Thử làm... cái ngu thứ ba

17/02/2009 11:32 GMT+7 | Thế giới

Ghi chép của Minh Tiến

(TT&VH) - Mai phục suốt hai tháng trong rừng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc.

Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim trứ danh.

Thử làm… cái ngu thứ ba

"Trên đời có bốn cái ngu / Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Cứ theo như câu ca dao trên thì "gác cu" là việc ngu thứ ba trong bốn cái ngu nhất của con người. Song ở Cô Tô (huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh), tôi lại thấy một hình ảnh trái ngược. Cái thú vị nhất trong nghề chơi chim cu gáy không chỉ là nghe tiếng gù (hót) của nó mà là huấn luyện được một con chim mồi thật "chiến" để đi tóm cổ các chú chim khác.

Chim cu gáy có đặc điểm là sống theo bầy đàn và có một con làm thủ lĩnh. Mỗi khoảng rừng sẽ có một đàn chim cùng một “ông hoàng” ngự trị. Con chim đầu đàn làm nhiệm vụ bảo vệ và lấy giống cho cả đàn. Bất kỳ con chim lạ nào xâm nhập lãnh địa thì chim đầu đàn có trách nhiệm ra đuổi đánh. Và để lên chức thủ lĩnh đàn chim thì con chim đực ấy phải chiến thắng tất cả những con đực khác trong đàn.

Anh Hoàng Văn Thanh- vua cu gáy ở huyện đảo Cô Tô

Nắm được đặc điểm ấy, Hoàng Văn Thanh, người được mệnh danh là “vua chim gáy” đất Cô Tô, luôn muốn bắt những con chim đầu đàn về để chơi. Ban đầu anh chọn một con chim có "tướng" rồi huấn luyện làm “chim mồi”. Đây là một quá trình cực kỳ công phu chả kém gì chăm con mọn. Nào là phải chọn thức ăn ngon, sạch. Hàng ngày phải chăm sóc, vuốt ve, "coi chim như con" để "lấy lòng" nó. Đến khi con chim quyến luyến chủ đến mức chủ bảo gì, nghe nấy - không bao giờ muốn rời bỏ chủ - thì có thể coi công đoạn huấn luyện chim mồi đã thành công một nửa. Kể đến đây, anh Thanh bật tay "tách" một cái, từ cửa chuồng đã mở, một con "bạch điểu" (chim cu gáy trắng) từ trong lồng bay vút lên trời như một mũi tên rồi từ từ đậu vào vai Thanh.

Thanh bảo, để huấn luyện được mức này thì chỉ mất khoảng 6 tháng đến một năm. Nhưng huấn luyện sao cho con "chim mồi" này đủ bản lĩnh để "chiến" sòng phẳng với những con chim rừng là một việc vô cùng khó khăn. Vốn chim rừng quen chinh chiến, nó không bao giờ ngán bất cứ đối thủ nào. Nhưng chim nhà mình nuôi, lúc mang con chim khác về thì có thể "chiến" rất "máu" bởi "chó cậy nhà, gà cậy chuồng". Nhưng đến khi mang ra "chiến" với chim rừng thì có con chưa đánh đã run. Thanh bảo, loại ấy thì chỉ có nước bán cho những người nuôi chim làm cảnh.

Săn chim

Hàng tuần, cứ khoảng 6 giờ sáng Thanh vác chim mồi vào rừng đánh bẫy. Tôi liền nằn nì xin đi theo một buổi. Lúc ấy mặt trời mới nhô lên ở góc rừng, chúng tôi đi sâu vào con đường mòn trong khu rừng khoảng nửa giờ đi bộ.

Con cu gáy mồi của anh Thanh


Đến nơi, sau khi treo chim mồi trên một chạc ba, Thanh kéo tôi chui vào một bụi găng rồi kể tiếp. Để bắt được con chim cần phải tinh thông thiên văn, địa lý như… Khổng Minh. Mắt sáng lên hãnh diện, Thanh thuật lại lần đi bắt con “mỏ quặp” trứ danh. Thanh đặt tên nó là con “mỏ quặp” vì mỏ nó quặp vào như mỏ vẹt. Con này thoạt nhìn Thanh đã "kết" lắm. Ngoại hình đẹp tuyệt vời, nhưng nghe nó gù thì vang hơn tiếng chuông đồng. Đã năm lần bảy lượt Thanh mang chim mồi đến đánh mà toàn...thua. Đến tận giêng hai năm ngoái mới thành công.

 Suốt hai tháng trời, bầu trời chỉ toàn một màu u ám. Để tóm được con mỏ quặp thì con mồi của mình phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Phải có một chế độ chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày chỉ cho ăn thóc và vừng đen, tuyệt đối không cho hót, đồng thời ủ ấm trong một chiếc lồng thật kín gió, có bóng điện đỏ giữ ấm cho chim. Mai phục suốt hai tháng, đúng vào một ngày mùa đông giá rét, đang ngồi cho chim ăn thì Thanh nghe có một cơn gió mang một luồng khí ấm thổi tới. Đến đêm thì thấy sao sáng vằng vặc. Thanh chắc chắn sang mai nắng ấm sẽ lên - chính là cơ hội tốt để tóm cổ con chim cứng đầu kia.

Sáng hôm sau, quả thật là bầu trời thật quang sạch. Những tia nắng ấm đầu của mùa hạ len lỏi vào từng nhành cây, kẽ lá. Thanh ôm con chim mồi đi vào đúng địa hạt của con "mỏ quặp". Treo con chim mồi và cái bẫy lên, Thanh chui vào một bụi cây ngồi chờ. Không phải chờ lâu, con chim mồi vừa cất lên tiếng "cúc cù cu" thật trầm hùng thì lập tức con mỏ quặp từ đâu bay vút đến. Nó chao mấy vòng trên không rồi đỗ vào một cành cây đối diện thi hót. Nhờ được ủ ấm và dưỡng sức, con chim mồi của Thanh có tiếng gáy chắc nịch, khiến cho con chim lão luyện kia phải gồng mình lên mới khỏi bị lép vế. Hai con chim đua nhau hót hàng nửa giờ đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng, con mỏ quặp tung mình lên cao lượn ba vòng trên không rồi lao vào định đánh giáp lá cà với kẻ địch. Chân chưa chạm xuống cành cây mà cánh nó đã đập phành phạch vào con chim mồi. Nhưng chỉ đánh được một miếng, khi chân nó đậu xuống thì “phựt”, cái bẫy đã sập xuống. Con chim cố vùng vẫy mong trốn thoát như không thể. Sướng quá, Thanh lao người từ bụi cây ra, ôm lấy con mỏ quặp chạy luôn về nhà, quên luôn cả con chim mồi.

(còn nữa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm