Ôm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng đối mặt với rủi ro gì?

13/04/2022 19:15 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Các ngân hàng và công ty chứng khoán hiện là những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp khi nắm giữ đến 52% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua, với tổng giá trị lên tới 373.000 tỷ đồng.

Nhu cầu trái phiếu Chính phủ vẫn tăng

Nhu cầu trái phiếu Chính phủ vẫn tăng

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp có thể khiến tín dụng tăng trưởng chậm lại những tháng cuối năm.

Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 154.000 tỷ đồng, chiếm 68% trái phiếu ngân hàng phát hành, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 năm và 153.000 tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Đây là những con số được Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) tổng hợp tại bản báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.

Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại được SSI Research theo dõi, với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống, tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các ngân hàng thương mại đầu tư tính đến hết năm 2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm trước đó.

Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đang là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 62.809 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cuối năm 2020. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với lượng trái phiếu nắm giữ gần 43.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 27.782 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 18.577 tỷ đồng.

Trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro trái phiếu, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Ôm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng đối mặt với rủi ro gì? (hình minh họa)

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang sở hữu trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank).

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, việc một số ngân hàng ồ ạt mua trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có thể nhằm mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Bởi nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ thì việc phát hành trái phiếu sẽ giúp doanh nghiệp trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp "bắt tay" dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ. 

Mặt khác, trái phiếu doanh nghiệp có thể là cách giúp các ngân hàng thương mại vừa "lách luật" để cho vay doanh nghiệp bất động sản, các công ty chứng khoán lại vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa làm sạch bảng cân đối tài chính. 

Năm 2021, SSI ước tính có khoảng 1,39 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được lưu hành. Quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp tăng tốc mạnh mẽ từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% năm 2021 so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 

Không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển "nóng" của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy.

Trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro trái phiếu, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp

Mới đây nhất là vụ hủy phát hành 9 lô trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị trên 10.000 tỷ đồng do che giấu, công bố thông tin sai sự thật. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup và Công ty cổ phần Tập đoàn Apec do không nộp hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu và buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư.

Theo giới chuyên gia, sẽ rủi ro nếu trái phiếu phát hành không được ngân hàng bảo lãnh thanh toán. Bởi nếu chỉ đóng vai trò là đơn vị quản lý tài sản bảo đảm, ngân hàng chỉ có trách nhiệm quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm, kiểm tra, theo dõi tình trạng tài sản bảo đảm và đại diện cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm và theo quy định của pháp luật. 

"Nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không trả được nợ thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý. Tuy nhiên, thực tế cũng không dễ định giá được các tài sản bảo đảm, nhất là với những tài sản được hình thành trong tương lai và cổ phần doanh nghiệp khi chưa niêm yết. Mặt khác, khi doanh nghiệp xảy ra biến cố, giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Và người hứng chịu rủi ro chính là nhà đầu tư", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Chưa dừng ở đó, ông Thịnh còn cảnh báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn rủi ro, nhất là với doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Cả ngân hàng cũng như các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp đều có thể bị vạ lây, thậm chí phá sản nếu các doanh nghiệp bất động sản này gặp khó khăn. 

Trước những nguy cơ này, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái siết hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp khi ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. 

Trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro trái phiếu, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, Thông tư quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất tại tất cả các tổ chức tín dụng; không được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô hoặc đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con. 

Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và trái phiếu doanh nghiệp sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp. Việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế hơn.

Báo cáo của SSI cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng đang dần thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế cho thấy dù số dư trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ vẫn tăng lên, nhưng tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với quy mô thị trường trái phiếu. Do đó, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng thương mại nắm giữ liên tục giảm từ 71% hồi năm 2018 xuống còn 25% tính đến hết năm 2021.

Lê Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm