống dịch cứ tiếp tục nhiệm vụ này đến khi hết nhiệm vụ. Các giáo viên còn lại trong trường có thể giúp nhau do thời lượng dạy học hiện nay không quá 5 buổi/tuần. Bên cạnh đó, việc dạy học trực tuyến thì một giáo viên có kinh nghiệm dạy có thể cho nhiều lớp cùng học. Trên phần mềm quản lý dạy học hiện nay, học sinh có thể thực hiện các yêu cầu của giáo viên và giáo viên có thể theo dõi, đánh giá được. Hiện có 6.600 em học sinh các cấp học đang mắc COVID-19 và các trường đã nắm danh sách, đa số các em đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, có thể tham gia học trực tuyến. Các em đang là F0, gia đình có người F0 hoặc có người thân không qua khỏi thì quả thật tinh thần bị ảnh hưởng lớn. Các thầy, cô giáo sẽ cố gắng trao đổi, hỗ trợ, đặc biệt quan tâm đến các em.

"Mong rằng trong môi trường tập thể, có các bạn học sinh, các thầy cô giáo chia sẻ, các em sẽ vượt qua, tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện cho tương lai của bản thân" - Ông Hiếu chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cán bộ chiến sỹ sư đoàn 309, Quân đoàn 4 tăng cường tham gia kiểm soát giao thông trên đường Cộng Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố cho biết, từ khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến ngày 4/9, Công an Thành phố ghi nhận 19 vụ phạm pháp hình sự (so với trung bình của năm 2020 giảm 85%). Kết quả đã điều tra khám phá 18/19 vụ, bắt 22 đối tượng, một vụ án làm giả tài liệu đang trong quá trình điều tra. Do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng gây khó khăn trong tiến độ điều tra các vụ án, Công an Thành phố đang nỗ lực giải quyết các vụ án đúng thời hạn theo luật định, đồng thời cũng đã có báo cáo về Bộ Công an những khó khăn, vướng mắc về công tác điều tra trong giai đoạn này.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, số vụ trộm cắp (11/19 vụ) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong số vụ phạm pháp hình sự nên khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác. Bên cạnh đó, Công an Thành phố cũng nhận được một số phản ánh về các trường hợp lừa đảo qua mạng, tổ chức và đánh bạc trực tuyến, lừa đảo chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng trực tuyến..., mong người dân Thành phố chú ý cảnh giác.

Chi tiết lộ trình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân TP.HCM

TP.HCM đã được phân bổ lượng vaccine đảm bảo bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên. Theo lộ trình và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vaccine, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã xây dựng lộ trình tiêm vaccine gồm 4 giai đoạn đến cuối năm, với tổng liều cần là hơn 8,1 triệu.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 31/8/2021, TP.HCM, Bình Dương, Long An đã được phân bổ lượng vaccine đảm bảo bao phủ 100% mũi 1 cho những người từ 18 tuổi trở lên tại từng địa phương.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vừa có kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM nhằm đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP (hơn 7,2 triệu người). 4 giai đoạn cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: từ ngày 29/8 đến ngày 15/9

Tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỉ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1.

Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine với khoảng 2.089.000 người (733.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 485.000 người tiêm vaccine Moderna, 31.000 người tiêm vaccine Pfizer, 840.000 người tiêm vaccine Vero Cell).

Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 2.769.000 liều.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19  tại TP.HCM. Nguồn: TTXVN

Giai đoạn 2: từ ngày 16-30/9

Bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, khoảng 656.900 người (500.000 người tiêm vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer, 18.200 người tiêm vaccine Moderna, 700 người tiêm vaccine Pfizer, 138.000 người tiêm bằng vaccine Vero Cell).

Tổng số lượng vaccine cần sử dụng là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3: từ ngày 1-15/10

Tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4: từ ngày 16/10 đến ngày 31/12

Tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vaccine phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29-8 đến ngày 30-9). Như vậy, tổng số lượng vaccine cần dùng từ ngày 29-8 đến 31-12 là hơn 8.145.900 liều (trong đó mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều; mũi 2 là hơn 6.745.900 liều).

Đối tượng tiêm vaccine là toàn bộ người dân ở TP.HCM trong độ tuổi quy định có chỉ định sử dụng vắc xin, trong đó tập trung ưu tiên người cao tuổi; người có bệnh lý nền, thai phụ từ 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú; lực lượng tuyến đầu chống dịch (những người chưa tiêm) và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế.

Danh sách người tiêm mũi 2 phải được nhập liệu lên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia (ghi rõ thời điểm và loại vaccine đã tiêm mũi 1) để các địa phương quản lý thông tin và lập kế hoạch sắp xếp lịch mời người dân đến tiêm.

Các khu vực có thể tổ chức hình thức tiêm lưu động để tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân. Tuy nhiên, điều này phải đảm bảo yêu cầu giãn cách và an toàn phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức, kết hợp với đội thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát cộng đồng để tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân sau khi có kết quả âm tính.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 20.210.381 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.483.818 liều, tiêm mũi 2 là 2.726.563 liều.

Tính đến hôm nay, Việt Nam đã nhận khoảng hơn 29 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong đó nhiều nhất vẫn là vaccine AstraZeneca với khoảng trên 10 triệu liều.

Thảo Nhi - P.V/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm